'Trường học hạnh phúc' nơi biên giới

Được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum chọn là trường thí điểm xây dựng mô hình 'Trường học hạnh phúc', những năm qua, thầy và trò Trường Tiểu học Đăk Ang (xã Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi) đã cùng nhau xây dựng môi trường học tập ngày càng thân thiện, lành mạnh, an toàn.

Trường Tiểu học Đăk Ang xây dựng trường lớp xanh - sạch - đẹp. Ảnh: Thanh Tùng

Trường Tiểu học Đăk Ang xây dựng trường lớp xanh - sạch - đẹp. Ảnh: Thanh Tùng

Đến Trường Tiểu học Đăk Ang, tôi bị cuốn hút bởi không gian trường học xanh - sạch - đẹp, những học sinh lễ phép chào hỏi khi thấy người lạ. Tuy là ngôi trường ở xã đặc biệt khó khăn vùng biên giới Ngọc Hồi, cơ sở vật chất đã cũ, màu sơn đã phai mờ theo năm tháng, nhưng dưới đôi tay khéo léo, cần mẫn của các thầy cô, ngôi trường vẫn rực rỡ sắc màu, thu hút học sinh đến trường. Cùng với đó, thư viện của trường rất rộng rãi, bố trí nhiều bàn ghế cùng với số lượng lớn sách, truyện để học sinh thỏa sức đọc.

Cô Huỳnh Thị Duy Lam, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đăk Ang cho biết: “Thư viện ước mơ” của nhà trường được đầu tư xây dựng theo mô hình “Trường học hạnh phúc” với tổng kinh phí 100 triệu đồng. Trong đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã kết nối các đơn vị hỗ trợ 80 triệu đồng, nhà trường trích kinh phí chi thường xuyên 20 triệu đồng. Từ khi triển khai mô hình “Trường học hạnh phúc”, nhà trường luôn nỗ lực xây dựng để học sinh cảm thấy hạnh phúc khi học tập dưới mái trường, từ đó, hạnh phúc sẽ lan tỏa đến phụ huynh và toàn xã hội".

Cô Lam chia sẻ: Để xây dựng được “Trường học hạnh phúc”, các thầy cô phân tích, làm rõ khái niệm, ý nghĩa của cụm từ này, từ đó, đã có định hướng và giải pháp sát, đúng và trúng. Theo đó, nhà trường xác định “Trường học hạnh phúc” là nơi không có bạo lực học đường, không có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, không có những hành xử xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể nhà giáo và học sinh. “Trường học hạnh phúc” là nơi thầy cô và học sinh vui sống trong sẻ chia, cảm thông và yêu thương nhau. Đồng thời, nơi đó cũng là mái nhà chung mà mỗi ngày giáo viên cũng như học trò đến trường là một niềm vui và có động lực.

Từ đó, nhà trường đã đưa ra các giải pháp để giáo viên và học sinh trong trường cùng bám theo thực hiện. Ban giám hiệu cùng tập thể cán bộ, giáo viên cùng nhau xây dựng môi trường học tập thân thiện, an toàn để học sinh hứng thú đến trường, phụ huynh yên tâm cho con em đi học; luôn quan tâm đầu tư, xây dựng trường học xanh – sạch – đẹp; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, phòng, tránh tai nạn, thương tích; quản lý tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trong nhà trường.

Cùng với đó, tất cả các giáo viên trong trường phải biết kiểm soát cảm xúc, điều chỉnh những cảm xúc tiêu cực, lan tỏa những cảm xúc tích cực nhằm xây dựng mối quan hệ thân thiết, gần gũi với học sinh. Trong các tiết học, giáo viên phải biết tạo điều kiện để học sinh phát huy thế mạnh, sáng tạo; khích lệ, động viên, khen thưởng để các em có động lực vươn lên trong học tập.

Nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động từ thiện để hạnh phúc lan tỏa đến nhiều người. Ảnh: Thanh Tùng

Nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động từ thiện để hạnh phúc lan tỏa đến nhiều người. Ảnh: Thanh Tùng

Trường Tiểu học Đăk Ang có 384/411 học sinh dân tộc thiểu số, nhà trường đã xây dựng Phòng đọc thân thiện tại trường, các góc thư viện dưới cầu thang, hành lang cho học sinh, tạo phong trào văn hóa đọc và phát triển tiếng Việt đối với học sinh dân tộc thiểu số. Cùng với đó, nhà trường còn tổ chức tiết đọc chung trong thư viện 1 tiết/lớp/tuần nhằm bồi dưỡng, nâng cao kĩ năng sử dụng tiếng Việt của học sinh. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức Ngày hội đọc sách, giới thiệu sách mới..., thu hút học sinh tham gia.

Để các em hình thành thói quen tự lập, nhà trường đã xây dựng mô hình “Tự phục vụ bán trú”. Tại các bữa ăn, các em sẽ tự lấy khẩu phần ăn theo nhu cầu, tự rửa dụng cụ ăn, dọn dẹp vệ sinh trước và sau khi ăn... Qua đó, giúp các em học sinh dân tộc thiểu số có thêm nhiều kĩ năng sống, mạnh dạn, tự tin và sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp với mọi người.

Với những giải pháp cụ thể, cùng sự đồng lòng, quyết tâm của các thầy cô trong Trường Tiểu học Đăk Ang, có thể thấy, mô hình “Trường học hạnh phúc” đã mang lại những thay đổi, chuyển biến tích cực trong giáo dục và dần thay đổi thói quen, nếp nghĩ, cách làm của giáo viên, học sinh để cùng xây dựng môi trường học tập lành mạnh, thân thiện, an toàn.

Một trong những giải pháp quan trọng là tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hoạt động giáo dục liên quan đến nội dung “Trường học hạnh phúc”. Theo đó, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, các hoạt động trải ngiệm, sáng tạo; các hoạt động giáo dục kĩ năng sống, hoạt động ngoài giờ chính khóa, hoạt động xã hội từ thiện vì cộng đồng; tổ chức các hoạt động thể thao, vui chơi, giải trí, văn hóa an toàn, lành mạnh, bình đẳng, thân thiện phù hợp độ tuổi, đặc điểm tâm sinh lí học sinh tiểu học.

Em Y Thiện Nhi, lớp 5A cho biết: "Em rất thích đi học, đến trường các thầy cô rất gần gũi, bạn bè hòa đồng. Ở trường, chúng em được học tập, vui chơi lành mạnh, an toàn, được đọc nhiều sách truyện để nâng cao vốn từ, hiểu biết. Năm sau em lên lớp 6, không còn được học dưới mái trường này, em mong rằng, ở các trường khác, các thầy cô cũng thân thiện, gần gũi, chăm lo cho học sinh như ở đây".

Tùng Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/truong-hoc-hanh-phuc-noi-bien-gioi-post462478.html