Trường ĐH Mở Hà Nội tổ chức tọa đàm về đào tạo mỹ thuật ứng dụng và kiến trúc

Sáng ngày 28/10, Trường Đại học Mở Hà Nội đã tổ chức Tọa đàm khoa học và trưng bày kết quả đào tạo năm 2023 cùng lễ ký kết hợp tác với 6 doanh nghiệp.

Hướng tới kỷ niệm 30 năm thành lập Trường Đại học Mở Hà Nội, 30 năm thành lập Khoa Tạo dáng công nghiệp và chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, khoa Tạo dáng công nghiệp, Trường Đại học Mở Hà Nội đã tổ chức tọa đàm khoa học và trưng bày kết quả đào tạo mỹ thuật ứng dụng và kiến trúc.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của 50 đại biểu, trong đó có: Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Câu lạc bộ khối các trường đào tạo Mỹ thuật ứng dụng Việt Nam (trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam); các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các giảng viên, họa sĩ, kiến trúc sư quan tâm đến lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng và kiến trúc; doanh nghiệp sử dụng nguồn nhân lực mỹ thuật ứng dụng, kiến trúc; cựu sinh viên, sinh viên; đại diện lãnh đạo trường; cán bộ, giảng viên khoa Tạo dáng công nghiệp.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội. (Ảnh: Nhật Lệ)

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội. (Ảnh: Nhật Lệ)

Tọa đàm đã bàn luận, trao đổi việc đào tạo mỹ thuật ứng dụng và kiến trúc; định hướng đào tạo nguồn nhân lực mỹ thuật ứng dụng, kiến trúc đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thực tế xã hội.

Thông qua tọa đàm, nhà trường còn trưng bày kết quả đào tạo để trao đổi kinh nghiệm đào tạo mỹ thuật ứng dụng và kiến trúc; gặp gỡ các doanh nghiệp sử dụng nguồn nhân lực mỹ thuật ứng dụng và kiến trúc.

Cũng trong sáng 28/10, Trường Đại học Mở Hà Nội còn tổ chức lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với 6 doanh nghiệp nhằm tăng cường hoạt động đào tạo theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phương ký biên bản ghi nhớ hợp tác với ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc điều hành khu vực phía Bắc Công ty cổ phần gỗ An Cường. (Ảnh: Nhật Lệ)

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phương ký biên bản ghi nhớ hợp tác với ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc điều hành khu vực phía Bắc Công ty cổ phần gỗ An Cường. (Ảnh: Nhật Lệ)

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội chia sẻ: Trong giai đoạn hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ, công tác đào tạo lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng với các ngành như: Thiết kế đồ họa, Thiết kế nội thất, Thiết kế thời trang và ngành Kiến trúc đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách nhất định, đặc biệt là trong vấn đề định hướng phát triển đào tạo.

Trong chiến lược phát triển đào tạo, Trường Đại học Mở Nội nói chung, khoa Tạo dáng công nghiệp nói riêng xác định, đào tạo các ngành mỹ thuật ứng dụng, ngành Kiến trúc lấy người học làm trung tâm, đào tạo phải gắn với thực hành, thực tế, lý thuyết đi đôi với thực tiễn. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua khoa Tạo dáng công nghiệp đã đẩy mạnh việc hợp tác với doanh nghiệp, hỗ trợ sinh viên đi thực tập trực tiếp tại các đơn vị.

Cũng trong buổi tọa đàm, nhiều chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo doanh nghiệp cũng có các bài tham luận thiết thực, đề cập tới một số vấn đề như: Việc hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong quá trình đào tạo; Đánh giá thực trạng công tác đào tạo hiện nay; Đánh giá nhu cầu nguồn nhân lực và thực tiễn sử dụng nguồn nhân lực xã hội nói chung và các doanh nghiệp nói riêng; Dự báo, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực trong kỷ nguyên công nghệ số cũng như các vấn đề khác liên quan đến đào tạo mỹ thuật ứng dụng, kiến trúc hiện nay.

Trong đó phải kể đến bài tham luận “Hợp tác cùng doanh nghiệp trong đào tạo cử nhân mỹ thuật ứng dụng - Thực trạng và những giải pháp” của Thạc sĩ, giảng viên chính Lê Thân - Trưởng khoa Mỹ thuật công nghiệp - Kiến trúc Trường Đại học Hòa Bình.

