Trường ĐH chỉ ra những cái khó của ngành Quản lý văn hóa
Rất cần sự quan tâm của nhà nước, xã hội trong việc thu hút nguồn nhân lực ngành Quản lý văn hóa và gia tăng sự nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa hơn nữa,...
Đối với mỗi quốc gia, việc đào tạo nguồn nhân lực về quản lý văn hóa đều có ý nghĩa và vai trò rất quan trọng trong việc phát triển nền văn hóa dân tộc.
Ở Việt Nam, tầm quan trọng của đội ngũ văn nghệ sĩ và cán bộ quản lý văn hóa đã được thể hiện rõ qua nhiều chủ trương, chính sách phát triển nguồn nhân lực của Đảng và nhà nước, tiêu biểu như đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo các trường văn hóa nghệ thuật”, “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên trình độ cao trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2010-2020”, “Xây dựng đội ngũ trí thức ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030”,…
Được biết, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh là một cơ sở đầu ngành tại khu vực phía Nam đào tạo về ngành học Quản lý văn hóa.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Thị Phương - Phó Trưởng Khoa, Phụ trách Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật (Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ, việc đào tạo nguồn nhân lực Quản lý văn hóa có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển chung của xã hội.
Có thể thấy rằng, từ các nghị quyết của Đảng cho đến chiến lược phát triển của các địa phương như tại Thành phố Hồ Chí Minh đều chú trọng đến vấn đề về văn hóa. Đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc đào tạo nhân lực cho những ngành đặc thù về văn hóa như Quản lý văn hóa là rất quan trọng.
Cô Phương chia sẻ, Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật có bề dày lịch sử và uy tín trong việc đào tạo nguồn nhân lực ngành Quản lý văn hóa. Chính vì vậy, cơ hội việc làm của sinh viên ngành học này sau khi ra trường là rất rộng mở bởi người học được cung cấp đầy đủ kiến thức về lý luận chính trị, khoa học xã hội và nhân văn, văn hóa cũng như quản lý trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, nghệ thuật, thể thao, di sản và du lịch.
Tùy vào từng chuyên ngành, sau khi tốt nghiệp, sinh viên thuộc ngành Quản lý văn hóa có thể làm việc tại nhiều vị trí về công tác tổ chức, quản lý, dàn dựng tại các tổ chức văn hóa – nghệ thuật thuộc khu vực nhà nước như Sở Văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch; Phòng Văn hóa tại Ủy ban nhân dân các cấp; Nhà Văn hóa; Trung tâm văn hóa; Nhà Thiếu nhi;Trung tâm Triển lãm; Nhà hát; Câu lạc bộ; Thư viện, Bảo tàng; Khu di tích, …;
Hay tại khu vực tư nhân như các công ty tổ chức sự kiện, công ty truyền thông, du lịch, các đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật, các điểm vui chơi, giải trí, bộ phận marketing và quan hệ công chúng của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nhà nước,… Ngoài ra, sinh viên ngành này sau khi tốt nghiệp ra trường còn có thể thành lập các tổ chức sự kiện độc lập.
Việc tuyển sinh cho những ngành học đặc thù về văn hóa nghệ thuật như Quản lý văn hóa vốn không phải điều dễ dàng.
Do đó, bên cạnh 2 chuyên ngành có truyền thống lâu đời của ngành Quản lý văn hóa tại khoa là chuyên ngành Quản lý hoạt động văn hóa xã hội và Tổ chức, dàn dựng chương trình văn hóa nghệ thuật. Đến năm 2020, sau khi tìm hiểu về nhu cầu nhân lực của xã hội cũng như nhu cầu của người học, khoa đã tuyển sinh và đào tạo thêm chuyên ngành Tổ chức sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch.
Tuy nhiên, công tác tuyển sinh các ngành học vẫn còn gặp phải một số khó khăn do khoa còn hạn chế về tài chính nên không có ban tuyển sinh riêng, mỗi giảng viên, sinh viên là những người trực tiếp tham gia vào việc tuyển sinh của khoa. Cô Phương cũng bày tỏ, hiện tại, kênh truyền thông tuyển sinh tốt nhất của khoa vẫn chủ yếu đến từ các bạn sinh viên đang học tại trường và cựu sinh viên.
Nhờ những nỗ lực của khoa và nhà trường, những năm gần đây, khoa đều tuyển sinh đủ chỉ tiêu cho ngành Quản lý văn hóa.
Mặt khác, cô Phương cho biết thêm, theo định hướng của nhà trường cũng như việc đáp ứng nhu cầu của xã hội thì việc mở thêm mã ngành đào tạo mà khoa đang mong muốn cũng là một bài toán khó, không phải muốn là được.
Bởi, để mở thêm mã ngành thì cơ sở đào tạo phải đảm bảo đầy đủ điều kiện về đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu cơ hữu, cơ sở vật chất, thiết bị, giáo trình… được quy định tại Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT về chuẩn chương trình đào tạo, xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo các trình độ giáo dục đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong khi đó, theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Trung – Trưởng khoa Du lịch và Công tác xã hội, Trường Khoa học xã hội và nhân văn (Trường Đại học Vinh) cho hay, những năm học gần đây, số người học ngành Quản lý văn hóa hệ đại học chính quy của khoa tương đối thấp.
Theo thầy Trung, văn hóa là nền tảng tinh thần, mục tiêu và động lực, góp phần thúc đẩy sự phát triển xã hội nên việc đào tạo nguồn nhân lực quản lý văn hóa là rất quan trọng. Chính vì vậy, việc khó tuyển sinh ngành học này sẽ dẫn đến sự thiếu hụt nguồn nhân lực trong tương lai, ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội.
Có thể thấy rằng, cơ hội việc làm của người học sau khi tốt nghiệp ngành Quản lý văn hóa rất phong phú và đa dạng vì có thể làm việc ở cơ quan nhà nước hoặc các công ty du lịch vì đã có nền tảng khá tốt về văn hóa.
Tuy nhiên, theo xu thế hiện nay, thường người học trên địa bàn sẽ lựa chọn học các ngành liên quan đến kinh tế, công nghệ thông tin hoặc đi xuất khẩu lao động luôn sau khi tốt nghiệp phổ thông chứ không muốn theo học các ngành về văn hóa như vậy. Hơn nữa, ngày càng có nhiều cơ sở đào tạo về Quản lý văn hóa nên đã vô tình tăng thêm sự cạnh tranh giữa các trường, dẫn đến việc khó khăn trong tuyển sinh ngành học này.
Ngoài ra, theo thầy Trung, hiện khoa có đội ngũ giảng viên đảm bảo trong công tác đào tạo ngành Quản lý văn hóa nhưng do ít người học nên cũng ảnh hưởng đến thu nhập của các thầy cô.
Do vậy, thầy Trung mong rằng, rất cần sự quan tâm của nhà nước, xã hội trong việc thu hút nguồn nhân lực ngành Quản lý văn hóa và gia tăng nhận thức của người dân về tầm quan trọng của văn hóa hơn nữa.