Trường Đại học Hải Phòng phấn đấu trở thành Đại học Hải Phòng

Đề án đổi mới và phát triển Trường Đại học Hải Phòng đến năm 2030 xác định trường trở thành trường đại học lớn nhất và có uy tín khu vực Duyên hải Bắc Bộ.

Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị đã chỉ ra mục tiêu tổng quát: “Xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước; có công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không; trọng điểm dịch vụ logistics; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, kinh tế biển”.

Hiệu trưởng Trường Đại học Hải Phòng trao giấy khen tặng các tập thể đạt danh hiệu xuất sắc, tiên tiến (Ảnh: NTCC)

Trường Đại học Hải Phòng là trường đại học công lập duy nhất trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, với bề dày truyền thống 65 năm xây dựng và phát triển (1959-2024), trường có nhiều lợi thế trong việc khẳng định vị trí, vai trò của cơ sở giáo dục đại học đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố, vùng Duyên hải Bắc Bộ và cả nước.

Đặc biệt là việc cung ứng nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Xuân Hải – Hiệu trưởng nhà trường, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, thời gian qua, Trường Đại học Hải Phòng đã khẩn trương hoàn thiện Đề án “Đổi mới và phát triển Trường Đại học Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Hiện nay, Đề án đang được gửi xin ý kiến các sở, ban, ngành thành phố để Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố có căn cứ xem xét ban hành một Nghị quyết riêng về việc phát triển Trường Đại học Hải Phòng.

Đây sẽ là một sự kiện quan trọng, đưa Nhà trường bước sang giai đoạn phát triển mới mạnh mẽ và bền vững, có những đóng góp rõ ràng và tích cực hơn nữa đối với sự phát triển của thành phố.

Theo mục tiêu trong Đề án trình thành phố, đến năm 2030, Trường Đại học Hải Phòng trở thành trường đại học lớn nhất và có uy tín của khu vực Duyên hải Bắc Bộ, lấy các ngành đào tạo phục vụ phát triển công nghiệp, dịch vụ và logistic làm mũi nhọn; Trường là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo; có một số chương trình đào tạo chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh và thu hút sinh viên quốc tế đến học tập.

Mục tiêu tổng quát đến năm 2045, trường trở thành một trong những cơ sở giáo dục đại học hàng đầu của Việt Nam và ngang tầm các trường đại học trung bình khá của khu vực Đông Nam Á.

Mục tiêu đến năm 2030, Trường Đại học Hải Phòng trở thành trường đại học lớn nhất và có uy tín của khu vực Duyên hải Bắc Bộ (Ảnh: NTCC)

Theo đó, Trường sẽ trở thành Đại học Hải Phòng (đại học vùng), có 03 trường thành viên (dự kiến gồm: Trường Sư phạm; Trường Kinh tế và Quản lý; Trường Công nghệ và Kỹ thuật), có quy mô đào tạo và nghiên cứu khoa học thứ hạng cao trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam; là cơ sở giáo dục đại học đào tạo một số ngành mũi nhọn trong lĩnh vực công nghệ thông tin, dịch vụ và logistic; trong đó có một số chương trình đào tạo đạt trình độ quốc tế được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh hoặc tiếng Trung.

Trong hệ thống các giải pháp đồng bộ để thực hiện mục tiêu đó, bên cạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường quan tâm và chú trọng đến việc đổi mới phương thức và hiệu quả công tác tuyển sinh hệ chính quy.

Căn cứ quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo và tình hình thực tế, nhà trường luôn cập nhật, cải tiến công tác tuyển sinh để kịp thời đáp ứng nguyện vọng của phụ huynh và học sinh.

Từ năm 2016-2019, Trường Đại học Hải Phòng tuyển sinh đại học theo 03 phương thức: Xét tuyển điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, xét tuyển kết quả học bạ trung học phổ thông, xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Từ năm 2020 đến nay, nhà trường bổ sung thêm 02 phương thức xét tuyển là: Xét tuyển kết hợp giữa Chứng chỉ quốc tế (IELTS, TOEFL iBT, TOEIC, Tiếng Trung HSK) và kết quả thi trung học phổ thông hoặc kết quả học tập; xét kết quả thi đánh giá năng lực do một số Đại học tổ chức.

