Trường học không bàn ghế tại New Zealand

Trường học thiên nhiên đang trở nên phổ biến tại New Zealand, giúp trẻ phát huy những kỹ năng cần thiết cho xã hội trong tương lai.

Học sinh Trường Thiên nhiên Bush Sprouts khám phá khu rừng ở Battle Hill, ngoại ô Wellington, New Zealand.

Học sinh Trường Thiên nhiên Bush Sprouts khám phá khu rừng ở Battle Hill, ngoại ô Wellington, New Zealand.

Mô hình này được nhiều chuyên gia giáo dục, phụ huynh ủng hộ.

Ashton Wilcox, 8 tuổi, chỉ vào xác một con nhím mắc kẹt gần bờ suối ở Battle Hill, cách thủ đô Wellington, New Zealand, 45 phút di chuyển và nói: “Nhìn kìa, cái xác đang chuyển động”. Một giáo viên xuất hiện và khuyên Ahston không nên chạm vào con vật.

Cô giải thích cho em hiểu rằng nhím là loài gây hại ở New Zealand và cái xác đang được phân hủy bởi lũ giòi. Ashton lắng nghe cô giải thích và quan sát con vật thêm một lúc nữa trước khi chạy ra bờ suối cùng các bạn.

Trong vòng 2 phút, Ashton đã được học về vòng đời của một loài vật. Đây có thể là cách khác thường để dạy một đứa trẻ 8 tuổi về môi trường tự nhiên nhưng điều này hoàn toàn bình thường tại Trường Thiên nhiên Bush Sprouts. Những mô hình trường học thiên nhiên tương tự đang trở nên phổ biến tại New Zealand.

Trường học thiên nhiên, còn gọi là trường học trong rừng, rất phổ biến tại Anh hoặc Australia nhưng gần đây được biết đến rộng rãi ở New Zealand. Mô hình này lấy cảm hứng từ văn hóa ngoài trời của người Scandinavia. Hiện có hơn 80 trường học thiên nhiên với khoảng 2.000 nhà giáo dục tại New Zealand.

Trẻ em, từ 4 - 12 tuổi, theo học tại trường không phải lên lớp theo cách truyền thống. Thay vào đó, các em di chuyển đến các trang trại, khu rừng ngoại ô thành phố và dành cả ngày chơi đùa trong bùn, đốt lửa trại, cho động vật ăn. Các em học cách trồng cây, phân biệt cây độc, trồng trọt, bảo tồn và quản lý môi trường.

Trường thiên nhiên không có chương trình dạy bắt buộc. Học sinh được vui chơi và tự học từ những điều quan sát thấy trong môi trường tự nhiên.

Cô Leo Smith, Hiệu trưởng Trường Thiên nhiên Bush Sprouts, cho biết bài học do trẻ em tự dẫn dắt. Giáo viên khuyến khích trẻ thử thách bản thân ở ngoài trời theo phương châm: Nếu không có cơ hội trải nghiệm rủi ro, các em sẽ không học được cách chấp nhận rủi ro trong cuộc sống.

“Nhiều phụ huynh gửi con cho chúng tôi vì các cháu chưa được va chạm bên ngoài, lo lắng trước những rủi ro. Họ biết con cái có thể là chính mình trong ngôi trường này”, cô Leo nói.

Chị Amy Toomath, phụ huynh có con học trường thiên nhiên, cho biết: “Con tôi hay gặp rắc rối ở trường nên chúng tôi muốn dỡ bỏ các bức tường trong lớp học. Khi chuyển sang trường thiên nhiên, cháu hòa nhập tốt hơn, có những trải nghiệm học tập thú vị hơn và nâng cao khả năng tự học. Không chỉ đọc và viết, học tập cũng là kiểm soát sâu bệnh hoặc tìm kiếm thức ăn”.

Còn chị Emma Dewson nhận thấy các con có trách nhiệm hơn với môi trường sau khi theo học trường thiên nhiên. “Các cháu đi khắp phố để nhặt rác, dặn bố mẹ chỉ sử dụng một chiếc ô tô để giảm khí phát thải. Các cháu sẽ trở thành những người chăm sóc hành tinh”, chị Emma nói.

Những người ủng hộ giáo dục thiên nhiên tin rằng học tập và vui chơi ngoài trời, trong mọi thời tiết, là một trong những cách tốt nhất tăng cường khả năng phục hồi, sức khỏe và khả năng sáng tạo ở trẻ em. Các nghiên cứu cho thấy học sinh trường thiên nhiên được nâng cao động lực, kỹ năng xã hội và thành tích học tập. Các em cũng có mối quan tâm cao hơn với thế giới tự nhiên so với bạn bè đồng trang lứa.

Theo TG

Tú Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truong-hoc-khong-ban-ghe-tai-new-zealand-post679730.html