Trường ĐH gặp vô vàn khó khăn khi tuyển dụng giảng viên người nước ngoài

Đến nay, những quy định liên quan về đề án vị trí việc làm chưa cụ thể, các trường đại học vẫn trong tình trạng 'vừa làm vừa chờ'.

Nhằm đáp ứng được yêu cầu quốc tế hóa giáo dục và phát triển mạnh mẽ hơn nữa nguồn nhân lực, hiện nhiều cơ sở giáo dục đại học đang gia tăng việc liên kết quốc tế trong đào tạo.

Để làm được mục tiêu đó, việc có được đội ngũ giảng viên người nước ngoài được nhiều cơ sở giáo dục đại học đánh giá là rất cần thiết và quan trọng. Thế nhưng, việc tuyển dụng đội ngũ này vẫn còn nhiều khó khăn.

Khó tuyển dụng giảng viên nước ngoài vì phải giải trình lý do không sử dụng người Việt Nam

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Quách Thanh Hải - Trưởng phòng Đào tạo (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ, hiện nay, xu thế hội nhập trong đào tạo cùng với tự chủ đại học cho phép các trường đại học sử dụng giảng viên là người nước ngoài.

Không nằm ngoài xu thế đó, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh với triết lý “Nhân bản – Sáng tạo – Hội nhập” cũng đẩy mạnh các hoạt động liên kết, hợp tác quốc tế, sử dụng giảng viên nước ngoài trong hoạt động dạy và học.

Ảnh minh họa (Nguồn: Website Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh).

Ảnh minh họa (Nguồn: Website Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh).

Theo thầy Hải, việc tuyển dụng giảng viên nước ngoài là việc làm rất cần thiết để tăng cường chất lượng giảng dạy và công tác chuyên môn cho sinh viên và giảng viên trong mỗi nhà trường; đóng góp quan trọng vào việc tạo ra môi trường giảng dạy theo tiêu chuẩn quốc tế.

Xác định được tầm quan trọng, ý nghĩa của việc nâng cao chất lượng, số lượng của đội ngũ giảng viên người nước ngoài, Đảng ủy – Ban Giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo các phòng chức năng có liên quan như phòng Tổ chức – Hành chính, phòng Quan hệ quốc tế, khoa Đào tạo quốc tế tìm hiểu các quy định, thủ tục, quy trình và tìm kiếm nguồn giảng viên.

Tuy nhiên, việc tuyển dụng giảng viên người nước ngoài cũng gặp rất nhiều khó khăn như: Thủ tục xin chỉ tiêu lao động người nước ngoài, hồ sơ xin cấp giấy phép lao động (thời gian xét duyệt hồ sơ kéo dài, thủ tục rắc rối, việc hợp pháp hóa lãnh sự bằng cấp, giấy xác nhận kinh nghiệm của mỗi quốc gia có quy định khác nhau,…),...

Bên cạnh đó, việc tuyển dụng giảng viên nước ngoài còn bị tắc vì quy định phải nằm trong đề án vị trí việc làm của trường và nhà trường phải giải trình vì sao không sử dụng giảng viên là người lao động Việt Nam thay cho việc tuyển người nước ngoài cũng là câu chuyện khó đối với cơ sở đào tạo.

Đến nay, các quy định liên quan về đề án vị trí việc làm chưa cụ thể, các trường vẫn trong tình trạng “vừa làm vừa chờ”.

Những khó khăn đó đã làm hạn chế, cản trở việc giảng viên người nước ngoài tới làm việc, giảng dạy tại Việt Nam nói chung và Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Trên thực tế, số lượng người nước ngoài làm việc thường xuyên tại trường chiếm tỉ lệ rất nhỏ (<0.5%) so với tổng số viên chức, người lao động toàn trường. Thông thường, đội ngũ này chỉ đảm nhận giảng dạy các chương trình liên kết quốc tế hoặc một số học phần về ngôn ngữ; tham gia hợp tác, trao đổi với nhà trường trong thực hiện các dự án nghiên cứu.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, số lượng giảng viên người nước ngoài tương đối đáp ứng các yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của nhà trường.

Với kế hoạch chiến lược tầm nhìn đến năm 2030 của nhà trường là đẩy mạnh, hợp tác, liên kết trong nước và quốc tế; tham gia xếp hạng đại học thế giới/châu Á,…, nên một trong những mục tiêu của nhà trường là nâng cao chất lượng và số lượng giảng viên người nước ngoài trong thời gian tới.

Mặt khác, theo thầy Hải, yêu cầu ứng viên người nước ngoài muốn giảng dạy tại trường đại học phải có từ 3 - 5 năm kinh nghiệm chuyên môn cũng là một khó khăn chung của các cơ sở giáo dục đại học.

