Trường Đại học Ngoại thương: Tuyển sinh chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ ngành Tài chính – Ngân hàng năm 2023

Trường Đại học Ngoại thương đã chính thức ban hành Chương trình đào tạo (CTĐT) trình độ tiến sĩ ngành Tài chính – Ngân hàng dựa trên nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của xã hội, trong bối cảnh lĩnh vực tài chính – ngân hàng liên tục thay đổi dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Ngày 31/10/2023, Trường Đại học Ngoại thương đã chính thức ban hành Chương trình đào tạo (CTĐT) trình độ tiến sĩ ngành Tài chính – Ngân hàng, dựa trên nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của xã hội, trong bối cảnh lĩnh vực tài chính – ngân hàng liên tục thay đổi dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ tài chính – ngân hàng của Trường Đại học Ngoại thương được thiết kế trên cơ sở cách tiếp cận học tập dựa trên nghiên cứu (research-based learning). Trước khi thực hiện các học phần nghiên cứu và luận án, nghiên cứu sinh được trang bị các kiến thức lý thuyết khoa học nâng cao và chuyên sâu theo các trụ cột trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng cùng các phương pháp hiện đại để đặt ra và giải quyết các vấn đề nghiên cứu.

Chương trình cũng có các học phần tự chọn phong phú được xây dựng nhằm cung cấp cho nghiên cứu sinh kiến thức hệ thống dưới dạng tổng quan nghiên cứu theo các chủ đề mà nghiên cứu sinh có thể lựa chọn sát với đề tài luận án. Thông qua các học phần tự chọn, nghiên cứu sinh có thể lĩnh hội được các kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án từ những chuyên gia khác ngoài người hướng dẫn khoa học của mình.

Trên cơ sở tiếp cận học tập dựa trên nghiên cứu, các học phần trong chương trình đào tạo giúp nghiên cứu sinh có thể thực hành liên tục kỹ năng nghiên cứu, hỗ trợ tích cực cho nghiên cứu sinh hoàn thành luận án tiến sĩ và các sản phẩm khoa học theo quy định. Thêm vào đó, trong quá trình đào tạo, nghiên cứu sinh có thể trau dồi kiến thức, kỹ năng, giao lưu học thuật và mở rộng mạng lưới nghiên cứu bằng cách tham gia các tọa đàm, hội thảo khoa học các cấp.

Từ đó, nghiên cứu sinh có thể phát triển các ý tưởng nghiên cứu gắn với đề tài luận án đồng thời có cơ hội tham gia hợp tác nghiên cứu cùng các chuyên gia trong và ngoài trường.

Một số điểm lưu ý trong tuyển sinh đối với CTĐT trình độ tiến sĩ ngành Tài chính - Ngân hàng như sau:

Về đối tượng tuyển sinh:

Đối tượng tuyển sinh của CTĐT trình độ tiến sĩ ngành Tài chính - Ngân hàng là các thí sinh đã tốt nghiệp trình độ đại học trở lên, đáp ứng các điều kiện tuyển sinh (về văn bằng, ngoại ngữ và các điều kiện khác) của chương trình và có đam mê nghiên cứu các vấn đề liên quan đến lĩnh vực tài chính - ngân hàng (xem chi tiết ở đường link phía dưới).

Về phương thức tuyển sinh:

Khoa Sau đại học, Trường Đại học Ngoại thương thực hiện xét tuyển dựa trên:

+ Dự thảo đề cương nghiên cứu và dự kiến kế hoạch học tập và nghiên cứu toàn khóa;

+ Có 1 thư giới thiệu dự tuyển nghiên cứu sinh của nhà khoa học có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có học vị tiến sĩ khoa học, tiến sĩ đã tham gia hoạt động chuyên môn với người dự tuyển và am hiểu lĩnh vực mà người dự tuyển dự định nghiên cứu;

+ Có công văn cử đi dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ bởi cơ quan quản lý nhân sự (đối với người đã có việc làm) hoặc cơ sở đào tạo (nơi sinh viên vừa tốt nghiệp); hoặc được xác nhận nhân thân bởi chính quyền địa phương nơi cư trú (đối với người làm nghề tự do). Riêng người dự tuyển là công dân nước ngoài có thể được giới thiệu bởi cơ quan quản lý nhân sự hoặc cơ sở đào tạo bậc đại học/thạc sĩ hoặc đại sứ quán của quốc gia mà công dân đó được bảo hộ.

