Trường ĐH Luật TP.HCM tìm giải pháp nâng tầm đào tạo liên ngành

TS Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM nhấn mạnh việc đào tạo liên ngành nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục ĐH, hội nhập quốc tế và nhu cầu đa dạng của thị trường lao động.

Chiều 22-7, Trường ĐH Luật TP.HCM đã tổ chức Tọa đàm "Phát triển các chương trình đào tạo liên ngành tại Trường ĐH Luật TP.HCM: Cơ hội, thách thức và giải pháp". Tọa đàm thu hút nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia và các đơn vị sử dụng lao động tham dự.

Tại đây, nhiều nội dung được các đại biểu trao đổi, thảo luận về nhu cầu và xu hướng đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức liên ngành (ví dụ luật – công nghệ, luật – kinh tế, luật – y tế...), cũng như kinh nghiệm thực tiễn mô hình đào tạo liên ngành tại các cơ sở đào tạo...

 Các đại biểu góp ý giải pháp cho Trường ĐH Luật TP.HCM về đào tạo liên ngành

Các đại biểu góp ý giải pháp cho Trường ĐH Luật TP.HCM về đào tạo liên ngành

PGS. TS Phạm Quốc Việt, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing cho biết việc thiết kế và triển khai các chương trình đào tạo mang tính liên ngành ở các trường ĐH Việt Nam đang được định hướng và quy định một cách quan trọng, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao, linh hoạt và thích ứng với thị trường lao động hiện đại.

 PGS. TS Phạm Quốc Việt chia sẻ tại tọa đàm

PGS. TS Phạm Quốc Việt chia sẻ tại tọa đàm

Ông đề xuất Trường ĐH Luật TP.HCM cần đánh giá nguồn lực của trường để xem xét sẽ triển khai phù hợp theo mô hình nào. Thí điểm thực hiện 1-2 ngành để triển khai đào tạo theo mô hình hình liên ngành (nên chọn ngành thuộc thế mạnh của trường), giao liên khoa đồng chủ trì thực hiện. Đồng thời, nhà trường cần đầu tư cơ sở vật chất nguồn lực đảm bảo các điều kiện để triển khai thực hiện chương trình liên ngành.

TS Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM cho rằng Trường ĐH Luật TP.HCM đang từng bước triển khai chiến lược phát triển theo định hướng đa ngành, trong đó luật vẫn giữ vai trò là ngành đào tạo trọng điểm, nòng cốt. Trong lộ trình đó, việc phát triển các chương trình đào tạo liên ngành là một hướng đi quan trọng, nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục ĐH, hội nhập quốc tế và nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường lao động.

 TS Lê Trường Sơn trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: NTCC

TS Lê Trường Sơn trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: NTCC

Tuy nhiên, theo TS Lê Trường Sơn, quá trình phát triển các chương trình liên ngành cũng đặt ra không ít thách thức – từ vấn đề thiết kế chương trình, bố trí đội ngũ giảng viên, đảm bảo chất lượng đào tạo, đến việc thay đổi nhận thức của người học và xã hội.

Việc phát triển chương trình liên ngành tại trường cần được thực hiện một cách có định hướng và chọn lọc, trên cơ sở nền tảng ngành luật, có liên quan chặt chẽ đến lĩnh vực pháp lý, và quan trọng nhất là phải đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của xã hội. Đây vừa là cơ hội để nâng cao vị thế, năng lực cạnh tranh và phạm vi ảnh hưởng của trường, vừa là thách thức trong việc bảo đảm chất lượng, tính kết nối và tính ứng dụng của chương trình đào tạo.

Từ các góp ý, chia sẻ đa chiều tại tọa đàm, TS Lê Trường Sơn nhấn mạnh việc xây dựng chiến lược phát triển phù hợp, xác định rõ trọng tâm ưu tiên, đồng thời phát huy nội lực, tăng cường hợp tác liên ngành và liên cơ sở đào tạo là những giải pháp thiết thực và khả thi.

Những ý kiến chia sẻ tại tọa đàm sẽ là nguồn tư liệu quan trọng để trường tiếp tục hoàn thiện định hướng chiến lược, khẳng định cam kết về chất lượng và sự đổi mới trong giáo dục ĐH.

PHẠM ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/truong-dh-luat-tphcm-tim-giai-phap-nang-tam-dao-tao-lien-nganh-post861784.html