Cần tách biệt trường hợp giảng viên người nước ngoài khi làm thủ tục sang giảng dạy tại Việt Nam

Cùng bàn về thực trạng sử dụng đội ngũ giảng viên người nước ngoài tại trường, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Bình - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Công nghệ Thái Nguyên cho hay, hiện đội ngũ giảng viên người nước ngoài chủ yếu nằm ở ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc với 5 giảng viên dạy trực tiếp tại trường (giảng viên cơ hữu) và hơn 20 giảng viên dạy học trực tuyến từ các trường đại học ở Hàn Quốc (giảng viên thỉnh giảng).

Thầy Bình bày tỏ, trường có mối quan hệ rất tốt với Đại sứ quán Hàn Quốc và một Phó Hiệu trưởng của nhà trường là người Hàn Quốc nên cũng tương đối thuận lợi trong công tác tuyển dụng đội ngũ giảng viên người Hàn.

Các giảng viên người nước ngoài tại trường hiện nay cũng đến từ các trường đại học ở nước sở tại nên cũng có phương pháp giảng dạy tốt, đáp ứng các điều kiện về chuyên môn và góp phần thúc đẩy mục tiêu phát triển cho người học nói riêng và nhà trường nói chung.

Trường Đại học Kinh tế - Công nghệ Thái Nguyên trong buổi thăm và làm việc với Trung tâm Giao lưu Văn hóa Việt Hàn (Ảnh: Website nhà trường).

Trường Đại học Kinh tế - Công nghệ Thái Nguyên trong buổi thăm và làm việc với Trung tâm Giao lưu Văn hóa Việt Hàn (Ảnh: Website nhà trường).

Tuy nhiên, theo thầy Bình, trước đây, việc làm thủ tục nhập cảnh cho đội ngũ giảng viên người nước ngoài vào dạy tại trường phải thực hiện tại Cục Xuất nhập cảnh Việt Nam ở Hà Nội nên có phần phức tạp.

Hơn nữa, khó khăn chung đối với các trường hiện nay là thủ tục xin cấp giấy phép lao động cho giảng viên người nước ngoài cũng tốn rất nhiều thời gian. Như tại Trường Đại học Kinh tế - Công nghệ Thái Nguyên, phòng tổ chức - cán bộ của nhà trường phải đi lại khoảng 3, 4 lần xuống Hà Nội mới hoàn thành được các thủ tục cho mỗi giảng viên nước ngoài tại trường.

Thầy Bình cho rằng, việc có đội ngũ giảng viên người nước ngoài là rất quan trọng đối với các cơ sở giáo dục đại trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Đặc biệt là đối với những ngành đào tạo về ngôn ngữ nếu có được chính giảng viên bản xứ tất yếu sẽ nâng cao được chất lượng đào tạo cũng như chất lượng đầu ra của người học.

Ngoài ra, đối với các ngành học về kinh tế, công nghệ, theo thầy Bình, việc có đội ngũ giảng viên người nước ngoài là khá cần thiết nhưng còn tùy vào khả năng của mỗi trường bởi việc mời đội ngũ này về giảng dạy cũng tương đối khó khăn.

Trong khi đó, thầy Phan Thanh Tiến – Phó trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Huế) cho biết, hiện trường không thực hiện tuyển dụng giảng viên người nước ngoài mà đội ngũ này của trường thường do các tổ chức giáo dục đối tác ở nước ngoài của trường gửi sang hoặc trao đổi giữa các cơ sở đào tạo với nhau. Các giảng viên này muốn sang cũng đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn như đối với giảng viên Việt Nam cũng như các yêu cầu của nhà trường nên việc có được người phù hợp không phải điều dễ dàng.

Không những vậy, thủ tục để các giảng viên này được qua dạy ở nước ta còn gặp một số khó khăn bởi còn tùy thuộc vào việc họ đến từ quốc gia nào và quốc gia đó có mối quan hệ với nước ta ra sao; các giấy tờ yêu cầu đối với giảng viên giữa nước ta và nước sở tại của giảng viên người nước ngoài nhiều khi không khớp nhau nên cũng tốn nhiều thời gian hơn.

Theo thầy Tiến, nếu có đội ngũ giảng viên người nước ngoài tại các trường đại học, đặc biệt là tại các cơ sở đang đào tạo về ngoại ngữ là rất cần thiết để nâng cao khả năng phản xạ, phát âm,... cho sinh viên.

Do đó, nếu đã vào năm học nhưng thủ tục để cho đội ngũ này có thể giảng dạy được tại trường đại học của nước ta do lâu nên chưa xong cũng ảnh hưởng ít nhiều đến chương trình học.

Vậy nên, thầy Tiến cho rằng, rất cần thiết linh hoạt, tách biệt trường hợp giảng viên người nước ngoài khi làm thủ tục để sang giảng dạy tại các các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam bởi họ sang giảng dạy, hỗ trợ trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho nước ta cho nên cần khác với các đối tượng lao động nước ngoài khác.

Tường San

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-dh-gap-vo-van-kho-khan-khi-tuyen-dung-giang-vien-nguoi-nuoc-ngoai-post240534.gd