Trường học thiếu nước sạch, thảm giữ ấm, giáo viên phải đốt củi sưởi ấm cho trẻ

Thiếu nước sạch, thiếu phòng học và thảm giữ ấm, các cô giáo vùng khó không chỉ giảng dạy, mà còn phải lo toan mọi mặt cho học trò.

Những ngôi trường lợp mái tôn đơn sơ, không đảm bảo chắn gió; thậm chí có nơi thiếu nước sạch,... đang trở thành thách thức đối với thầy và trò học sinh vùng cao, đặc biệt trong những ngày đông giá rét.

Thiếu nước sạch, thiếu phòng học, nhà ở bán trú và nhà vệ sinh

Tại Trường Mầm non Xá Lượng (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An), cô và trò đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi cơ sở vật chất vẫn thiếu thốn đủ đường.

Trường Mầm non Xá Lượng hiện có hơn 300 học sinh, trong đó, phần lớn là con em đồng bào dân tộc thiểu số như Thái, Khơ Mú và Mông. Đặc thù của học sinh nơi đây là điều kiện gia đình khó khăn, nhiều trẻ là con em các gia đình hộ nghèo hoặc cận nghèo, phụ thuộc chủ yếu vào nghề nông.

Với địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, việc đảm bảo hoạt động học tập và sinh hoạt của các em ở trường là một thử thách lớn. Hệ thống cơ sở vật chất của trường hiện tại rất thiếu thốn: thiếu áo ấm cho trẻ, nguồn nước bị hạn chế, dụng cụ nấu nướng không đảm bảo... Các cô giáo ở đây không chỉ giảng dạy, mà còn phải lo toan mọi mặt; từ vận động hỗ trợ đồ dùng cho các em, đến chăm sóc sức khỏe, bảo vệ trẻ trước điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

 Cô trò Trường Mầm non Xá Lượng quây quần bên bếp lửa sưởi ấm. Ảnh: NVCC.

Cô trò Trường Mầm non Xá Lượng quây quần bên bếp lửa sưởi ấm. Ảnh: NVCC.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về khó khăn Trường Mầm non Xá Lượng đang gặp phải, cô Lê Thị Quang, Phó Hiệu trưởng bộc bạch: “Toàn bộ nguồn nước được lấy trực tiếp từ suối, dẫn về qua hệ thống ống và bể chứa chung của bản, sau đó dẫn về trường. Vào mùa mưa lũ, đất đá sạt lở thường làm hư hỏng đường ống, khiến người dân phải sửa chữa liên tục. Nhưng khi bước vào mùa khô lạnh, tình hình còn tệ hơn, khi các con suối cạn dần, nước sạch trở nên vô cùng khan hiếm.

Nhiều hôm, phụ huynh phải vừa đưa con đến trường, vừa mang theo thùng nước để đảm bảo đủ dùng cho sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, nước từ nguồn chưa được xử lý nên rất đục và bẩn. Dù đã từng được tài trợ 10 máy lọc nước, nhưng hiện tại chỉ còn 5 máy hoạt động, số còn lại đã hỏng do phải thay lõi lọc quá thường xuyên”.

 Bể chứa nước xuống cấp, không đủ chất lượng phục vụ bán trú cho các con Trường Mầm non Xá Lượng. Ảnh: NVCC.

Bể chứa nước xuống cấp, không đủ chất lượng phục vụ bán trú cho các con Trường Mầm non Xá Lượng. Ảnh: NVCC.

Cô Lương Thị Thay, giáo viên điểm trường tại bản Tùng Hương (Trường Mầm non Xá Lượng) cũng đau đáu về tình trạng thiếu nước sạch: "Những ngày thiếu nước, cả cô và trò đều rất vất vả. Trẻ con hiếu động, cứ chạy nhảy khắp sân đất. Tay chân, quần áo lúc nào cũng bám đầy bụi đất, lấm lem... nhưng chúng tôi không có đủ nước để rửa sạch cho các con.

Đến giờ ăn, giáo viên đành phải dùng khăn lau tay từng trẻ, rồi rửa qua bằng chút nước còn lại. Thật lòng, mỗi lần nhìn các con ăn uống trong cảnh như vậy, tôi xót xa lắm.

Vào mùa khô, không chỉ thiếu nước mà bụi đường cũng nhiều. Trẻ nhỏ rất dễ mắc các bệnh về hô hấp và tiêu hóa. Chúng tôi luôn nhắc phụ huynh phải chú ý vệ sinh tay chân cho con ở nhà, nhưng nhà nào cũng thiếu nước, không đủ để vệ sinh sạch sẽ cho các con. Mọi thứ cứ phải phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, mà mùa khô thì khắc nghiệt quá”.

