Trường Harvard thu hơn 60 triệu USD từ bản quyền case-study

Không nhiều người biết rằng, học liệu của các trường đại học cũng là những tài sản trí tuệ có tiềm năng tạo ra doanh thu lớn. Trong đó, Trường Kinh doanh Harvard là một trong những trường đại học nổi tiếng với hoạt động kinh doanh bản quyền học liệu, với doanh thu hàng triệu USD mỗi năm.

Giảng dạy dựa trên các case-study là phương pháp điển hình của Trường Kinh doanh Harvard (Ảnh: HBS)

Giảng dạy dựa trên các case-study là phương pháp điển hình của Trường Kinh doanh Harvard (Ảnh: HBS)

Phương pháp giáo dục thực nghiệm cao

Hầu hết các trường kinh doanh đều tuyên bố rằng họ là những trường học có mô hình giáo dục sáng tạo, có lò đào tạo doanh nhân ngay trong trường với các môn học kích thích tư duy. Tuy vậy, phần lớn các trường đều có những công cụ giảng dạy mang nặng tính lí thuyết và gần như không thay đổi trong vòng một thế kỷ qua.

Không giống như nhiều trường kinh doanh khác, Trường Kinh doanh Harvard (HBS) tập trung vào lối giáo dục thực nghiệm thông qua phương pháp nghiên cứu những tình huống thực tế về kinh doanh, tóm tắt các sự kiện lớn trong nước và quốc tế (case-study). Đây là phương pháp được trường phát triển và sử dụng từ năm 1920 đến tận ngày nay.

Khi học theo phương pháp này, học sinh sẽ phải suy nghĩ độc lập về các tình huống, thảo luận, phát hiện giải pháp, bảo vệ quan điểm của bản thân, và cuối cùng tự khám phá ra những khái niệm mới.

Trọng tâm của phương pháp này đó là học sinh không được cung cấp "câu trả lời" hoặc giải pháp cho những vấn đề hiện tại. Thay vào đó, giống như thành viên của các hội đồng quản trị, giám đốc điều hành hoặc người quản lý, sinh viên buộc phải phân tích tình huống và tìm giải pháp trong hoàn cảnh không có đầy đủ kiến thức về sự kiện cũng như các phương hướng giải quyết.

Ngoài việc được tiếp cận kiến thức thông qua các giảng viên và sách giáo khoa, phương pháp nghiên cứu tình huống đem đến cho sinh viên cơ hội suy nghĩ và hành động như những nhà quản lý.

Kể từ năm 1924, phương pháp ngiên cứu tình huống thực tế đã trở thành công cụ giảng dạy hiệu quả và được áp dụng rộng rãi nhất ở HBS. Ngày nay, phương pháp này được sử dụng trong hầu hết các khóa học quản trị kinh doanh và quản trị thực hành tại đây, cũng như tại hàng trăm trường kinh doanh hàng đầu khác trên khắp thế giới.

Doanh thu khủng từ case-study

Tại Trường Kinh doanh Harvard, nơi tạo ra và phổ biến phương pháp này, case-study đã trở thành nguồn thu lớn của họ. Nhà xuất bản Harvard Business Publishing (HPB) cho biết họ đang cung cấp tài liệu cho khoảng hơn 4.000 trường trên toàn cầu, chiếm đến 80% số case-study được dùng trên thế giới.

Mỗi năm, các giảng viên của HBS tạo ra khoảng 225 case-study mới. Trong đó, với mỗi case-study, các giảng viên tốn khoảng 160 giờ để nghiên cứu và viết. Theo Washington Post, năm 2021, trường đã bán được 15,3 triệu case-study, với doanh thu từ bản quyền lên đến 59 triệu USD. Khách hàng của HBS tiếp tục là những trường kinh doanh khác trên toàn cầu.

HBP cũng bán một số công cụ đi kèm nhằm hỗ trợ việc giảng dạy cho các giảng viên, như từ khóa có thể viết lên bảng. Quy mô khổng lồ của mảng xuất bản đã giúp HBS duy trì vị thế thống trị trên thị trường case study. Trong khi đó, cái tên thứ hai trên thị trường case- study là Darden Business Publishing chỉ bán được chưa đầy 700.000 bản, thấp hơn rất nhiều với con số 12 triệu bản của HBS vào năm 2014.

Các nhà xuất bản đang cố đa dạng và hiện đại hóa nội dung của tài liệu này. Trong thập niên 70, các chủ đề trong các case-study "gần như chỉ về nam giới và được thiết kế dành riêng cho thị trường Mỹ". Hiện nay, HBS đang cố gắng đưa ra những tình huống phản ánh môi trường kinh doanh hiện đại hơn và quốc tế hơn. Họ cũng lên kế hoạch nâng tỷ lệ tình huống, trong đó phụ nữ đưa ra lên 20% và tích hợp thêm các yếu tố video, Internet trong những trường hợp này.

Hường Hoàng

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/truong-harvard-thu-hon-60-trieu-usd-tu-ban-quyen-case-study-1671904113672.htm