Trường ĐH Điện lực cùng doanh nghiệp xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo
Trường Đại học Điện lực tổ chức Hội nghị kết nối giải đáp thách thức phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Ngày 16/08, Trường Đại học Điện lực đã tổ chức Hội nghị kết nối giải đáp thách thức phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đây là nhiệm vụ thuộc Đề án “Hỗ trợ nâng cao năng lực của cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, cơ sở nghiên cứu về đào tạo, truyền thông, cung cấp dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.
Sự kiện được tổ chức nhằm đẩy mạnh hợp tác giữa Trường Đại học Điện lực và doanh nghiệp, đồng thời phát huy hiệu quả nguồn lực của giảng viên, nhà nghiên cứu, start-up trong các cơ sở đào tạo để giải đáp thách thức của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Từ đó đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Chương trình có sự tham dự của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Đình Ngọ - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Điện lực; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lê Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực; Tiến sĩ Đàm Quang Thắng - Chủ tịch Hội đồng cố vấn đổi mới sáng tạo quốc gia cùng các chuyên gia; đại diện doanh nghiệp; cán bộ lãnh đạo, giảng viên và sinh viên nhà trường.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Đình Ngọ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Điện lực cho biết: Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của phong trào khởi nghiệp trong những năm qua. Số lượng các startup tăng lên đáng kể, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ, y tế, giáo dục, và nông nghiệp thông minh… Những ý tưởng sáng tạo, đột phá đã và đang được ươm mầm, phát triển, góp phần không nhỏ vào sự đổi mới của nền kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, theo thầy Ngọ, hiện nay hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Chính vì vậy, hội nghị là cơ hội quý báu để nhà trường, các chuyên gia, doanh nghiệp cùng nhau trao đổi, lắng nghe những ý kiến đóng góp từ nhiều phía. Từ đó tìm ra những giải pháp thiết thực và hiệu quả nhất để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
“Trong những năm qua, Trường Đại học Điện lực luôn xác định rõ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Gắn kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp là yêu cầu khách quan, là xu hướng tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội, thực hiện định hướng mang tính thực tiễn của các chương trình đào tạo tại Trường Đại học Điện lực và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Với phương châm, nhà trường đào tạo cái xã hội cần mà không phải đào tạo cái nhà trường có, trong những năm qua, hoạt động hợp tác giữa Trường Đại học Điện lực và doanh nghiệp là một trong những hoạt động quan trọng được nhà trường quan tâm và đẩy mạnh. Hoạt động hợp tác doanh nghiệp được triển khai thực hiện một cách chặt chẽ, thường xuyên, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng tôi cũng thấy rằng cần phát huy và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Thông qua Tọa đàm “Giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Trường Đại học Điện lực và doanh nghiệp”, chúng ta có thể cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, lắng nghe những ý kiến đóng góp từ nhiều phía để tìm ra các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp để phục vụ cho chặng đường hướng tới sự thịnh vượng và thành công của các bên”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Đình Ngọ chia sẻ.
Tiến sĩ Đàm Quang Thắng - Chủ tịch Hội đồng cố vấn khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia chúc mừng Trường Đại học Điện hiện nay đã kết nối được đầy đủ các nguồn lực để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của một cơ sở giáo dục đại học.
Tiến sĩ Đàm Quang Thắng cho biết: “Khi mới nhận nhiệm vụ, Trường Đại học Điện lực gặp rất nhiều khó khăn vì khi đó chưa có nhiều người biết đến đổi mới sáng tạo và chưa có nhiều nguồn lực để thực hiện việc này.
Nhưng với sự quyết tâm của lãnh đạo nhà trường, hiện nay Trường Đại học Điện lực đã trở thành một điển hình trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đó là mô hình kết nối các trường đại học chuyên ngành với các doanh nghiệp chuyên ngành, gắn với hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.
Qua thời gian, số lượng doanh nghiệp, cá nhân tham gia vào hệ sinh thái của nhà trường ngày càng tăng lên. Tinh thần đổi mới sáng tạo cũng được lan tỏa đến đội ngũ giảng viên, sinh viên nhà trường và nhiều trường đại học khác”.
