Trường học gia tăng F0, ứng biến mỗi nơi một khác
Gần 2 tuần qua khi học sinh đi học trở lại, tình trạng F0, F1 gia tăng, mỗi trường, mỗi địa phương ứng biến một kiểu khác nhau.
Tại Hải Phòng, số ca mắc COVID-19 trong giáo viên, học sinh lên tới hơn 22.000 ca. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Hải Phòng kiên trì mở cửa trường học và khẳng định: “Có 1 học sinh đến trường vẫn dạy học trực tiếp”.
Ông Nguyễn Văn Năng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), cho rằng sau gần 2 tuần dạy học trực tiếp, diễn biến dịch phức tạp, số ca F0 tăng nhanh gây khó khăn, lúng túng cho các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, các trường đều thực hiện nghiêm chủ trương mở cửa trường học cần phải xác định rõ là sống chung, lâu dài với dịch, phải thích nghi. Địa phương yêu trường học không gây bất kỳ phiền hà nào cho phụ huynh, học sinh như phải nộp giấy tờ liên quan F0, F1… mới được đi học.
Quyết tâm trở lại trường học chưa lâu, nhiều nơi đã phải chuyển học trực tuyến vì gia tăng F0. Ảnh: Trọng Tài
Theo số liệu của Phòng GD&ĐT thành phố Thanh Hóa, 2 tuần dạy học trực tiếp đã ghi nhận hơn 2.500 học sinh, giáo viên là F0. Tuy nhiên, địa phương quyết tâm không đóng cửa trường học và đưa ra các hướng dẫn để các trường hoàn thành chương trình. Trong đó, có các vấn đề như xác định F1 đối với tiểu học là 2 học sinh ngồi bên cạnh F0 và được nghỉ học 7 ngày; THCS do giáo viên chủ nhiệm xác định và các em chỉ nghỉ 3-5 ngày có xét nghiệm âm tính sẽ đi học trở lại. Thanh Hóa cũng đưa ra tiêu chí để trường học chuyển từ dạy trực tiếp sang trực tuyến như, mỗi lớp trên 10 học sinh F0 đối với tiểu học; 1/3 học sinh đối với THCS- THPT.
Trong khi đó tại Hà Nội, hiện nay chỉ còn trẻ mầm non và học sinh lớp 1đến lớp 6 các quận nội thành chưa đi học, còn lại các trường đều đã mở cửa từ ngày 7/2 nhưng trường học rối vì nhiều quy định chưa rõ ràng dẫn đến nhiều cách làm khác nhau. Ví dụ, có nơi lớp chỉ 4 học sinh là F0 cả lớp đã chuyển sang học trực tuyến; có nơi 1 học sinh đi học cũng dạy trực tiếp; một số trường khuyến khích phụ huynh tự mua que test cho con 1 tuần 2 lần ở nhà; nhiều trường tự tổ chức test đồng loạt cho học sinh để sàng lọc F0; chưa ăn bán trú...
Một số địa phương khác như: Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Đắk Lắk… cũng đã cho dừng học trực tiếp đối với một số khối lớp nhỏ tuổi, lí do là số ca mắc COVID-19 tăng nhanh. Nhiều địa phương cho học sinh dừng đến trường vì nhiệt độ dưới 10 độ C.
Bộ GD&ÐT cũng đã có sổ tay đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong trường học quy định cụ thể về chuẩn bị trước, trong, sau khi học sinh đến trường; xử trí nếu phát hiện F0, F1… nhưng không quy định cụ thể bao nhiêu trường hợp F0/ lớp, thậm chí cả trường chuyển sang học trực tuyến. Thay vào đó, việc đóng cửa trường học khi nào là trách nhiệm thuộc về Ban chỉ đạo phòng chống dịch của địa phương.
Lo chất lượng dạy và học
Bà Bùi Thị Minh Thu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Vạn Bảo, quận Hà Đông (Hà Nội) nói rằng, điều lo lắng nhất là chất lượng học tập cũng như các kỹ năng khác của học sinh vì không được học trực tiếp. Mở cửa trường học dù sẽ nảy sinh nhiều tình huống và giáo viên rất vất vả để ứng biến nhưng được tới trường ngày nào học sinh có lợi ngày đó.
TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các Khoa học giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho hay để trường học mở cửa bền vững cần có giải pháp, hướng dẫn kỹ về các điều kiện để cha mẹ yên tâm. Cách làm như một số trường ở Hà Nội vừa qua cho thấy, các quy định chưa thuận tiện như học sinh vừa đến trường có F0, F1 nghỉ ở nhà 14 ngày; không tổ chức ăn bán trú; yêu cầu test nhanh gây áp lực tài chính đối với phụ huynh hay số ca F0 tăng nhanh khiến cha mẹ hoang mang…