Trường học miền núi đảm bảo cơ sở vật chất cho năm học mới
Bước vào năm học mới, các trường học trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang tích cực chuẩn bị các điều kiện, đặc biệt là vùng DTTS và miền núi.
Củng cố trường lớp
Năm học 2023 - 2024, Trường Tiểu học Cúc Đường, xã Cúc Đường, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên có 1 điểm trường chính với 9 lớp và 1 điểm trường lẻ Lam Bình Sơn với 5 lớp. Trường có tổng số 304 học sinh trong đó 95% học sinh là người DTTS gồm các dân tộc như Tày, Mông.
Thầy giáo Vũ Kỳ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Thời điểm này, các thầy cô giáo đang gấp rút chỉnh trang khuôn viên trường, lớp, tổng vệ sinh sân bãi, phòng làm việc, khu vực các lớp học và phòng chức năng để chào đón học sinh quay trở lại trường.
Công tác tuyển sinh đã hoàn thành, trường tuyển sinh lớp 1 được 56 em, huy động 100% trẻ ra lớp. Bên cạnh đó, trường cũng đã chuẩn bị tương đối đầy đủ về trang thiết bị dạy học theo chương trình GDPT 2018, sách giáo khoa. Còn về cơ sở vật chất trường thiếu một số phòng bộ môn như phòng học Ngoại ngữ, phòng đa chức năng….Đối với giáo viên, hiện nhà trường có tổng số 23 giáo viên, thiếu giáo viên dạy môn Tin học, trường đã đề nghị bổ sung thêm giáo viên còn thiếu.
Bảo đảm học trò trở lại trường lớp đạt tỷ lệ 100%
Tại trường Phổ thông DTBT THCS Nghinh Tường, xã Nghinh Tường, huyện Võ Nhai, năm học này trường có tổng số 171 học sinh 100% là người dân tộc thiểu số, trong đó có 90 học sinh dự xét đủ điều kiện được ở bán trú. Học sinh chủ yếu là con em đồng bào DTTS sinh sống trên địa bàn xã Nghinh Tường và địa giáp ranh xã Tân Chi, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
Thầy giáo Vi Văn Nam, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hiện nay, cơ sở vật chất của trường đạt mức tối thiểu, có nhà tạm cho học sinh ở với 2 phòng, sức chứa mỗi phòng 40 học sinh. Trường đã tận dụng sân bắn mái tôn và chuẩn bị thêm quạt để làm chỗ ăn cho các em, tuy nhiên so với năm học 2022 – 2023, năm học này nhà trường tăng thêm 17 học sinh, trong đó thêm 10 học sinh tham gia học bán trú, do đó nhà trường cùng các thầy cô phải tích cực chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện trước khi đón học sinh quay trở lại trường.
Cũng theo thầy Nam, mặc dù cơ sở vật chất trường còn khó khăn tuy nhiên bằng tất cả tình yêu thương, trách nhiệm các thầy cô giáo đang công tác tại trường luôn nỗ lực dành mọi sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục để học sinh người dân tộc thiểu số được hưởng đầy đủ các quyền lợi.
Hàng năm, học sinh dân tộc thiểu số diện bán trú được hưởng chế độ trợ cấp Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 17/8/2016 của Chính phủ. Mức hỗ trợ gồm tiền ăn bằng 50% mức lương cơ bản và 15kg gạo/em/tháng. Học sinh của nhà trường được thụ hưởng chế độ miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP. Ngoài ra, các em còn được hỗ trợ về chi phí thiết bị y tế, thuốc 50.000 đồng/ tháng và mua sắm thiết bị thể thao 100.000 đồng/ tháng.
Nhờ đó, nhiều năm gần đây toàn trường không còn tình trạng học sinh bỏ học sau kỳ nghỉ Hè. Đối với một vài trường hợp các em đến trường vài hôm lại nghỉ, giáo viên luôn sát sao, thường xuyên nhắc nhở, phối hợp cùng gia đình để nhắc nhở, đốc thúc trò đi học lại. Do đó, để bảo đảm học trò trở lại trường lớp đạt tỷ lệ 100% vào ngày tựu trường và khai giảng, ban giám hiệu luôn yêu cầu giáo viên chủ nhiệm liên hệ trước với gia đình, địa phương nơi học sinh cư trú để động viên, nhắc nhở.
Có thể nói, giáo dục ở các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn luôn được Đảng, Nhà nước dành sự quan tâm bằng nhiều chế độ, chính sách đặc thù. Nhờ đó, không có học sinh nào vì khó khăn mà không được đi học. Tuy nhiên, từ chính sách đi vào thực tế giáo dục, dạy học, chăm sóc, quản lý học sinh còn nhiều vất vả, vướng mắc đòi hỏi sự linh hoạt của từng nhà trường, cán bộ quản lý, giáo viên.