Trường ĐH chưa công bố đề án tuyển sinh vì chưa biết học phí được tăng hay không

Trong bối cảnh nguồn thu của các trường ĐH ở nước ta chủ yếu vẫn dựa vào học phí, thì những thay đổi nhỏ trong học phí cũng ảnh hưởng rất lớn tới người học.

Theo Kế hoạch triển khai công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục mầm non năm 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học phải công bố đề án tuyển sinh trên cổng thông tin của đơn vị trước ít nhất 30 ngày - trước khi thí sinh đăng ký dự tuyển. Thời gian đăng ký dự tuyển năm nay là từ ngày 5/7 đến 17 giờ ngày 25/7. Như vậy, chậm nhất đến hết tháng 5, các trường phải công khai đề án tuyển sinh. Tuy nhiên, đến thời điểm này là đầu tháng 5, vẫn còn khá nhiều cơ sở giáo dục chia sẻ đang "loay hoay" với việc xây dựng đề án tuyển sinh.

Một trong những lý do khiến nhiều đơn vị chưa ban hành đề án tuyển sinh dù năm học 2023-2024 đang cận kề chính là vấn đề liên quan tới học phí. Theo đó, rất nhiều cơ sở đang băn khoăn học phí sẽ được xác định theo Nghị định 81 hay sẽ giữ nguyên như năm học vừa rồi (thực hiện Nghị quyết 165 của Chính phủ). Lộ trình tăng học phí khi thực hiện tự chủ đã được Chính phủ ban hành (Nghị quyết 81 của Chính phủ), tuy nhiên đến nay khung học phí này vẫn chưa được áp dụng rộng rãi do những khó khăn về kinh tế - xã hội từ ảnh hưởng của dịch Covid-19. Điều này khiến nhiều cơ sở cho biết vẫn đang “cẩn thận tính toán mức học phí” nhằm đảm bảo phù hợp với khả năng chi trả của người học cũng như kinh phí hoạt động của đơn vị.

Nhiều cơ sở giáo dục đại học cho biết chưa công bố đề án tuyển sinh năm học mới do chưa tính toán xong về mức học phí. Ảnh minh họa: DN

Nhiều cơ sở giáo dục đại học cho biết chưa công bố đề án tuyển sinh năm học mới do chưa tính toán xong về mức học phí. Ảnh minh họa: DN

Trường dự toán tạm kinh phí, đến giữa năm tiếp tục điều chỉnh kế hoạch

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, lãnh đạo một trường đại học cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, nhà trường vẫn chưa có tính toán chính xác về mức học phí năm học 2023-2024 do đang chờ những chỉ đạo từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các cơ quan chức năng khác.

Trước đó, vào năm học 2022-2023, cũng như rất nhiều cơ sở giáo dục khác trên cả nước, thực hiện quyết định tạm ngừng tăng học phí nhằm chia sẻ khó khăn với người học theo Nghị quyết 165 của Chính phủ, đơn vị này cũng đã thực hiện giữ nguyên mức học phí như năm học 2021-2022.

“Trên tinh thần chung theo hướng dẫn của Chính phủ, trường đã có điều chỉnh về mức học phí theo đúng quy định. Tuy nhiên, cũng như nhiều cơ sở khác, việc Nghị quyết ban hành khá chậm (cuối tháng 12 năm 2022) đã khiến nhà trường bị động trong việc triển khai các kế hoạch đã dự kiến căn cứ theo mức tài chính trước đó”, vị lãnh đạo chia sẻ.

Giải pháp được đơn vị đưa ra trong bối cảnh các chỉ đạo về học phí còn chưa “rõ ràng” là dự toán tạm kinh phí, tạm giao các hạng mục ở mức tương đối và đến giữa năm sẽ có sự điều chỉnh kế hoạch căn cứ vào tình hình thực tế.

“Do chưa biết mức thu chính xác nên nhà trường không giao tối đa kinh phí cho các hạng mục. Dự kiến, mức học phí năm học 2023-2024 sẽ bám sát quy định tại Nghị định 81 của Chính phủ, đồng thời đảm bảo mức chênh lệch không quá lớn so với năm học 2022-2023. Có thể dự kiến dao động từ 10-20% nhằm đảm bảo hoạt động của nhà trường, cũng như chia sẻ với những khó khăn của người học”, vị lãnh đạo thông tin thêm.

Đa dạng hóa nguồn thu từ vận động xã hội và các dịch vụ khác

Trường Đại học Tiền Giang chưa tự chủ hoàn toàn nên mức học phí trường vẫn đang căn cứ theo mức khung của Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành. Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tiền Giang cho biết, dự kiến theo Nghị quyết của Đảng ủy và Nghị quyết của Hội đồng trường, đến đầu năm 2025, khi Trường Đại học Tiền Giang đã thực hiện tự chủ chi thường xuyên 100%, nhà trường sẽ được linh hoạt quyết định mức thu học phí phù hợp.

“Học phí hiện nay vẫn đang chịu sự khống chế bởi mức khung quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang. Với điều kiện mặt bằng chung thu nhập của người dân trên địa bàn chưa cao, do đó mức học phí hiện nay của nhà trường nhìn chung còn thấp. Mặc dù vậy, nhà trường vẫn phải tính toán và cân đối chi tiêu phù hợp, đảm bảo duy trì chất lượng đào tạo. Ngoài ra, trường vẫn dành một phần ngân sách nhằm chi cho học bổng hàng năm để khuyến khích sinh viên theo quy định”, Tiến sĩ Thịnh cho biết.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Tiền Giang. Ảnh: DN

Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Tiền Giang. Ảnh: DN

Nguồn lực tài chính hạn hẹp là một trong những cản trở với nhà trường trong việc giữ chân và thu hút giảng viên giỏi. Theo thầy Thịnh, đây cũng là một trong những thách thức lớn của các cơ sở giáo dục công lập khi thực hiện tự chủ trong điều kiện nguồn lực tài chính còn hạn chế.

