Trường học đô thị tìm cách gỡ khó quy định 'bất khả thi' 35 học sinh/lớp

Tại các địa phương dân số cơ học tăng cao, việc bố trí không quá 35 học sinh/lớp gần như là không thể với các trường, nhất là cấp tiểu học.

Nhiều trường tiểu học tại quận Hà Đông (Hà Nội) có sĩ số trên 40 em/lớp. Ảnh: TG

Nhiều trường tiểu học tại quận Hà Đông (Hà Nội) có sĩ số trên 40 em/lớp. Ảnh: TG

Linh hoạt giải pháp

Ngày 30/7, Bộ GD&ĐT ban hành Văn bản số 3898 về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2024 - 2025. Một trong các yêu cầu được nhắc đến là trường học cần có giải pháp để bố trí sĩ số học sinh/lớp không quá 35 em.

Theo khoản 1 Điều 16 Thông tư số 28/2020 của Bộ GD&ĐT ban hành Điều lệ trường tiểu học, mỗi lớp học có không quá 35 học sinh. Quy định là vậy, nhưng thực tế diễn ra rất khác, nhất là ở thành phố lớn, đông dân như Hà Nội hay TPHCM.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng – Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, địa phương hiện có số học sinh mầm non và phổ thông đông nhất Thủ đô với hơn 100.000 em. Đây cũng là địa bàn có mức độ tăng dân số cơ học cao, áp lực về trường lớp cho học sinh cũng tăng theo.

Trước tình hình đó, phòng GD&ĐT đã tham mưu UBND quận Hà Đông đầu tư xây dựng thêm trường mới cũng như các đơn nguyên ở trường hiện tại. Quận cũng chỉ đạo chuyển đổi mục đích một số quỹ đất dành cho giáo dục để xây dựng trường học ở phường Dương Nội, Yên Nghĩa, Phú Lương, Phú Lãm, Đồng Mai...

Cùng đó, việc phân tuyến tuyển sinh hợp lý ở các phường trực thuộc cũng như tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập phát triển được lãnh đạo quận Hà Đông quán triệt mạnh mẽ. Những giải pháp trên đã và đang góp phần giảm bớt tình trạng quá tải học sinh ở nhiều trường học trên địa bàn, nhất là tuyển sinh đầu cấp.

“Với các phường như Nguyễn Trãi, Mộ Lao hiện không còn quỹ đất dành cho giáo dục, quận đề xuất với cấp trên nâng tầng cho các trường học. Khi đó, phòng chuyên môn, làm việc của ban lãnh đạo nhà trường được bố trí ở tầng cao. Năm nay có các trường: Tiểu học Kim Đồng, Tiểu học Dương Nội A, Mầm non Biên Giang, THCS Mậu Lương được xây thêm đơn nguyên mới”, bà Hằng thông tin.

Cô Ngô Thị Hồng Lương – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Du (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, nhiều trường ở quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và các huyện ngoại thành, sĩ số học sinh/lớp thấp do không bị áp lực về tăng dân số cơ học. Ngược lại, địa bàn Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm… đang trong tình trạng quá tải trường học do lượng dân đến mua nhà và ở các khu chung cư ngày một đông.

“Tâm lý của phụ huynh bao giờ cũng muốn con em học trường gần nhà. Người dân cư trú trên địa bàn phường mà trường không nhận học sinh vào học thì không được. Do vậy, Điều lệ trường tiểu học quy định cứng là sĩ số không vượt quá 35 học sinh/lớp rất khó khả thi”, cô Lương bày tỏ.

Theo cô Hồng Lương, năm nay Trường Tiểu học Nguyễn Du tuyển hơn 400 trẻ vào lớp 1 và phân thành 9 lớp, sĩ số mỗi lớp là hơn 40 học sinh. Bên cạnh đó, nhà trường tập trung củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và rà soát cơ sở vật chất để sẵn sàng các điều kiện tốt nhất trước thềm năm học mới.

 Sĩ số lớp ít sẽ giúp cô giáo có thời gian để quan tâm từng học sinh. Ảnh: TG

Sĩ số lớp ít sẽ giúp cô giáo có thời gian để quan tâm từng học sinh. Ảnh: TG

Củng cố cơ sở vật chất

Ông Phùng Ngọc Oanh – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì (Hà Nội) cho hay, là địa bàn cách xa trung tâm thành phố nên không bị áp lực về tăng dân số cơ học. Dù vậy, lãnh đạo huyện luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện để chăm lo cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo.

Về tuyển sinh cấp tiểu học cho năm học tới, Ba Vì có 765 lớp với 24.709 học sinh - giảm 1.527 em, bình quân đạt 32,3 học sinh/lớp. Tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi vào lớp 1 đạt 100% với 143 lớp, 4.365 học sinh. Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường tiểu học hiện có 1.510 người.

Các trường tiểu học của huyện có 834 phòng học, 210 phòng chức năng (thiếu 9 phòng, đang đề nghị đầu tư). Hầu hết nhà trường có nhà xe, nhà vệ sinh; hệ thống nước sạch đảm bảo đầy đủ. Tuy nhiên, một số điểm trường có hệ thống nhà vệ sinh học sinh xuống cấp cần sửa chữa là 62 phòng.

Năm học 2024 - 2025 tiếp tục thực hiện việc bắt buộc dạy Tin học đối với học sinh cấp tiểu học. Qua rà soát, một số trường thiếu máy tính cho học sinh thực hành trong phòng Tin học; có trường nhiều máy hỏng hoặc thiếu phòng học.

Trước khó khăn về cơ sở vật chất, ông Nguyễn Đức Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì mong thời gian tới thường trực huyện ủy tham mưu thành phố hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất hoàn thành chỉ tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia trường chất lượng cao; sớm triển khai các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư.

Phân bổ kinh phí mua sắm thiết bị chương trình lớp 5, lớp 9 (15 tỷ đồng đã được HĐND huyện phê duyệt năm 2024). Xã hội hóa phòng máy tính cho các trường còn thiếu để đáp ứng yêu cầu dạy học môn Tin học. Đối với dự án đang thi công, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ; dự án hoàn thành sớm bàn giao sử dụng trước khai giảng năm học mới.

Theo ông Võ Xuân Trọng - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai (Hà Nội), trong 3 năm qua, quận đã triển khai xây dựng mới 23 trường học, cải tạo sửa chữa 25 trường để tăng số lượng lớp học. Quận cũng thông qua chủ trương đầu tư 4 dự án mới, tổng kinh phí hơn 1.076 tỷ đồng để xây dựng 1 trường mầm non, 2 trường tiểu học, 1 trường THPT trên địa bàn phường Hoàng Liệt nhằm giảm áp lực về trường lớp.

Đình Tuệ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truong-hoc-do-thi-tim-cach-go-kho-quy-dinh-bat-kha-thi-35-hoc-sinhlop-post694543.html