Trường học loay hoay xoay xở vì thiếu giáo viên tiểu học
Theo khung Chương trình GDPT 2018, cấp tiểu học được xây dựng 2 buổi/ngày với 32 tiết/tuần.
Song, trong tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng, việc triển khai trở nên khó khăn; nhiều địa phương phải vận động giáo viên dạy tăng tiết nhưng không có kinh phí chi trả. Về phía huyện, vận động xã hội hóa không khả thi, chỉ có thể sắp xếp linh hoạt đội ngũ dạy đủ môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc.
Trông cậy giáo viên tự nguyện, miễn phí
Trường Tiểu học Nga My (huyện Tương Dương, Nghệ An) triển khai mô hình trường bán trú từ 2 năm trước. Tuy nhiên, hiện chỉ mới gom được học sinh lớp 3, 4, 5 về trường chính. Các lớp 1 và 2 vẫn chia ra học ở 5 điểm trường lẻ. Trong đó, bản xa nhất cách trường hơn 20km.
Thầy Lô Văn Kháy cắm bản tại điểm trường Xốp Kho, cách trường chính khoảng 8km đường dốc đá qua nhiều quãng suối và cách xa nhà hơn 30km. Học trò điểm lẻ không ở bán trú, nhưng đổi lại, giáo viên phải tạm trú ở nhà công vụ để dạy học 2 buổi/ngày.
“Mỗi lần vào trường, tôi phải mặc 2 bộ quần áo trên người, vào tới nơi thì cởi bộ ngoài ra vì bám đầy bụi. Nếu ngày mưa, đường lầy lội, ổ voi, gà, thầy cô chủ yếu phải dắt xe đi bộ. Thông thường tôi ở tại bản từ thứ 2 đến thứ 6, nhưng dịp mùa mưa kéo dài, đi đường nguy hiểm thì cả tháng mới về nhà”, thầy Kháy nói.
Ngoài giáo viên cắm bản, vất vả hơn là giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục vì vừa phải đảm nhận đủ số tiết ở trường chính lẫn 5 điểm lẻ. Khó khăn, vất vả như vậy, nhưng giáo viên vẫn chấp nhận vượt núi đến trường, vì Chương trình GDPT mới quy định các trường tiểu học phải đảm bảo dạy 2 buổi/ngày với 32 tiết tuần.
“Học sinh của trường đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số, vốn chịu nhiều thiệt thòi. Bố mẹ lại chưa quan tâm, đầu tư cho việc học của con, phó mặc hết vào nhà trường, thầy cô.
Vì thế, để học sinh đỡ thiệt thòi, nhà trường vẫn duy trì dạy học 32 tiết/tuần và vận động tất cả giáo viên tự nguyện dạy tăng tiết, tăng buổi. Nhưng kinh phí chi trả khó khăn, nhà trường lại không vận động được phụ huynh để thu tiền dạy học 2 buổi/ngày”, thầy Thông chia sẻ.
Theo thầy Kha Văn Thông – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nga My, toàn trường có 21 lớp nhưng chỉ có 23 giáo viên, tỷ lệ khoảng 1,1 giáo viên/lớp. Trong khi đó, nếu dạy học 2 buổi/ngày phải đảm bảo 1,5/giáo viên/lớp. Hiện trường thiếu 5 giáo viên, trong khi có nhiều điểm lẻ, xa xôi cách biệt.
Huyện Tương Dương - một trong ít các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An vẫn duy trì dạy học 2 buổi/ngày, với 32 tiết/tuần đối với cấp tiểu học trong điều kiện thiếu giáo viên. Ông Thái Lương Thiện – Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho hay, các trường trên địa bàn triển khai đầy đủ môn học và hoạt động theo quy định của Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1 - 4.
Còn lớp 5 dạy theo chương trình hiện hành nhưng đổi mới theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Ngoài ra, các nhà trường bố trí thêm hoạt động giáo dục tăng cường, đọc sách, báo, hoạt động trải nghiệm theo chủ đề nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Nậm Càn (Kỳ Sơn, Nghệ An) đang tổ chức dạy học với số tiết khác nhau giữa các khối lớp tiểu học. Với lớp 1 và 2, nhà trường tổ chức dạy học 25 tiết/tuần; lớp 3 là 28 tiết/tuần; lớp 4 là 30 tiết/tuần và lớp 5 là 26 tiết/tuần.
Thầy Lâm Nguyên Ngọc – Hiệu trưởng cho biết: “Trước mắt, nhà trường chỉ đáp ứng được chương trình cứng theo phân phối và không dạy được các tiết tăng thêm để bổ trợ học sinh do thiếu quá nhiều giáo viên. Nếu huy động thầy cô dạy thêm giờ lại không có ngân sách chi trả”.
