Trường ĐH Luật Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất
Trường ĐH Luật Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất trong lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập diễn ra sáng nay (10/11).
Tham dự buổi lễ có Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình; cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ban ngành, đoàn thể, cơ quan trung ương và địa phương; các đơn vị đối tác của Trường trong và ngoài nước; các thầy cô nguyên là lãnh đạo Trường ĐH Luật Hà Nội qua các thời kỳ; các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên Trường ĐH Luật Hà Nội.
Ông Trần Quang Huy – Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Luật Hà Nội – cho biết: Cách đây 40 năm, ngày 10/11/1979, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã ký quyết định số 405/CP thành lập Trường ĐH Pháp lý Hà Nội, nay là Trường ĐH Luật Hà Nội.
Từ cơ cấu tổ chức khiêm tốn ban đầu với 67 cán bộ biên chế, đến nay Trường ĐH Luật Hà Nội đã có cơ cấu tổ chức hoàn chỉnh với tổng biên chế hơn 400 người, có 308 giảng viên, trong đó có 4 giáo sư, 38 phó giáo sư và 81 tiến sĩ luật, là cơ sở có nhiều giảng viên có trình độ tiến sĩ và học hàm nhất trong số các cơ sở đào tạo luật của cả nước. Quy mô đào tạo của trường là gần 15.000 sinh viên thuộc tất cả các hệ đào tạo.
Trong 40 năm hình thành và phát triển, Trường ĐH Luật Hà Nội đã đào tạo và cung cấp hàng trăm nghìn lượt cán bộ pháp lý của cả nước. Các thế hệ học viên, sinh viên tốt nghiệp các hệ đào tạo của Trường ĐH Luật Hà Nội hiện đang công tác và có nhiều đóng góp trong các lĩnh vực pháp luật và tư pháp của cả nước. Nhiều cựu học viên, sinh viên của nhà trường hiện đang giữ trọng trách trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước, trong đó hơn 70 đại biểu Quốc hội khóa 14 là cựu sinh viên của Trường.
Đến nay, Trường ĐH Luật Hà Nội là cơ sở đào tạo luật duy nhất có đầy đủ các chuyên ngành đào tạo luật ở bậc cao học và nghiên cứu sinh với các chuyên ngành như Lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật, Luật hiến pháp – Luật hành chính, Luật kinh tế, Luật dân sự và tố tụng dân sự, Luật hình sự và tố tụng hình sự, Tội phạm học, Luật quốc tế.
Ở trình độ cử nhân, từ một chuyên ngành đào tạo luật, đến nay Trường ĐH Luật Hà Nội đã có 6 chương trình đào tạo, gồm chương trình đạo tạo Ngành Luật, Ngành luật chất lượng cao, Ngành Luật kinh tế, Ngành Luật thương mại quốc tế, Ngành ngôn ngữ anh, Ngành luật cho cán bộ pháp chế bộ ngành. Bên cạnh các chương trình đạo tạo trong nước, Nhà trường cũng đã xây dựng và đưa vào triển khai các chương trình đào tạo liên kết với các cơ sở đào tạo có uy trên thế giới.
Về nghiên cứu khoa học, cho đến nay cán bộ, giảng viên, các nhà khoa học của Trường ĐH Luật Hà Nội đã chủ trì và tham gia 55 đề tài khoa học cấp Nhà nước cấp Bộ và hàng trăm đề tài khoa học cấp trường. Hệ thống giáo trình của Trường được sử dụng chính thức hoặc được tham khảo rộng rãi ở nhiều cơ sở đào tạo luật khác của Việt Nam...
Phát huy vai trò là cơ sở đào tạo luật trọng điểm của cả nước theo tình thần Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, mới đây Trường ĐH Luật Hà Nội đã chủ trì sáng lập và đứng đầu mạng lưới các cơ sở đào tạo luật trong cả nước. Năm 2019, Trường cũng đã vinh dự được bầu làm Chủ tịch diễn đàn tư pháp hình sự Châu Á.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ghi nhận, biểu dương những kết quả tích cực và đóng góp to lớn của Trường ĐH Luật Hà Nội trong công tác đào tạo cán bộ về pháp luật cho đất nước.
Trong giai đoạn phát triển mới, hợp tác, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và những biến chuyển ngày càng nhanh của các quan hệ xã hội, kinh tế, dân sự, nhiệm vụ cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là hết sức quan trọng; đòi hỏi đổi mới cách tiếp cận, tư duy pháp lý trong đào tạo, nghiên cứu và giải quyết các vấn đề thực tiễn trước mắt và tương lai.
Điều này, theo Phó Thủ tướng, đòi hỏi Trường ĐH Luật Hà Nội triển khai tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nâng cao hiệu quả hoạt động và quản trị đại học để đẩy nhanh tiến trình trở thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật; thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và truyền bá khoa học pháp lý trong điều kiện mới theo tinh thần các Nghị quyết 48 và 49 của Bộ Chính trị.