Trường ĐH Cửu Long tổ chức hội thảo khoa học quốc gia về đổi mới giảng dạy, học tập

Hội thảo tại trường ĐH Cửu Long đã nhận được 195 bài viết của 230 tác giả là các nhà khoa học, giảng viên...

Nhằm làm rõ vai trò và sức sống của Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác giảng dạy và học tập, ngày 19-4, Trường ĐH Cửu Long tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề "Đổi mới giảng dạy, học tập các môn Khoa học Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường đại học Việt Nam hiện nay".

Nhà Giáo ưu tú Lương Minh Cừ phát biểu khai mạc

Nhà Giáo ưu tú Lương Minh Cừ phát biểu khai mạc

Đoàn Chủ tịch điều hành hội thảo

Đoàn Chủ tịch điều hành hội thảo

Tham dự hội thảo có bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long; ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Vĩnh Long; lãnh đạo trường chính trị các tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL; khoảng 110 nhà khoa học là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực môn Khoa học Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Về phía Trường ĐH Cửu Long có Nhà Giáo ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Minh Cừ - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; Tiến sĩ Đặng Thị Ngọc Lan, Phó Hiệu trưởng; Thạc sĩ Nguyễn Cao Đạt, Cố vấn cấp cao Ban Giám hiệu; Thạc sĩ Nguyễn Văn Thanh, Cố vấn cấp cao Ban Giám hiệu…

Phát biểu khai mạc hội thảo, Nhà Giáo ưu tú Lương Minh Cừ cho biết đây là hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 25 năm hình thành và phát triển của nhà trường. Việc tổ chức hội thảo lần này là một vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu của hệ thống giáo dục quốc dân, nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Hội thảo đã nhận được 195 bài viết của 230 tác giả là các nhà khoa học; lãnh đạo, giảng viên các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng; Học viện Chính trị Quốc gia; Tạp chí Cộng sản; Học viện Chính trị Quốc gia khu vực 2, Học viện Chính trị Quốc gia khu vực 4; Học viện Cán bộ TP HCM…

Nội dung những bài viết xoay quanh các vấn đề: Vai trò và sức sống của Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay; công tác đổi mới giảng dạy, học tập các môn Khoa học Mác – Lênin; đổi mới giảng dạy môn Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tại hội thảo có 10 bài tham luận trực tiếp và nhiều ý kiến đóng góp thiết thực, tâm huyết của các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, như: Nâng cao chất lượng giảng dạy Triết học Mác – Lênin - Cần cách tiếp cận mới trong bối cảnh hiện nay; đổi mới phương pháp dạy – học các môn khoa học Mác – Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh theo hướng thích ứng, sáng tạo…

PGS.TS Nguyễn Xuân Phong đưa ra các giải pháp dạy học theo hướng thích ứng, sáng tạo

PGS.TS Nguyễn Xuân Phong đưa ra các giải pháp dạy học theo hướng thích ứng, sáng tạo

PGS.TS. Nguyễn Xuân Phong, Học viện Chính trị khu vực IV, đưa ra các giải pháp dạy học theo hướng thích ứng, sáng tạo, cụ thể: Đổi mới nhận thức và tư duy tạo sự thống nhất, đồng thuận và quyết tâm áp dụng phương pháp dạy học-sáng tạo. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng toàn diện cho đội ngũ người thầy. Đổi mới trang thiết bị phục vụ dạy, học và bồi dưỡng kỹ năng sử dụng các thiết bị kỹ thuật hiện đại cho cả thầy và trò. Tổ chức, duy trì việc áp dụng và thao giảng phương pháp dạy- học sáng tạo; thường xuyên sơ, tổng kết rút kinh nghiệm để không ngừng cải tiến phương pháp dạy-học sáng tạo.

Nghiên cứu sinh Lương Ngọc Bích phân tích các giải pháp tích hợp Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức vào chương trình đào tạo nhằm nâng cao ý thức đạo đức cho sinh viên

Nghiên cứu sinh Lương Ngọc Bích phân tích các giải pháp tích hợp Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức vào chương trình đào tạo nhằm nâng cao ý thức đạo đức cho sinh viên

Nghiên cứu sinh Lương Ngọc Bích, Trường ĐH Cửu Long, đã đưa ra giải pháp về việc tích hợp Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức vào chương trình đào tạo nhằm nâng cao ý thức đạo đức cho sinh viên, như: Đưa tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức vào các môn học chính khóa; Lồng ghép vào các hoạt động ngoại khóa và phong trào sinh viên; Ứng dụng công nghệ vào giảng dạy và giáo dục đạo đức….

Hội thảo nhằm tạo cơ hội để trao đổi, kết nối tri thức giữa các nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Đặc biệt, trong bối cảnh xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, việc nghiên cứu, giảng dạy các môn khoa học Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư tưởng và công tác chuyên môn các trường đại học tại Việt Nam.

Nguyễn Văn Dô

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/truong-dh-cuu-long-to-chuc-hoi-thao-khoa-hoc-quoc-gia-ve-doi-moi-giang-day-hoc-tap-196250419155828245.htm