Để bù đắp thiếu hụt cho học sinh, mỗi tuần/buổi, nhà trường vận động giáo viên phụ đạo thêm học sinh. Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhà trường, đây thực chất là dạy học tự nguyện và không tính vào số tiết thực dạy. Giải pháp tình thế này được duy trì trong bối cảnh không thể mãi vận động giáo viên tự nguyện, dạy tăng tiết miễn phí cả năm học mà không có thù lao.
Đây cũng là tình trạng chung của nhiều trường học trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, đặc biệt năm học này, địa phương có thêm 16 trường tiểu học được công nhận trường dân tộc bán trú. Với mô hình này, số tiết thực dạy của giáo viên tiểu học sẽ giảm để kiêm nhiệm việc quản lý, chăm sóc học sinh bán trú. Trong khi huyện chưa kịp bổ sung thêm biên chế thì không đủ giáo viên để bố trí đủ 32 tiết/tuần cho các trường.
Khó bảo đảm quyền lợi học sinh
Theo khung Chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học được thiết kế để dạy học 2 buổi/ngày. Ngoài các tiết bắt buộc theo quy định, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, học sinh sẽ học thêm tiết ngoài chương trình bắt buộc như hướng dẫn tự học, tiết tăng cường. Dạy học 2 buổi/ngày sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh trong việc đưa, đón con khi các trường tổ chức bán trú.
Tuy nhiên, tại Nghệ An, số trường tiểu học dạy theo chương trình từ 32 tiết/tuần trở lên chủ yếu ở vùng đồng bằng, thành thị hoặc huyện miền núi được ưu tiên cấp đủ giáo viên. Một số địa phương do thiếu người dạy, không thực hiện xã hội hóa nên nhiều trường tổ chức chương trình dưới 32 tiết/tuần.
Tại huyện Quỳnh Lưu, ông Trần Xuân Nhương – Trưởng phòng GD&ĐT cho hay, năm học này, tình trạng thiếu giáo viên nói chung trên địa bàn càng trầm trọng so với các năm trước. Riêng cấp tiểu học có 962 lớp, trong đó 185 lớp 5 đang học chương trình hiện hành, còn lại các lớp 1, 2, 3, 4 học Chương trình GDPT 2018.
Số giáo viên tiểu học hiện có của huyện Quỳnh Lưu tính đến tháng 10/2023 là 1.179 người. Trong khi nhu cầu để bố trí dạy học 2 buổi/ngày là 1.434 giáo viên. Cụ thể, đội ngũ để bố trí đủ 1,5 giáo viên/lớp dạy cho các lớp 1, 2, 3, 4 là 1.167 người, còn số giáo viên dạy lớp 5 là 268 người. Số định biên thiếu cần bổ sung để tổ chức dạy 2 buổi/ngày của huyện Quỳnh Lưu là 174 người.
Trước thực tế trên, Phòng GD&ĐT huyện Quỳnh Lưu đưa ra 3 phương án tổ chức dạy học đối với cấp tiểu học theo Chương trình GDPT 2018. Phương án 1 là tổ chức dạy học đủ các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc, không tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Phương án 2, tiếp tục tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và huyện trích ngân sách hỗ trợ giáo viên để dạy tăng tiết hoặc hợp đồng. Dự kiến kinh phí cấp bù cho năm học 2023 - 2024 là 8,6 tỷ đồng (tính theo mức lương tối thiểu). Phương án 3 là tổ chức dạy học 2 buổi/ngày nhưng cha mẹ học sinh hỗ trợ phần kinh phí tổ chức các hoạt động ngoài môn học, giáo dục bắt buộc.
Tuy nhiên, thực tế việc vận động xã hội hóa, thỏa thuận để phụ huynh đóng góp tiền trả cho giáo viên dạy tăng tiết, hoặc hợp đồng trên địa bàn rất khó khăn. “Nếu chỉ dạy các môn, hoạt động giáo dục bắt buộc, không dạy học 2 buổi/ngày thì thiệt thòi cho học sinh.
Vì vậy, phòng đang đề nghị UBND huyện ưu tiên xem xét lựa chọn phương án 2 để thực hiện”, ông Trần Xuân Nhương thông tin. Còn hiện tại, do chưa triển khai vận động xã hội hóa, nên huyện Quỳnh Lưu dạy học linh hoạt chương trình theo số giáo viên tiểu học thực có.
Ông Nguyễn Hồng Hoa - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Nghệ An cho rằng, không tổ chức đủ số tiết sẽ dẫn đến thiệt thòi cho học sinh tiểu học, nhất là ở lứa tuổi hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất, kỹ năng. Nhưng trong bối cảnh toàn tỉnh thiếu gần 2 nghìn giáo viên tiểu học, nếu không thực hiện xã hội hóa hoặc không có ngân sách chi bù cho nhà trường, việc thực hiện sẽ không khả thi.