Trường Đại học Dầu khí Việt Nam tổ chức Hội nghị xúc tác và hấp phụ toàn quốc lần thứ XII
Ngày 24/5, tại Trường Đại học Dầu khí Việt Nam, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Hội Khoa học, Công nghệ xúc tác và hấp phụ Việt Nam, Trường Đại học Dầu khí Việt Nam, tổ chức Hội nghị xúc tác và hấp phụ toàn quốc lần thứ XII (Phiên toàn thể), với chủ đề 'Xúc tác và hấp phụ trước thách thức chuyển dịch năng lượng'.
Hội nghị thu hút sự quan tâm và tham gia của gần 200 đại biểu gồm các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đến từ 62 đơn vị trong và ngoài nước.
Theo GS. TSKH Lưu Cẩm Lộc – Chủ tịch Hội Khoa học, Công nghệ xúc tác và hấp phụ Việt Nam, dưới áp lực của biến đổi khí hậu do phát thải khí nhà kính chủ yếu là carbon dioxide (CO2) ngày càng tăng quá trình chuyển dịch của hệ thống năng lượng toàn cầu đang diễn ra với nhịp độ phi thường. Chỉ trong hơn một thập kỷ vừa qua, đầu tư vào nhiều dạng năng lượng tái tạo đã vượt quá đầu tư vào các dạng nhiên liệu hóa thạch. Các chính sách năng lượng và khí hậu hiện chiếm vị trí trung tâm trong các vấn đề quốc gia và quốc tế. Các lĩnh vực khoa học, công nghệ và sản xuất - kinh doanh phục vụ cho mục đích chuyển dịch năng lượng đang ngày càng được mở rộng, đa dạng hóa.
Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, áp lực thực hiện các cam kết tại COP26 cho mục tiêu net zero tại thời điểm 2050 lại càng trở nên cấp bách. Chính vì vậy, việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo cũng như cải tiến các phương pháp sản xuất nhiên liệu từ nguồn hóa thạch đi kèm các giải pháp giảm thiểu phát thải, sử dụng, thu giữ và chôn giấu carbon đang là nhu cầu cấp thiết.
"Thời gian qua, tại Việt Nam, các thử nghiệm về sản xuất nhiên liệu sinh học, nhiều dự án điện gió và điện mặt trời đã được đầu tư mạnh mẽ, có thể nói đó là bước đi hết sức khích lệ cho công cuộc chuyển dịch năng lượng quốc gia", GS. TSKH Lưu Cẩm Lộc nói.
Phát biểu tại Hội nghị, TS. Phan Minh Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường Đại học Dầu khí Việt Nam bày tỏ niềm vinh dự khi được Hội Khoa học Công nghệ xúc tác và hấp phụ Việt Nam tạo điều kiện đăng cai tổ chức Hội nghị. Đây là cơ hội để các nhà khoa học, các chuyên gia, và các nhà quản lý cùng nhau thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và tìm ra những giải pháp hiệu quả cho các thách thức hiện nay trong lĩnh vực xúc tác và hấp phụ.
TS. Phan Minh Quốc Bình cho biết, xúc tác và hấp phụ là hai quá trình quan trọng trong hóa học và công nghệ vật liệu, có nhiều ứng dụng trong công nghiệp, môi trường và nghiên cứu khoa học.
Trách nhiệm của cộng đồng khoa học và công nghệ xúc tác và hấp phụ đang đặt ra trong giai đoạn này là tập trung vào các nghiên cứu về những sản phẩm thân thiện với môi trường, phát triển vật liệu mới, cải thiện các quá trình sản xuất công nghiệp hiện có bằng cách sử dụng các chất xúc tác và vật liệu hấp phụ hiệu quả hơn để tăng năng suất, giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế; Đồng thời tiếp tục tìm kiếm các giải pháp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu do sự gia tăng hàm lượng CO2 trong khí quyển, hướng đến sự phát triển bền vững.
“Hiện nay, các phương pháp nghiên cứu và cách tiếp cận mới trong phát triển xúc tác và chế biến dầu khí tại Việt Nam đã được đầu tư mạnh mẽ, đạt được những tiến bộ đáng chú ý như giảm phát thải CO2, tăng tỷ trọng các dạng năng lượng tái tạo. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng vào thực tiễn và thương mại hóa”, TS. Phan Minh Quốc Bình chia sẻ.
Tại Hội nghị, các báo cáo đã đề cập đến xu hướng nghiên cứu toàn cầu về lĩnh vực xúc tác và hấp phụ mà Việt Nam có thể tiếp thu và phát triển, đặc biệt là vấn đề trung hòa carbon và giảm phát thải CO2, nâng cao chất lượng các quá trình chế biến dầu khí, năng lượng mới và bảo vệ môi trường. Nhiều nhóm nghiên cứu đã công bố các kết quả nghiên cứu mới, có tính ứng dụng cao, phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng xanh hiện nay.