Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh chính thức thành ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

Ngày 4/10, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định về việc chuyển Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh thành Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Chính phủ vừa quyết định chuyển Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh thành ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

Chính phủ vừa quyết định chuyển Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh thành ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ trực thuộc Bộ GD&ĐT, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng.

ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh thực hiện tổ chức lại cơ cấu và hoạt động trên cơ sở Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh theo quy định của Luật Giáo dục đại học năm 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018. Quá trình tổ chức lại phải bảo đảm hoạt động bình thường, không gây thất thoát, lãng phí tài chính, tài sản.

Chính phủ cũng quyết định sửa đổi khoản 12 Điều 1 Quyết định 960 ngày 6/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ GD&ĐT như sau: “12. ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh”.

Chính phủ giao Hội đồng trường, Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng của Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo các quy định hiện hành cho đến khi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định thành lập Hội đồng đại học, công nhận Chủ tịch Hội đồng đại học và công nhận Giám đốc ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

Như vậy, trước tái cấu trúc, tên Tiếng Việt của trường là: Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, tên thường gọi UEH. Sau tái cấu trúc, tên Tiếng Việt là ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, tên thường gọi là UEH, ĐH UEH. Riêng tên Tiếng Anh sẽ giữ nguyên là University of Economics Ho Chi Minh City.

Từ năm 2021, Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đã xác định chiến lược phát triển trở thành đại học đa ngành và bền vững với việc thành lập 3 trường thành viên gồm Trường Kinh doanh UEH; Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH; Trường Công nghệ và Thiết kế UEH cùng với Phân hiệu Vĩnh Long.

GS Nguyễn Đông Phong, Chủ tịch Hội đồng trường nhấn mạnh: “Mô hình trường đại học đơn ngành, đơn lĩnh vực ra đời ở Việt Nam những năm sau khi thống nhất đất nước, đã cung cấp kịp thời nguồn nhân lực chuyên môn sâu nhằm phục vụ cho quá trình tái thiết đất nước.

Ngày nay, thực tiễn hội nhập, kỷ nguyên số, các thách thức toàn cầu dẫn đến sự phát triển tất yếu của mô hình 'đại học đa ngành', với ưu tiên trang bị kiến thức chuyên môn đa ngành, đa lĩnh vực nhằm giải quyết các vấn đề đương đại và hành động vì sự phát triển bền vững. Đây là bước phát triển về nội lực, về “chất”, không chỉ dừng lại ở việc thay đổi tên gọi từ trường đại học thành đại học".

Theo đó, người học khi tốt nghiệp các bậc trình độ ở các lĩnh vực đào tạo khác nhau vẫn nhận văn bằng tốt nghiệp của ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

GS.TS Sử Đình Thành, Hiệu trưởng cho biết: "Thống kê 1.000 đại học đứng đầu bảng xếp hạng các đại học tốt nhất QS World, có đến 96% là đại học đa ngành, đa lĩnh vực. Do đó, tôi cho rằng, việc nâng cấp mô hình thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực là cơ sở để đưa UEH nói riêng và giáo dục Việt Nam nói chung vươn tầm quốc tế".

Để trở thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực, UEH đã có một quá trình chuẩn bị lâu dài, bài bản với các kết quả đáng ghi nhận.

Từ năm 2021, UEH đã xác định chiến lược phát triển trở thành đại học đa ngành và bền vững với việc thành lập 3 trường thành viên gồm Trường Kinh doanh UEH, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH, Trường Công nghệ và Thiết kế UEH cùng với Phân hiệu Vĩnh Long. Quy mô đào tạo của toàn trường hiện tại là hơn 36.000 người học, với 38 ngành trình độ đại học; 19 ngành trình độ thạc sĩ và 14 ngành trình độ tiến sĩ.

(tổng hợp)

Phi Khanh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/truong-dh-kinh-te-tp-ho-chi-minh-chinh-thuc-thanh-dh-kinh-te-tp-ho-chi-minh-244745.html