Theo thầy Thân, nhà trường khi hợp tác cùng các doanh nghiệp cần đẩy mạnh việc thực hành thực tiễn cho sinh viên. Ngoài việc doanh nghiệp hỗ trợ học bổng thì việc doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình đào tạo cũng đáp ứng được nhu cầu thực tế. Bởi doanh nghiệp là người hiểu rõ nhất sinh viên cần có những kỹ năng gì để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, tránh việc nhiều sinh viên giỏi, xuất sắc ra doanh nghiệp làm việc vẫn phải đào tạo lại sẽ rất tốn kém.

Thạc sĩ, giảng viên chính Lê Thân, Trưởng khoa Mỹ thuật công nghiệp - Kiến trúc, Trường Đại học Hòa Bình. (Ảnh: Nhật Lệ)

Thạc sĩ, giảng viên chính Lê Thân, Trưởng khoa Mỹ thuật công nghiệp - Kiến trúc, Trường Đại học Hòa Bình. (Ảnh: Nhật Lệ)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lan Hương, Phó chủ nhiệm câu lạc bộ khối các trường đào tạo mỹ thuật ứng dụng (trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) đề cập đến việc “Đào tạo mỹ thuật ứng dụng bậc đại học. Đồ án tốt nghiệp của sinh viên mỹ thuật ứng dụng cần làm gì?”.

Theo đó, cô Hương cho rằng các trường đào tạo mỹ thuật ứng dụng phải nhìn nhận hoạt động đào tạo của trường phải trên cơ sở chú trọng 2 vấn đề: chiến lược giáo dục đào tạo và chiến lược kinh doanh.

Cụ thể, phải coi đào tạo mỹ thuật ứng dụng vừa là một lĩnh vực nghệ thuật, vừa là một ngành sản xuất có khả năng tạo ra các sản phẩm tinh thần cao đẹp, đồng thời lại mang hiệu quả kinh tế thiết thực.

Có thể đưa ra định hướng phát triển xưởng, công ty sản xuất trong nhà trường phục vụ ứng dụng cho các thiết kế tốt của sinh viên. Như vậy, sinh viên vừa có nơi thực hành ứng dụng bài, có thu nhập thêm. Quy mô hơn nữa có thể ký hợp đồng với doanh nghiệp để thường xuyên có mẫu mã mới chào hàng cho trong và ngoài nước.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lan Hương, Phó chủ nhiệm câu lạc bộ khối các trường đào tạo mỹ thuật ứng dụng (Ảnh: Nhật Lệ)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lan Hương, Phó chủ nhiệm câu lạc bộ khối các trường đào tạo mỹ thuật ứng dụng (Ảnh: Nhật Lệ)

Trong khi đó, Thạc sĩ Phạm Hữu Lợi, chuyên ngành Thiết kế Nội Thất cũng tham luận về thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo mỹ thuật ứng dụng bậc đại học.

Thạc sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Lam Giang, Phó Giám đốc Công ty cổ phần GTDGROUP cũng có bài tham luận về việc hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong quá trình đào tạo ngành kiến trúc

Tiến sĩ Bùi Mai Trinh - Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp có bài tham luận về “Xu hướng đào tạo thiết kế thời trang trong kỷ nguyên kỹ thuật số”.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Phạm Khánh Toàn, Giám đốc Trung tâm phát triển hành nghề kiến trúc, hội kiến trúc sư Việt Nam cho rằng các nhà trường cần nâng cao một số kỹ năng mềm như: Ngôn ngữ tiếng Anh, mạng xã hội, công nghệ thông tin, chụp ảnh và xử lý đồ họa,... trong đào tạo kiến trúc sư.

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Phạm Khánh Toàn, Giám đốc Trung tâm phát triển hành nghề kiến trúc, hội kiến trúc sư Việt Nam. (Ảnh: Nhật Lệ)

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Phạm Khánh Toàn, Giám đốc Trung tâm phát triển hành nghề kiến trúc, hội kiến trúc sư Việt Nam. (Ảnh: Nhật Lệ)

Một số hình ảnh về kết quả đào tạo và hoạt động chuyên môn của sinh viên, cựu sinh viên:

Nhật Lệ

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-dh-mo-ha-noi-to-chuc-toa-dam-ve-dao-tao-my-thuat-ung-dung-va-kien-truc-post238861.gd