Thủ tướng dự lễ công bố chuyển Trường Đại học Phenikaa thành Đại học Phenikaa

Trường Đại học Phenikaa trở thành đại học thứ 10 và là đại học tư thục thứ hai ở Việt Nam.

Chiều 22-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển Trường Đại học Phenikaa thành Đại học Phenikaa (Hà Nội).

Theo Đại học Phenikaa, sự kiện là dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự bứt phá của nhà trường sau 6 năm tái cấu trúc toàn diện một cách quyết liệt để bước sang giai đoạn mới.

Nhận quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Đại học Phenikaa chính thức chuyển đổi mô hình hoạt động, trở thành một đại học đa ngành, đa lĩnh vực, vận hành theo mô hình tích hợp đại học - doanh nghiệp, liên kết chặt chẽ với hệ sinh thái tập đoàn Phenikaa, kiến tạo một đại học đổi mới sáng tạo với 3 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Đào tạo, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.

Nhân dịp này, Đại học Phenikaa công bố mục tiêu 2030, tầm nhìn 2035, với 5 đột phá chiến lược về mô hình đại học và thể chế; nghiên cứu khoa học (mục tiêu 2030 phát triển thành công ít nhất 2 công nghệ lõi thuộc công nghệ chiến lược cấp quốc gia); đổi mới sáng tạo; quốc tế hóa; sử dụng và thu hút nhân tài cho các công nghệ chiến lược.

Tần nhìn đến năm 2035, Đại học Phenikaa đặt ra các chỉ tiêu như sau: Trở thành top 1 Đại học Việt Nam về đổi mới sáng tạo với tối thiểu 2 công ty Spin-off được định giá trên 100 triệu USD; tối thiểu 50% nguồn thu của đại học từ đổi mới sáng tạo từ năm 2030 và tối thiểu 70% vào 2035.

Đại học Phenikaa cũng hướng tới tầm nhìn thuộc top 100 đại học châu Á vào năm 2030 và top 200-300 đại học thế giới vào năm 2035.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính trao quyết định về việc chuyển Trường Đại học Phenikaa thành Đại học Phenikaa. Ảnh: NHẬT BẮC

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao quyết định về việc chuyển Trường Đại học Phenikaa thành Đại học Phenikaa. Ảnh: NHẬT BẮC

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhất trí cao với 5 đột phá mà Đại học Phenikaa đã xác định. Ông gợi ý thêm một đột phá về xây dựng văn hóa, bản sắc và thương hiệu của Phenikaa, dựa trên nền tảng là cốt lõi, bản sắc truyền thống văn hóa - lịch sử Việt Nam.

Theo Thủ tướng, việc chuyển thành Đại học Phenikaa có ý nghĩa quan trọng trong khẳng định mối quan hệ giữa đào tạo - nghiên cứu - đổi mới sáng tạo và thúc đẩy mối quan hệ giữa nghiên cứu, sản xuất, xã hội và thị trường.

Thủ tướng đánh giá cao những kết quả mà Đại học Phenikaa, Tập đoàn Phenikaa đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là đã đề ra, định hình những chiến lược mang tính đột phá trong giai đoạn phát triển tiếp theo.

Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo đơn vị cần xây dựng và triển khai cơ chế hỗ trợ sinh viên, nhà khoa học khởi nghiệp, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, đặc biệt là hỗ trợ sinh viên nghèo.

Thủ tướng cơ bản đồng ý với các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà Đại học Phenikaa đề ra và mong muốn nhà trường tiếp tục phát huy truyền thống, kết quả đã đạt được, khát vọng tự lực, tự cường, góp phần thúc đẩy đào tạo, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Thời gian qua, Đại học Phenikaa liên tục giữ vị trí top 1 tại Việt Nam trong bảng xếp hạng các cơ sở nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, sự sống và khoa học trái đất Nature Index; top 3 Việt Nam trong hệ thống xếp hạng của tổ chức nghiên cứu về kinh tế RePEc; top 5 các trường đại học của Việt Nam trong bảng xếp hạng SCImago 2025...

Đại học Phenikaa đã thiết lập hệ sinh thái nghiên cứu khoa học - đổi mới sáng tạo đồng bộ. Một số nghiên cứu đã được chuyển giao quy mô công nghiệp, như nhà máy hóa chất Phenikaa công suất 50.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư 1.200 tỉ đồng, doanh thu hàng năm khoảng 1.000 tỉ đồng.

Đại học Phenikaa đã thành lập 9 công ty tách ra từ các dự án nghiên cứu (Spin-off) và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Start-up), trong đó có một vài công ty đang gọi vốn quốc tế.

Việt Nam hiện có 10 đại học, gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học Thái Nguyên, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Kinh tế TP.HCM và Đại học Duy Tân (tư thục).

Theo Luật Giáo dục đại học năm 2018, trường đại học và đại học là hai khái niệm khác nhau.

Trường đại học, học viện là cơ sở đào tạo và nghiên cứu nhiều ngành. Còn đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, gồm các trường đại học, khoa thành viên.

Để chuyển từ trường đại học thành đại học, Nghị định 99/2019 quy định các trường cần đảm bảo ba điều kiện: Được tổ chức kiểm định hợp pháp đánh giá đạt chuẩn chất lượng; có ít nhất ba trường và 10 ngành đào tạo tiến sĩ, quy mô sinh viên chính quy trên 15.000; được cơ quan quản lý trực tiếp, các nhà đầu tư chấp thuận.

THANH THANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/thu-tuong-du-le-cong-bo-chuyen-truong-dai-hoc-phenikaa-thanh-dai-hoc-phenikaa-post861760.html