Tiếp theo chương trình, hội nghị tổ chức 2 tọa đàm bao gồm: Tọa đàm “Giải đáp thách thức của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” và Tọa đàm “Giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Trường Đại học Điện lực và doanh nghiệp”.
Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm của các trường đại học
Trong phiên tọa đàm “Giải đáp thách thức của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, Tiến sĩ Đàm Đức Thắng nhận định, việc huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một trong những dấu ấn đáng ghi nhận của Việt Nam.
Kết quả của việc này là Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành rất nhiều đề án liên quan đến đổi mới sáng tạo như: Quyết định 844 phê duyệt đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”; Quyết định 939 phê duyệt đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”; Đề án 1665 hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”;...
“Trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp là lực lượng có công nghệ, trình độ học thuật, là những nhà đầu tư và người mua hàng. Vì vậy, các trường đại học có vai trò rất quan trọng trong việc kết nối các chủ thể này để tham gia hỗ trợ hệ sinh thái.
Hiện nay, cả nước đã có hơn 100 trường đại học tham gia đưa nội dung đổi mới sáng tạo vào khu vực nhà trường. Trong đó, Trường Đại học Điện lực đã đào tạo được một đội ngũ chuyên gia, giảng viên, cán bộ đủ nguồn lực, năng lực hỗ trợ cho hệ sinh thái”, Tiến sĩ Đàm Đức Thắng cho hay.
Chia sẻ về những định hướng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thời gian tới, ông Lương Văn Thường - Trưởng phòng Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thuộc Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, Chính phủ rất quan tâm đến việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên.
Đơn vị đang tham mưu cho Chính phủ và các bộ, ngành mở rộng mô hình Đổi mới sáng tạo mở (Open Innovation) đến các cơ sở giáo dục đại học. Nội dung cốt lõi của mô hình là nhà trường sẽ đóng vai trò kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp để giải quyết những bài toán của Chính phủ, xã hội, tập đoàn kinh tế hoặc do chính cơ sở giáo dục đặt ra.
“Chúng tôi sẽ nỗ lực hình thành mạng lưới các trường đại học để hỗ trợ cho những sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp đột phá. Ngoài ra, đơn vị cũng mong muốn thu hút thêm nhiều nguồn lực từ nước ngoài, các quỹ đầu tư mạo hiểm, các tổ chức chính trị xã hội”, ông Lương Văn Thường nói.
Trong phần nội dung hỏi - đáp sau đó, khi nhận được câu hỏi của sinh viên về việc kêu gọi nguồn lực tài chính như thế nào để thực hiện ý tưởng khởi nghiệp, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lê Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực cho biết, hiện nay nhà trường đã thành lập Trung tâm Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp có chức năng hỗ trợ sinh viên tham gia những khóa đào tạo trang bị kiến thức cơ bản về khởi nghiệp, hỗ trợ tham gia các đề án, khóa đào tạo về các cuộc thi, kết nối sinh viên với những quỹ đầu tư khi đã hình thành được ý tưởng kinh doanh.
Thầy Nguyễn Lê Cường chia sẻ: “Điều khó nhất khi làm công tác hỗ trợ khởi nghiệp là hỗ trợ sinh viên về tài chính. Sắp tới nhà trường sẽ tổ chức nghiên cứu và tham mưu các cơ chế để có thể xây dựng nguồn tài chính thực hiện việc này.
Tuy nhiên, hiện nay sinh viên có thể kêu gọi nguồn lực cho mình bằng 2 cách. Đầu tiên là đăng ký thực hiện đề tài khoa học sinh viên. Thứ hai là tham gia gia cuộc thi ý tưởng sáng tạo”.
Sinh viên sẽ thực tập 5 tháng tại doanh nghiệp từ năm học tới
Trong phần tọa đàm “Giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Trường Đại học Điện lực và doanh nghiệp”, Thạc sĩ Chu Văn Tuấn - Phụ trách Trung tâm Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp đã thông tin về kết quả hoạt động giữa Trường Đại học Điện lực và các doanh nghiệp trong thời gian qua.
