Trường Đại học Luật Hà Nội tập huấn xây dựng Báo cáo Tự đánh giá 07 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ
Sáng 21/02, Trường Đại học Luật Hà Nội khai mạc đợt tập huấn Xây dựng Báo cáo Tự đánh giá 07 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo dưới sự chủ trì của Hiệu trưởng Đoàn Trung Kiên.
Tham dự Hội nghị tập huấn có TS. Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS Vũ Thị Lan Anh - Phó Hiệu trưởng thường trực Nhà trường; PGS.TS Tô Văn Hòa - Phó Hiệu trưởng Nhà trường cùng đầy đủ của thành viên các hội đồng tự đánh giá và tổ công tác hỗ trợ các nhóm chuyên trách. Hội nghị tập huấn Xây dựng Báo cáo Tự đánh giá 07 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu diễn ra từ ngày 21/02 đến ngày 23/02.
Mở đầu, PGS.TS Bùi Đăng Hiếu - Trưởng phòng Phòng Đảm bảo chất lượng đào tạo & Khảo thí đã giới thiệu mục đích, nội dung Khóa Tập huấn. Với mục đích giúp các cá nhân và đơn vị liên quan nắm được các quy định, hướng dẫn thực hiện, tham gia tích cực trong giai đoạn tự đánh giá, viết báo cáo tự đánh giá liên quan đến nội dung thuộc đơn vị mình phụ trách, chuẩn bị minh chứng, số liệu.
Phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn, PGS.TS Vũ Thị Lan Anh - Phó Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao luôn luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, trong đó, việc phát triển hệ thống đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đối với các CTĐT luật được đặc biệt quan tâm. Trường Đại học Luật Hà Nội xác định việc tự đánh giá và kiểm định các chương trình đào tạo là một trong những nhiệm vụ ưu tiên trong kế hoạch công tác hàng năm của Nhà trường. Năm 2023, có thể nói là năm rất thành công đối với nhà Trường trong công tác kiểm định. Trường đã hoàn thành kiểm định 04 CTĐT trình độ đại học với kết quả rất cao trong đó, ngành Luật Thương mại quốc tế đạt 92%, ngành Luật Kinh tế đạt 92%, ngành Luật CLC đạt 90% và ngành Luật đạt 92%. Trường cũng là một trong số ít các CSGD đại học đã hoàn thành kiểm định cơ sở giáo dục chu kì 03. Hoạt động kiểm định cũng đã trở thành một trong 10 hoạt động tiêu biểu của ngành Tư pháp năm 2023.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công như trên, với những mục tiêu được đặt ra trong QĐ 78/QĐ-TTg và QĐ 1056/QĐ-TTg, có thể thấy, công việc kiểm định các CTĐT còn đang rất bộn bề, tiến độ của công việc kiểm định chưa tương xứng với tiềm lực của Nhà trường. Phó Hiệu trưởng Vũ Thị Lan Anh mong muốn rằng tập thể lãnh đạo Nhà trường với quyết tâm cao, cùng với toàn thể viên chức người lao động phấn đấu hoàn thành và cố gắng vượt các chỉ tiêu đề ra, đây sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2024. Với kì vọng những kết quả tốt về kiểm định sẽ mang lại những động lực tích cực để Trường liên tục cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo ở mức tốt nhất, nhằm đáp ứng các yêu cầu của nhà Trường và yêu cầu của xã hội đối giáo dục, đặc biệt là đào tạo pháp luật trong cuộc cách mạng 4.0.
PGS.TS Vũ Thị Lan Anh tin rằng với kinh nghiệm thực hiện công tác kiểm định vừa qua và nỗ lực, trách nhiệm cao của toàn thể viên chức, người lao động trong Trường, quá trình tập huấn nhằm chuẩn bị cho công tác tự đánh giá 07 CTĐT trình độ thạc sĩ định hướng nghiên cứu sẽ đạt kết quả tốt nhất.
Phát biểu tại Hội nghị tập huấn, TS. Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng Nhà trường cho biết công tác kiểm định chất lượng 07 CTĐT trình độ thạc sĩ định hướng nghiên cứu là nhiệm vụ trọng tâm của 2024. Với những thành công trong công tác kiểm định của năm 2023, Hiệu trưởng Đoàn Trung Kiên mong muốn các thầy cô sẽ phát huy các kinh nghiệm trước đó, đoàn kết, quyết tâm cũng như phối hợp tích cực với các đơn vị để cùng đưa ra các phản hồi về tiêu chí và tham mưu kịp thời cho lãnh đạo Nhà trường để cùng nhau hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trí quan trọng này.
Nội dung của buổi tập huấn tập trung vào các nội dung sau: Tập huấn chung về các đặc thù xây dựng Báo cáo tự đánh giá các CTĐT sau đại học; Tập huấn chuyên sâu về cách viết Báo cáo tự đánh giá và thu thập minh chứng cho các TC1, TC2, TC3, TC4, TC5, TC10 (1,2,3,4), TC11; Tập huấn chuyên sâu về cách viết Báo cáo tự đánh giá và thu thập minh chứng cho các TC1, TC2, TC3, TC4, TC5, TC10 (1,2,3,4), TC11; Tập huấn chuyên sâu về cách viết Báo cáo tự đánh giá và thu thập minh chứng cho các TC6, TC7, TC8, TC9, TC10 (5,6); Tập huấn chuyên sâu cho nhóm 3 (12 tiêu chí), nhóm 4 (6 tiêu chí) và nhóm 5 (6 tiêu chí); Hướng dẫn, thực hành, thảo luận và giải đáp thắc mắc theo nhu cầu của các nhóm; Hướng dẫn, thực hành, thảo luận và giải đáp thắc mắc theo nhu cầu của các nhóm.
Để chương trình tập huấn đạt hiệu quả cao, các thành viên cần tham gia tập huấn đầy đủ, chủ động nghiên cứu, tìm hiểu văn bản pháp lý và trao đổi kinh nghiệm để thực hiện tự đánh giá CTĐT có chất lượng, hiệu quả. Đồng thời, sau khi thông báo chính thức về kết quả Tự đánh giá và Báo cáo Tự đánh giá chất lượng CTĐT theo ngành, các đơn vị, cá nhân có liên quan cần tiếp nhận, nghiên cứu kết quả đánh giá và có kế hoạch cải tiến chất lượng CTĐT theo khuyến nghị của Hội đồng Tự đánh giá.