Do vậy, Trường Đại học Tiền Giang đang nỗ lực đa dạng hóa các nguồn thu khác ngoài học phí nhằm đảm bảo ổn định hoạt động của đơn vị về lâu về dài.

Hiện nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tại trường vẫn còn hạn chế. Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tiền Giang cho biết đơn vị cũng có các công trình nghiên cứu khoa học có thể chuyển giao. Tuy nhiên, thực hiện việc chuyển giao và thu lợi nhuận từ hoạt động này vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là rào cản từ pháp lý. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều trường đại học hiện nay.

Hiện Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2023, tạo ra hành lang pháp lý khá thông thoáng cho vấn đề sở hữu trí tuệ cũng như chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên Nghị định hướng dẫn thực hiện luật sửa đổi này hiện còn thiếu, dự kiến sẽ được ban hành trong năm nay. Trường Đại học Tiền Giang cũng đang có sự chuẩn bị để đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ nhằm phục vụ địa phương, xã hội cũng như tạo ra nguồn thu đáng kể cho Trường bên cạnh nguồn thu từ học phí và dịch vụ khác.

Mặt khác, nguồn lực nghiên cứu tạo ra sản phẩm để thị trường công nhận cũng là vấn đề khó, từ năng lực của đội ngũ, hệ thống phòng thí nghiệm & xưởng chế tạo thử nghiệm và nguồn đầu tư tài chính cho nghiên cứu. Cải thiện nguồn thu cho nhà trường từ hoạt động này yêu cầu quá trình tích lũy lâu dài với một tầm nhìn xa, quyết tâm cao và ý chí vượt khó trong hành động.

Đa dạng hóa nguồn thu từ việc vận động tài trợ hiện được trường phát huy tốt hơn. Theo đó, hàng năm, nhà trường vận động tài trợ xã hội từ các doanh nghiệp và mạnh thường quân, từ đó tạo ra thêm nhiều suất học bổng cho sinh viên.

Mới đây, Hội đồng trường Trường Đại học Tiền Giang cũng đã thông qua phương án hợp tác khai thác đất công chưa sử dụng đến (thuộc phạm vi sở hữu của trường) nhằm tận dụng tối đa mọi nguồn lực hiện có.

“Hiện tại, trường còn nguồn đất công chưa sử dụng khá lớn. Do vậy, chúng tôi có tính đến phương án trong thời gian tỉnh chưa đầu tư các hạng mục theo quy hoạch xây dựng Trường thì nhà trường có thể hợp tác với các đối tác phù hợp để khai thác hiệu quả nguồn đất công chưa sử dụng này, gắn với việc xây dựng không gian trải nghiệm nghề nghiệp, nhất là các ngành nông nghiệp và rèn luyện các kỹ năng cần thiết cho người học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

Thực hiện được phương án này sẽ giúp trường vừa tránh lãng phí nguồn lực vừa giúp tăng thêm nguồn thu cho nhà trường; từ đó tiếp tục có nguồn lực tái đầu tư cho hoạt động đào tạo của đơn vị. Đề cương Phương án Hội đồng trường chúng tôi đã thống nhất, đang chờ Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang xem xét thông qua”, thầy Thịnh nói.

Ngoài ra, trường cũng đang nỗ lực nghiên cứu hợp tác đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp nhằm phục vụ cộng đồng và tăng thêm nguồn thu cho nhà trường, bên cạnh hoạt động chính là đào tạo sinh viên chính quy. “Hiện có một doanh nghiệp lớn trong ngành du lịch đặt hàng cho trường đào tạo 1000 người trong nhiều năm. Trường đang xúc tiến vấn đề hợp tác này”, thầy Thịnh chia sẻ thêm.

Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tiền Giang nhấn mạnh, phát huy năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cùng việc mở rộng các dịch vụ khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của trường là định hướng chính của nhà trường trong việc thực hiện đa dạng hóa nguồn thu khi tiến tới tự chủ chi thường xuyên vào năm 2025.

Trong bối cảnh nguồn thu của các trường đại học ở nước ta chủ yếu vẫn dựa vào học phí, thì những thay đổi nhỏ trong học phí cũng ảnh hưởng lớn tới người học, tới nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao trong tương lai của đất nước.

Do vậy, các trường đại học cần chủ động nghiên cứu, đẩy mạnh việc đa dạng hóa các nguồn thu hợp pháp trên cơ sở phát huy mọi nguồn lực của trường trong khuôn khổ pháp lý hiện hành, đồng thời Nhà nước cũng cần phải tăng cường đầu tư thêm các nguồn lực, nhất là tài chính cho giáo dục đại học để gánh nặng tài chính không đè trực tiếp lên vai người học và gia đình của họ, nhất là những gia đình còn nhiều khó khăn.

Doãn Nhàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-dh-chua-cong-bo-de-an-tuyen-sinh-vi-chua-biet-hoc-phi-duoc-tang-hay-khong-post234861.gd