Trường Đại học Thương mại dự kiến tuyển sinh 9 chương trình đào tạo mới

Để đáp ứng các Quy định, Quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, năm 2025, Trường Đại học Thương mại dự kiến mở thêm 9 chương trình đào tạo (CTĐT) mới, bao gồm 7 CTĐT theo hướng định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế (IPOP) và 2 CTĐT song bằng quốc tế.

Các hình ảnh trong Hội thảo lấy ý kiến các bên liên quan về chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo tại Trường Đại học Thương mại ngày 12/10/2024

Các hình ảnh trong Hội thảo lấy ý kiến các bên liên quan về chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo tại Trường Đại học Thương mại ngày 12/10/2024

Trong đó, 7 CTĐT IPOP mới được phát triển và kế thừa những thành công của 8 CTĐT định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế đã tuyển sinh năm 2024, bao gồm: Quản trị thương hiệu (ngành Marketing); Kiểm toán tích hợp chứng chỉ quốc tế (ICAEW CFAB) (ngành Kiểm toán); Kinh tế và Quản lý đầu tư (ngành Kinh tế); Luật kinh doanh (ngành Luật kinh tế); Thương mại điện tử (ngành Thương mại điện tử); Quản trị Hệ thống thông tin (ngành Hệ thống thông tin quản lý); Tiếng Trung thương mại (ngành Ngôn ngữ Trung Quốc). Trường sẽ tiếp tục lấy ý kiến về khung chương trình, chuẩn đầu ra, phương pháp đào tạo để hoàn thiện chương trình trước khi tuyển sinh từ năm 2025.

Bên cạnh đó, năm học 2024 – 2025, Trường Đại học Thương mại dự kiến mở mới 2 CTĐT song bằng quốc tế, bao gồm: Quản trị kinh doanh - Khởi nghiệp và Marketing – Bán hàng.

Tuyển sinh các chương trình đào tạo mới đáp ứng bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng

Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, cùng với việc triển khai các cam kết, thỏa thuận hợp tác của các Chính phủ và sự thuận tiện trong di chuyển giữa các quốc gia trong khu vực ASEAN đã mở ra không chỉ nhiều cơ hội việc làm cho lĩnh vực kinh tế nói chung và việc làm quản trị nói riêng mà còn tạo ra thì thách thức lớn đối với người lao động Việt Nam là sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường lao động.

Xuất phát từ thực tiễn đó, yêu cầu đặt ra đối với nhân lực là phải tăng cường các tri thức hiện đại, tinh thần đổi mới sáng tạo, khả năng vận dụng linh hoạt trong mọi tình huống, có kỹ năng tốt trong đó đặc biệt là kỹ năng ngoại ngữ để có thể tiếp cận cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp nước ngoài.

Một vài hình ảnh của sinh viên CTĐT Kế toán tích hợp chứng chỉ quốc tế (ICEAW CFAB)

Một vài hình ảnh của sinh viên CTĐT Kế toán tích hợp chứng chỉ quốc tế (ICEAW CFAB)

Đầu năm học 2023 – 2024, Trường Đại học Thương mại đã tập trung xây dựng và phát triển các CTĐT định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế (IPOP) nổi bật với 5 đặc điểm: 1/ Mang tính thực tiễn cao bởi đảm bảo mối liên kết chặt chẽ giữa Nhà trường với các tổ chức, doanh nghiệp đối tác trong quá trình xây dựng chương trình đào tạo, hỗ trợ các hoạt động thực tập, thực tế tại doanh nghiệp, trong công tác đánh giá người học,…;

2/ Được đào tạo bởi đội ngũ nhân lực chất lượng cao đảm bảo trình độ tiếng Anh theo quy định;

3/ Tính toàn diện: sinh viên được cung cấp những kiến thức nền tảng liên ngành trong lĩnh vực kinh doanh – quản lý giúp dễ dàng thích ứng khi thay đổi môi trường làm việc, vị trí việc làm; được tiếp cận với những xu hướng mới về CMCN 4.0, chuyển đổi số, ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) trong kinh doanh; được trang bị kiến thức chuyên sâu về ngành, chuyên ngành đào tạo, chú trọng vào thực nghiệp;

4/ Tính quốc tế: ngoài các học phần Tiếng Anh tăng cường và nâng cao, trên 1/3 thời lượng CTĐT sinh viên được học các học phần chuyên môn bằng tiếng Anh, sinh viên tốt nghiệp đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh bậc 4/6, sử dụng thành thạo tiếng Anh và tự tin làm việc trong môi trường quốc tế;

5/ Có cơ hội việc làm ngay sau khi tốt nghiệp: Nhà trường thường xuyên tổ chức những buổi tọa đàm hướng nghiệp, chương trình trải nghiệm giúp sinh viên hiểu rõ hơn về ngành nghề đã chọn, xây dựng hệ thống mạng lưới doanh nghiệp đối tác trong cùng ngành nghề đào tạo, tiếp nhận và đặt hàng nhiều công việc ngay từ khi sinh viên thực tập tốt nghiệp,…

Bên cạnh các chương trình IPOP, việc phát triển 2 chương trình đào tạo song bằng quốc tế cũng cung cấp một môi trường học tập và phát triển lý tưởng để đáp ứng những yêu cầu hội nhập quốc tế, bởi lẽ bên cạnh việc tiếp thu những kiến thức và kỹ năng từ chương trình đào tạo chính quy của Việt Nam, sinh viên còn có cơ hội được tiếp nhận những tri thức và kỹ năng mới từ các chương trình nước ngoài và từ đó có thể đáp ứng toàn diện nhu cầu của người sử dụng lao động. Việc phát triển các chương trình đào tạo song bằng quốc tế đúng chuẩn, đào tạo theo hướng thực hành sẽ là bệ phóng tốc độ giúp người học nhanh chóng phát triển, cơ hội nghề nghiệp rộng mở ở cả thị trường trong nước và nước ngoài.

Năm 2025, Trường Đại học Thương mại tuyển sinh 9 CTĐT mới theo các phương thức xét tuyển đa dạng, ưu tiên thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh. Thí sinh và quý phụ huynh quan tâm có thể xem cụ thể các thông tin tuyển sinh trên trang website của Trường: https://tuyensinh.tmu.edu.vn/

Đại học Thương mại

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/truong-dai-hoc-thuong-mai-du-kien-tuyen-sinh-10-chuong-trinh-dao-tao-moi-172241114161608803.htm