Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức hội thảo về giải quyết tranh chấp lao động
Diễn giả đề xuất: Nếu các bên đã hòa giải được một hoặc một số yêu cầu, hòa giải viên lao động có thể lập biên bản hòa giải thành đối với một phần tranh chấp lao động mà các bên đã thỏa thuận được…
Hôm nay (20-9), Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức hội thảo Nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp lao động thông qua phương thức hòa giải và trọng tài lao động tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Lê Trường Sơn (Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM) nêu rằng hội thảo nhằm tạo ra một diễn đàn để các chuyên gia, các nhà khoa học, đội ngũ luật sư, hòa giải viên lao động, trọng tài lao động,… đặc biệt là ở khu vực phía Nam có thể thảo luận, trao đổi về các nội dung liên quan đến việc áp dụng phương thức giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải và trọng tài. Trên cơ sở đó có thể đưa ra những đánh giá đa chiều, đề xuất các giải pháp mang tính khoa học và thực tiễn để thúc đẩy và nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp lao động bằng các phương thức này.
Thỏa thuận một phần có được công nhận?
Tại hội thảo, thay mặt nhóm tác giả, ThS Nguyễn Thị Thúy (Trường ĐH Luật TP.HCM) trình bày tham luận một số góp ý về giải quyết tranh chấp lao động thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động.
Theo ThS Thúy, khoản 1 Điều 188 BLLĐ năm 2019 quy định: “Tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc tòa án giải quyết…”. Như vậy, chỉ trừ một số trường hợp ngoại lệ như tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động… thì các tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải trước.
Về kết quả hòa giải, theo khoản 4 Điều 188 BLLĐ năm 2019, hòa giải viên lao động lập một trong hai văn bản. Đó là biên bản hòa giải thành nếu các bên thỏa thuận được hoặc các bên chấp nhận phương án hòa giải mà hòa giải viên đưa ra. Trường hợp các bên không thỏa thuận được hoặc có bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng thì lập biên bản hòa giải không thành.
Theo ThS Thúy, vấn đề đặt ra là: Nếu các bên chỉ thỏa thuận được với nhau về một phần tranh chấp hoặc chỉ chấp nhận một phần phương án hòa giải mà hòa giải viên đưa ra thì đây có được coi là hòa giải thành một phần hay không và cơ chế để công nhận phần các bên đã hòa giải đó như thế nào?
Tham khảo khoản 2 Điều 212 BLTTDS năm 2015 ghi nhận thẩm phán chỉ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án.
Bà Thúy cho rằng có quan điểm cho rằng bản chất sự thỏa thuận của các đương sự trong việc giải quyết toàn bộ vụ án là giao dịch dân sự thông thường, thỏa thuận giải quyết một phần vụ án cũng là giải quyết tranh chấp của đương sự và cũng là một giao dịch dân sự, cụ thể hơn là một hợp đồng dân sự. Theo nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận của các bên, các hợp đồng dân sự được giao kết hợp pháp sẽ có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác. Do đó, việc BLTTDS quy định tòa án không ra quyết định công nhận thỏa thuận một phần vụ án là trái lại với bản chất của sự thỏa thuận giải quyết một phần vụ án của các đương sự…
Quan điểm khác cho rằng, nếu phần nội dung tranh chấp các đương sự thỏa thuận được và phần nội dung tranh chấp các đương sự không thỏa thuận được có liên quan chặt chẽ với nhau thì tòa án không thể vừa công nhận sự thỏa thuận và vừa ra bản án để giải quyết một quan hệ pháp luật tranh chấp. Trong khi hiệu lực của quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự và hiệu lực của bản án sơ thẩm “lệch pha” nhau.
Tham khảo pháp luật Thổ Nhĩ Kỳ thì có ghi nhận việc cho phép các bên được chấp nhận một phần hoặc toàn bộ hoặc từ chối với phương án mà hòa giải viên đưa ra.
“Từ các phân tích trên, nhóm tác giả đề xuất, trong trường hợp tranh chấp có các yêu cầu độc lập nhất định với nhau mà các bên đã hòa giải được một hoặc một số yêu cầu, hòa giải viên lao động có thể lập biên bản hòa giải thành đối với một phần tranh chấp mà các bên đã thỏa thuận được. Phần còn lại, hòa giải viên lập biên bản hòa giải không thành và các bên có thể khởi kiện ra tòa án hoặc yêu cầu giải quyết tại Hội đồng trọng tài lao động. Điều này không những có lợi cho các bên mà còn giảm áp lực lên cơ quan tòa án hay Hội đồng trọng tài lao động” - bà Thúy nói.
Tỉ lệ hòa giải thành giảm
Tại hội thảo, thay mặt nhóm tác giả, ThS Nguyễn Tất Năm (nguyên Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP.HCM) trình bày tham luận về thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả hòa giải của hòa giải viên lao động tại TP.HCM, thực trạng công tác hòa giải của hòa giải viên lao động tại TP.HCM.
Theo ông Năm, về kết quả hoạt động hòa giải, tính từ năm 2014-2020, TP tiếp nhận 5.880 yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân. Kết quả hòa giải thành giai đoạn này chiếm tỉ lệ 47,27%.
Giai đoạn năm 2021 đến năm 2023, áp dụng BLLĐ năm 2019, TP nhận được hơn 2.500 yêu cầu hòa giải tranh chấp lao động cá nhân. Kết quả hòa giải thành của giai đoạn này đạt 41,22%. Có thể thấy kết quả hòa giải thành có xu hướng giảm.
Theo ông Năm, nếu căn cứ vào kết quả hòa giải thành để đánh giá theo quy chế quản lý hòa giải viên thì hầu như rất ít hòa giải viên đạt được chỉ tiêu phấn đấu trên 50% số vụ tham gia hòa giải thành. Và khi tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp càng nhiều thì tỉ lệ giải quyết hòa giải thành có xu hướng giảm là hạn chế cần phải nhận diện.
"Bỏ quên" thiết chế trọng tài lao động?
Hơn 50% số vụ hòa giải không thành ở TP.HCM chắc chắn sẽ chuyển qua khởi kiện theo quy định bấy lâu nay. Cả hai bên tranh chấp theo con đường tố tụng ở tòa án phải tốn kém thời gian, chi phí và quan hệ lao động thiếu tính xây dựng.
Điều này cho thấy, thời gian qua từ năm 2021 đến nay các chủ thể tham gia giải quyết tranh chấp lao động cá nhân đã bỏ qua, bỏ quên, thiếu quan tâm một quy định mới của BLLĐ năm 2019 khi mở rộng cơ chế giải quyết tranh chấp lao động cá nhân qua thiết chế trọng tài lao động. Đây là một kênh trung gian chưa được sử dụng, phát huy, trong khi thiết chế này có thể đưa ra phán quyết nhanh, không tốn kém và hiệu quả trước khi hai bên tranh chấp vội đưa nhau qua xét xử, tố tụng bởi tòa án.
ThS NGUYỄN TẤT NĂM, nguyên Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM