Trường đại học Đồng Nai: Vượt khó củng cố chất lượng đào tạo

Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Trường đại học Đồng Nai trên cơ sở nâng cấp từ Trường cao đẳng Sư phạm Đồng Nai vào năm2020. Sau khi được nâng cấp lên đại học, nhà trường đã chuyển hướng đào tạo đa ngành thay vì chỉ đào tạo các ngành sư phạm.

Sinh viên Trường đại học Đồng Nai sinh hoạt kỹ năng tại khu vực thư viện trường được đầu tư xây dựng hiện đại. Ảnh: C.Nghĩa

Sinh viên Trường đại học Đồng Nai sinh hoạt kỹ năng tại khu vực thư viện trường được đầu tư xây dựng hiện đại. Ảnh: C.Nghĩa

Trường đại học Đồng Nai được kỳ vọng sẽ phát triển trở thành đơn vị đào tạo nguồn nhân lực đa ngành hàng đầu, đồng thời là trung tâm nghiên cứu khoa học, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ cho tỉnh mà cho cả vùng Đông Nam bộ.

* Chưa đạt như kỳ vọng

Để có thể phát triển Trường đại học Đồng Nai như kỳ vọng, từ khi được thành lập đến nay, tỉnh đã đầu tư rất lớn cho nhà trường. Nhiều công trình phục vụ đào tạo đã được đầu tư như: thư viện, nhà thi đấu, hệ thống giảng đường... Các ngành đào tạo mới liên tục được mở và thu hút người học. Ngoài truyền thống và thế mạnh đào tạo các ngành sư phạm có từ nhiều năm trước, một số ngành ngoài sư phạm mới ở trình độ đại học đã thu hút khá đông sinh viên, điển hình là ngành Tiếng Anh.

Từ năm 2015, UBND tỉnh quyết định sáp nhập Trường trung cấp Kinh tế Đồng Nai và Trường trung cấp Kỹ thuật - công nghiệp Đồng Nai vào Trường đại học Đồng Nai vì hoạt động kém hiệu quả. Đây là một bước phát triển mới về quy mô đối với nhà trường. Khi tiếp nhận 2 trường nói trên, Trường đại học Đồng Nai đã được tỉnh cho phép đầu tư 2 trường này trở thành Trường phổ thông Thực hành sư phạm và Trung tâm Tin học - ngoại ngữ. Hiện nay, Trường phổ thông Thực hành sư phạm có đủ 3 cấp học từ tiểu học, THCS và THPT với quy mô trên 3 ngàn học sinh.

Đến nay, Trường đại học Đồng Nai là trường duy nhất trong số 184 trường đại học trên cả nước chưa tiến hành kiểm định chất lượng.

Dù được tỉnh tạo mọi điều kiện phát triển, thế nhưng Trường đại học Đồng Nai đã phải đối diện với khá nhiều khó khăn để có thể sớm trở thành một đơn vị đào tạo chất lượng cao đa ngành và là trung tâm nghiên cứu khoa học của tỉnh. Một trong những khó khăn lớn mà nhà trường vấp phải chính là sự cạnh tranh mạnh mẽ của các trường đại học vốn có kinh nghiệm đào tạo đa ngành được thành lập trước đó. Khi môi trường đào tạo ngày càng rộng mở, nhu cầu học các ngành sư phạm đã giảm đi đáng kể, trong khi Bộ GD-ĐT đã có những tiêu chí riêng trong xét tuyển ngành sư phạm và chỉ những học sinh có lực học khá, giỏi mới có thể vào các ngành sư phạm.

Mặt khác, trong quá trình phát triển, tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban giám hiệu và một số cán bộ của Trường đại học Đồng Nai có nhiều sai phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và đã bị kỷ luật; trong đó Phó bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường đã bị cách các chức vụ trong Đảng và cho thôi chức hiệu trưởng vào tháng 6-2021. Những sai phạm của lãnh đạo nhà trường đã ảnh hưởng đến uy tín và sự phát triển của nhà trường và quyền lợi của người học...

* Nhiều thách thức cần vượt qua

Đứng trước những khó khăn của Trường đại học Đồng Nai, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có sự chỉ đạo quyết liệt, xử lý các sai phạm, thiếu sót trong quá trình hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của nhà trường. Cụ thể, Hội đồng trường và Ban giám hiệu nhà trường đã được củng cố, các hoạt động của nhà trường từng bước ổn định. Trường tiếp tục được quan tâm đầu tư về mọi mặt để từng bước vượt qua khó khăn và phát triển, bám sát mục tiêu đã được tỉnh đề ra với nhà trường.

Theo TS Lê Anh Đức, Hiệu trưởng Trường đại học Đồng Nai, đến nay Trường đại học Đồng Nai là một trong những trường có đội ngũ cán bộ, giảng viên đạt trình độ tiến sĩ trở lên ít nhất, chỉ khoảng 10%, trong khi trường có 5 ngàn sinh viên. Nếu so sánh với Trường đại học Thủ Dầu Một của tỉnh Bình Dương cùng loại hình, cùng xuất phát điểm là trường cao đẳng sư phạm lên đại học thì Trường đại học Thủ Dầu Một có tới 18 ngàn sinh viên (gấp 4 lần), giảng viên, nhân viên 700 người (gấp 2 lần), trong đó có trên 200 tiến sĩ (tỷ lệ 27%, gấp 5 lần).

Nếu áp dụng Thông tư số 03/2022/TT-BGDĐT của
Bộ GD-ĐT, quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non thì việc duy trì và mở các ngành đào tạo mới của Trường đại học Đồng Nai càng trở nên khó khăn hơn. Theo đó, Thông tư 03/2022/TT-BGDĐT quy
định rõ, muốn duy trì ngành, mở mã ngành mới thì người đứng đầu ngành đó phải có trình độ tiến sĩ đúng với ngành muốn nở mới. TS Lê Anh Đức cho biết, theo quy định mới thì một số chuyên ngành đào tạo của trường đã không đủ tỷ lệ tiến sĩ để duy trì đào tạo theo quy định.

Theo TS Lê Anh Đức, từ tháng 8-2021, Trường đại học Đồng Nai đã xây dựng và ban kế hoạch kiểm định chất lượng, việc kiểm định gặp nhiều khó khăn. Do đó, vừa qua nhà trường đã mời các đơn vị tư vấn, các chuyên gia về kiểm định chất lượng đại học đến để tư vấn cho quá trình kiểm định của nhà trường. Bước đầu, đơn vị tư vấn và các chuyên gia đánh giá trường đã hoàn thành 70% minh chứng phục vụ cho công tác kiểm định. Trong tháng 5 và tháng 6, nhà trường sẽ tích cực triển khai công tác kiểm định và đến cuối tháng 6 sẽ có văn bản báo cáo UBND tỉnh chính thức việc kiểm định được hay không.

Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG:

Trường đại học Đồng Nai phải phát triển tương xứng với sự phát triển của tỉnh

Trường đại học Đồng Nai phải nỗ lực hoàn thành kế hoạch kiểm định chất lượng. Trong quá trình thực hiện gặp khó khăn thì phải báo cáo với tỉnh để có giải pháp tháo gỡ. Một tỉnh kinh tế phát triển, đóng góp ngân sách lớn thì Trường đại học Đồng Nai phải nỗ lực phát triển cho tương xứng. Bên cạnh đó, phải đánh giá lại đội ngũ nhân lực và có giải pháp đáp ứng được nhu cầu đào tạo.

Công Nghĩa

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202305/truong-dai-hoc-dong-nai-vuot-kho-cung-co-chat-luong-dao-tao-3166629/