Sinh viên Khoa Du Lịch của Trường Đại học Hải Phòng (Ảnh: NTCC)

Bên cạnh đó, trường còn có những chính sách để hỗ trợ tuyển sinh như: miễn, giảm học phí, tặng học bổng đối với sinh viên có điểm trúng tuyển cao (trên 26 điểm); thực hiện chế độ đối với sinh viên ngành sư phạm (theo Nghị định 116 của Thủ tướng Chính phủ); cam kết việc làm đối với sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành có ưu thế thị trường; ưu tiên tuyển dụng đối với sinh viên có thành tích xuất sắc trong toàn khóa học.

Mỗi năm, nhà trường chủ động kết nối với doanh nghiệp và dành quỹ học bổng ngoài ngân sách từ 500-600 triệu đồng cho sinh viên.

Trong công tác nhập học, trường đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, đảm bảo cho người học thực hiện các thao tác nhập học nhanh chóng, chính xác.

Số lượng sinh viên hệ chính quy trúng tuyển và nhập học có xu hướng tăng lên theo các năm học (2018-2019: 2.069 người; 2019-2020: 2.051 người; 2020-2021: 3.515 người; 2021-2022: 4.750 người; 2022-2023: 3.407 người).

Hiện nay, tổng số sinh viên hệ chính quy đang học tại Trường Đại học Hải Phòng là gần 10.000 người.

Phó giáo sư Bùi Xuân Hải cho rằng, để tạo mối liên hệ chặt chẽ và hiệu quả giữa “đầu vào” và “đầu ra” trong quá trình đào tạo, hàng năm, nhà trường chủ động kết nối với Trung tâm dịch vụ việc làm (thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội), các doanh nghiệp để tổ chức Ngày hội việc làm, các chương trình tuyển dụng trực tiếp tại trường, tạo cơ hội để sinh viên được đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng nghề và có việc làm trước thời điểm tốt nghiệp.

Sinh viên Trường Đại học Hải Phòng tham gia ngày hội việc làm năm 2023 (Ảnh: NTCC)

“Trong 5 năm qua (2018-2023), tỉ lệ trung bình sinh viên tốt nghiệp có việc làm trong năm đầu tiên đạt trên 80% (trong đó 66,4% đúng chuyên ngành đào tạo).

Một số chuyên ngành sinh viên tốt nghiệp có tỉ lệ việc làm cao (gần như 100%) như: Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc, Du lịch, Điện - Điện tử, Cơ khí, Chế tạo máy, Công nghệ Thông tin, các ngành Sư phạm (Toán, Văn, Tiểu học, Mầm non, Anh - Nhật, Anh - Hàn…).

Thực tế cho thấy đây cũng có thể coi là những ngành đào tạo thế mạnh, mũi nhọn của Trường Đại học Hải Phòng, có sức cạnh tranh khá tốt trên thị trường lao động hiện nay.

Kết quả khảo sát, xin ý kiến phản hồi từ các bên liên quan những năm vừa qua cho thấy, gần 90% tổ chức, doanh nghiệp hài lòng về năng lực, trình độ, kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp từ Trường Đại học Hải Phòng.

Đặc biệt hiện nay, có những doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đang sử dụng lực lượng khá lớn sinh viên tốt nghiệp từ trường, như: Regina Miracle International Việt Nam (557 người); LGDVH (171 người); Kyocera (80 người); Pegatron (75 người)…”, Hiệu trưởng Trường Đại học Hải Phòng cho biết.

Theo Phó giáo sư Bùi Xuân Hải, trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả mô hình đào tạo theo định hướng ứng dụng, trọng tâm là mô hình kết hợp nhà trường - doanh nghiệp, trong đó công tác đào tạo kiến thức và kỹ năng được thực hiện ở trường, công tác thực hành, thực tập thực hiện tại các cơ sở thực tập (các công ty, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục…) nhằm tận dụng hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại của cơ sở thực tập.

Đồng thời, xác định nhu cầu nguồn nhân lực các ngành nghề mũi nhọn theo Nghị quyết số 45-NQ/TW năm 2019 của Bộ Chính trị về phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và nhu cầu nhân lực của khu vực Duyên hải Bắc Bộ để xây dựng các chương trình đào tạo mới như Logistic và quản lý chuỗi cung ứng, Luật, Quản lý công, Marketing, Kỹ thuật phần mềm, Khoa học máy tính... (trình độ đại học) và Kế toán, Công nghệ thông tin, Giáo dục học (trình độ sau đại học).

LÃ TIẾN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-dai-hoc-hai-phong-phan-dau-tro-thanh-dai-hoc-hai-phong-post241732.gd