Về chương trình đào tạo:

Nghiên cứu sinh tham gia CTĐT trình độ Tiến sĩ ngành Tài chính - Ngân hàng có thể khai thác cơ sở dữ liệu FiinPro và vận dụng phương pháp nghiên cứu hiện đại nhằm đặt vấn đề, tìm kiếm thông tin, xử lý dữ liệu sử dụng phần mềm chuyên dụng, phân tích và giải quyết các vấn đề chuyên sâu trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng dưới sự hướng dẫn tận tình của đội ngũ giảng viên tu nghiệp ở các nước phát triển và giàu kinh nghiệm nghiên cứu. Chương trình đào tạo tiến sĩ tài chính - ngân hàng áp dụng phương pháp giảng dạy lấy người học làm trung tâm trên cơ sở cách tiếp cận học tập theo nghiên cứu (research-based learning), hướng dẫn và gợi mở cho nghiên cứu sinh thực hiện nghiên cứu và thảo luận chuyên sâu các vấn đề nghiên cứu đương đại trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Bên cạnh phương pháp thuyết giảng, các giảng viên tham gia giảng dạy sẽ sử dụng phương pháp phân tích, gợi mở hướng nghiên cứu và các phương pháp thực hiện nghiên cứu cho nghiên cứu sinh, phương pháp thảo luận nhóm, thuyết trình cá nhân/nhóm và thực hành nghiên cứu theo các chủ đề đa dạng và cập nhật trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng dựa trên các bài báo khoa học được xuất bản trên các tạp chí khoa học có uy tín thuộc danh mục Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước và web of Science & Scopus, từ đó, nghiên cứu sinh sẽ phát triển sâu tư duy logic, tư duy phản biện, tư duy thiết kế nghiên cứu, khả năng làm việc độc lập, làm việc nhóm cũng như khả năng dẫn dắt chuyên môn và thực hiện nghiên cứu.

Thêm vào đó, nghiên cứu sinh có thể tham gia các buổi tọa đàm chuyên môn, hội thảo khoa học với tư cách là người tham dự và/hoặc báo cáo viên thuyết trình về chủ đề nghiên cứu của mình nhằm tích lũy và trau dồi kiến thức, kỹ năng nghiên cứu, đồng thời tăng cường giao lưu học thuật và mở rộng mạng lưới nghiên cứu, làm tiền đề cho nghiên cứu sinh thực hiện luận án tiến sĩ và các sản phẩm khoa học theo quy định.

Về các hoạt động bổ trợ khác:

Ngoài hoạt động học tập và trao đổi học thuật trên lớp, nghiên cứu sinh có thể tham dự các buổi hội thảo khoa học và các buổi tọa đàm chuyên môn với các chủ đề cập nhật trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng nhằm thảo luận, giao lưu học thuật về các vấn đề nghiên cứu và thực tiễn liên quan đến lĩnh vực tài chính – ngân hàng với các nhà khoa học và các chuyên gia đầu ngành.

Ngoài ra, các nghiên cứu sinh còn có cơ hội tham gia các đề tài nghiên cứu các cấp cùng giảng viên, người hướng khoa học đồng thời xuất bản các công trình nghiên cứu cùng với các giảng viên, người hướng dẫn khoa học và các nhà nghiên cứu có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực.

Về thời gian đào tạo:

Thời gian đào tạo tiêu chuẩn của trình độ tiến sĩ là 4 năm (48 tháng) đối với nghiên cứu sinh tốt nghiệp đại học, 3 năm (36 tháng) đối với nghiên cứu sinh tốt nghiệp thạc sĩ. Nghiên cứu sinh có thể đăng ký thời gian đào tạo ngắn hơn so với thời gian đào tạo tiêu chuẩn.

Về ngôn ngữ đào tạo: Tiếng Việt và Tiếng Anh

Để biết thông tin chi tiết, xin vui lòng truy cập website: https://sdh.ftu.edu.vn/thong-bao-tuyen-sinh-dao-tao-trinh-do-tien-si-nganh-tai-chinh-ngan-hang-luat-kinh-te-dot-2-nam-2023-bo-sung/.

Đỗ Quyên

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/truong-dai-hoc-ngoai-thuong-tuyen-sinh-chuong-trinh-dao-tao-trinh-do-tien-si-nganh-tai-chinh-ngan-hang-nam-2023-141347.html