Trường học cần đánh giá chỉ số hạnh phúc của học sinh
Để xây dựng một ngôi trường hạnh phúc, trước tiên là phải người hiệu trưởng đầy nhiệt huyết, sau đó là đội ngũ giáo viên lan tỏa cảm hứng đến với học sinh.
Lâu nay, khi nhắc đến trường học là người ta thường nghĩ ngay đến những điều rập khuôn, mang tính truyền thụ kiến thức, áp đặt nội quy là chủ yếu, dẫn đến tình trạng cả đội ngũ lãnh đạo, giáo viên cũng theo "bệnh thành tích", duy trì áp đặt trong dạy học và quản lý học sinh. Có một thực tế rằng, học sinh ngày càng "sợ hãi" việc học bởi chương trình nặng, giáo viên dạy theo lối áp đặt, lạm quyền trong các hình phạt…
Xây dựng một ngôi trường hạnh phúc, như khẩu hiệu "học sinh đến trường mỗi ngày là một ngày vui", là điều mà nhiều trường học đang nêu cao. Nhưng để xây dựng một ngôi trường "trong mơ" ấy, bắt đầu từ đâu cũng là một thử thách không hề đơn giản mà không phải ngôi trường nào cũng đạt được.
Lấy kinh nghiệm thực tiễn của suốt hơn 20 năm qua với cương vị là hiệu trưởng, TS. Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho biết, lựa chọn để xây dựng ngôi trường thành trường học hạnh phúc không hề đơn giản, nhưng phải có sự thay đổi và hướng mọi thứ theo định hướng đề ra.
TS. Nguyễn Văn Hòa cho biết thêm, ở trường Nguyễn Bỉnh Khiêm không áp đặt chuyện thành tích, giáo viên được đánh giá theo năng lực và chỉ số hạnh phúc. Nhà trường sẽ tiến hành khảo sát chỉ số hạnh phúc tại một lớp học để đánh giá chất lượng của lớp học, của giáo viên. Nếu học sinh chưa hài lòng, hạnh phúc sẽ phải xem giáo viên đã thực sự tâm huyết chưa.
"Ngoài giảm áp lực cho giáo viên, Bộ GD&ĐT cần nâng cao chất lượng đào tạo hiệu trưởng. Người hiệu trưởng phải có trình độ, năng lực cao hơn để giúp môi trường giáo dục trong nhà trường ngày càng phát triển toàn diện.
Các trường đại học sư phạm phải xây dựng mục tiêu đào tạo những người làm thầy và truyền cảm hứng cho những thế hệ học sinh. Để làm sao, trong thời gian tới học sinh đến trường được học không chỉ kiến thức mà còn học để làm người, học để thấy được hạnh phúc hơn" - TS. Nguyễn Văn Hòa cho hay.
Là một chuyên gia đào tạo hơn 11.000 hiệu trưởng tại Hàn Quốc, GS. Peck - Trường Đại học Hàn Quốc cho rằng, vai trò của người hiệu trưởng trong nền giáo dục của tương lai, những đổi mới trong quản trị trường học dành cho hiệu trưởng và kinh nghiệm thay đổi hiệu trưởng tại Hàn Quốc - những gì có thể áp dụng tại Việt Nam. Thầy cô nếu muốn tạo ra trường học hạnh phúc cần tập trung giáo dục cảm xúc cho học sinh, thay vì chỉ dạy kiến thức như trước đây.
Đặt ra vai trò quan trọng của hiệu trưởng trong xây dựng trường học hạnh phúc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, hiện nay cả nước có gần 30.000 hiệu trưởng trường phổ thông, khi hiệu trưởng hạnh phúc sẽ tạo ra môi trường tốt cho hơn 800.000 giáo viên phổ thông, giáo viên sẽ tạo hạnh phúc cho trên 16 triệu học sinh, học sinh hạnh phúc sẽ lan tỏa tới phụ huynh.
Cũng theo Bộ trưởng Nhạ, để xây dựng được một trường học hạnh phúc cần có những tiêu chí cụ thể. Trong đó, xây dựng môi trường tôn trọng sự phát triển của mỗi cá nhân, không có bạo lực học đường; trường học phải là một thiết chế văn hóa xanh, sạch, đẹp; giáo viên phải được sáng tạo, được đổi mới phương pháp dạy học, được dân chủ đóng góp ý kiến; quan hệ của nhà trường với cộng đồng xã hội.
"Không phải ngày một ngày hai, không phải một người có thể xây dựng được trường học hạnh phúc nhưng hiệu trưởng nếu biết dẫn dắt, truyền lửa sẽ tạo được môi trường hạnh phúc. Ở đó, giáo viên muốn đến trường, học sinh muốn đi học. Hạnh phúc là một quá trình, chúng ta cứ xây đắp, dần dần sẽ lan tỏa" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.