Theo đó tính đến năm 2024, nhà trường đã hợp tác với 218 doanh nghiệp trong nước và 38 doanh nghiệp nước ngoài. Nằm trong chương trình hợp tác, Trường Đại học Điện lực và các doanh nghiệp đã cùng tổ chức các hội thảo tuyển dụng, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên và ngày hội việc làm; tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng chuyên môn, ngoại ngữ; trao học bổng sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên xuất sắc; tổ thức thực tập trải nghiệm có lương tại doanh nghiệp; trao tặng thiết bị phục vụ hoạt động của nhà trường.
Nhà trường cũng mời các doanh nghiệp tham gia hiệu chỉnh các chương trình đào tạo; phối hợp nghiên cứu khoa học, giải quyết các bài toán thực tiễn của doanh nghiệp và tổ chức hội nghị trình bày các kết quả nghiên cứu;...
Thạc sĩ Chu Văn Tuấn cho biết hoạt động hợp tác giữa nhà trường với các doanh nghiệp hiện nay vẫn còn một số thách thức, như: số lượng doanh nghiệp hợp tác đông nên khó khăn trong việc duy trì, quản lý hợp tác; chưa xây dựng được kế hoạch hợp tác chi tiết cho từng doanh nghiệp; cơ chế hợp tác chưa rõ ràng.
“Để khắc phục những khó khăn trên, thời gian tới, Trường Đại học Điện lực sẽ mời các chuyên gia của doanh nghiệp tham gia xây dựng và đánh giá chương trình đào tạo theo hướng gắn liền với thực tiễn doanh nghiệp.
Các năm trước, nhà trường chỉ đưa sinh viên đi thực tập trong 1-2 tháng. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy thời lượng thực tập này chưa đủ để các em hình thành ý thức tổ chức trong doanh nghiệp và cũng chưa tạo ra những đóng góp cho nơi các em đến thực tập
Chính vì vậy, trong chương trình đào tạo tới đây, tất cả các sinh viên đều có một học kỳ kéo dài 5 tháng đến làm việc tại doanh nghiệp. Các em sẽ được coi là một biên chế của nơi đến thực tập và được doanh nghiệp đánh giá điểm của học phần này”, Thạc sĩ Chu Văn Tuấn cho biết.
Ngoài ra, Trường Đại học Điện lực cũng tăng cường giao lưu chuyên môn giữa giảng viên và các chuyên gia của doanh nghiệp; phát triển mạnh và hiệu quả Mạng lưới doanh nghiệp của nhà trường; kết nối các doanh nghiệp hợp tác với nhà trường để tạo ra cơ hội hợp tác giữa các bên;...
Phát biểu tại tọa đàm, ông Phạm Văn Sơn, đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn Điện tử BYD Việt Nam đánh giá, sinh viên Trường Đại học Điện lực có kỹ năng chuyên môn rất tốt. Nhiều trường hợp được nhiều doanh nghiệp FDI săn đón ngay từ khi còn đang đi học.
Chính vì vậy, sinh viên nên theo sát định hướng đào tạo của nhà trường, tham gia các kỳ thực tập trải nghiệm tại doanh nghiệp trong thời gian từ năm nhất đến năm ba và đi thực tập đúng chuyên môn của mình vào năm học cuối.
“Thời gian qua, Công ty trách nhiệm hữu hạn Điện tử BYD Việt Nam chưa nhận nhiều sinh viên đến thực tập vì chúng tôi có chính sách bảo mật về hàng hóa. Tuy nhiên, sắp tới công ty sẽ cùng Trường Đại học Điện lực làm việc về vấn đề này để xây dựng một kế hoạch tuyển chọn những sinh viên ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường và có lộ trình phát triển thành cán bộ cốt cán của công ty trong tương lai”, ông Phạm Văn Sơn cho hay.