Cô Thay chia sẻ thêm: "Là điểm trường biên giới nên cơ sở vật chất nơi đây còn thiếu thốn. Nhà vệ sinh được xây từ lâu, nên ngày càng xuống cấp, còn nhà bếp, chúng tôi phải dựng tạm bằng mấy tấm tôn.

Đồ chơi tại điểm trường cũng được cấp phát cách đây 10 năm nay, hiện nay đã hư hỏng phần nhiều, các cô phải cải tạo, sửa chữa để có đồ chơi cho trẻ".

Bên cạnh đó, theo cô Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Xá Lượng, về mặt chăm sóc học sinh, thách thức lớn nhất là kết nối với phụ huynh. Bởi, phần lớn phụ huynh phải đi làm xa, để con cái ở lại cho ông bà chăm sóc. Gần 60% học sinh ở đây sống cùng ông bà. Điều này gây khó khăn trong việc phối hợp giữa nhà trường và gia đình. Các cô giáo vì thế phải đảm nhiệm thêm vai trò chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của các em như việc xin thuốc, xà phòng để trị bệnh ngoài da.

"Chúng tôi mong sẽ được quan tâm nhiều hơn nữa đến việc xây dựng các chính sách hỗ trợ đặc thù đối với giáo dục vùng khó, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất như phòng học kiên cố, hệ thống lọc nước sạch và nhà vệ sinh đạt chuẩn cho các trường... Đồng thời, có thêm những hỗ trợ cho giáo viên vùng khó, thêm phụ cấp cho những giáo viên công tác tại các khu vực đặc biệt khó khăn" - cô Quang bày tỏ.

 Cơ sở vật chất ở điểm trường bản Tùng Hương (Trường Mầm non Xá Lượng). Ảnh: NVCC.

Cơ sở vật chất ở điểm trường bản Tùng Hương (Trường Mầm non Xá Lượng). Ảnh: NVCC.

Tại xã Cư Amung, huyện EaH'leo, tỉnh Đắk Lắk, Trường Tiểu học Lê Đình Chinh hiện đang gặp tình trạng thiếu phòng học. Đặc biệt, nhu cầu nội trú của học sinh nhà trường rất lớn, song vẫn chưa có phương án giải quyết.

Chia sẻ về những khó khăn nhà trường đang gặp phải, Phó Hiệu trưởng Lê Đình Thành thẳng thắn thừa nhận: “Thực tế, cơ sở vật chất của nhà trường còn quá nhiều hạn chế. Chẳng hạn, nhà vệ sinh hiện tại đã xuống cấp nghiêm trọng.

Nhà trường cũng có kế hoạch sửa chữa, nhưng kinh phí chưa đáp ứng được. Thiếu phòng học, trong khi đó, đồ dùng học tập và thiết bị giảng dạy cũng không đủ chỗ để bảo quản, nhà trường phải tận dụng một căn phòng nhỏ dùng làm kho chứa đồ. Điều kiện như vậy không chỉ gây khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động giảng dạy, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng học tập của các em học sinh”.

Thầy Thành nhấn mạnh thêm: “Do thiếu phòng, nhà trường không thể bố trí các phòng chức năng như phòng Âm nhạc, phòng Mỹ thuật hay phòng Tin học như ở những trường khác. Chúng tôi buộc phải sử dụng chung một phòng đa năng cho tất cả các hoạt động, nhưng không gian chật hẹp, trang thiết bị cũng thiếu thốn.

Dù vậy, giáo viên và học sinh vẫn cố gắng tận dụng mọi điều kiện hiện có để tổ chức các tiết học. Nhưng nếu được đầu tư thêm phòng học, các em sẽ có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với các mô hình giáo dục hiện đại, qua đó nâng cao chất lượng học tập và phát triển toàn diện.”

Bên cạnh đó, vấn đề khu nội trú cũng là nỗi trăn trở lớn của nhà trường: “Hiện tại, trường không có khu nội trú dành cho các em nhà xa. Điều này khiến con đường đến trường của nhiều học sinh trở nên vô cùng gian nan, nhất là vào mùa mưa. Học sinh phải đi bộ từ bản làng đến trường, quãng đường thường từ 3-5km, mà có em nhà xa hơn thì còn khổ cực hơn.

Có những em học sinh phải rời nhà từ lúc 4 giờ rưỡi sáng để kịp vào lớp lúc 7 giờ: “Thời điểm sáng sớm, trời thường rất lạnh, nhất là những tháng cuối năm. Có hôm nhiệt độ xuống dưới 15 độ C, các em co ro trong chiếc áo mỏng, bước chân run rẩy trên con đường lầy lội. Những ngày mưa rét, nhiều em bị tím tái vì lạnh, có em nhìn như muốn lịm đi khi đến trường. Chứng kiến cảnh ấy, không thầy cô nào mà không cảm thấy xót xa... Chỉ mong, sớm có khu nhà ở nội trú để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho các em”.

 Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh chăm chút cho học sinh. Ảnh: NVCC.

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh chăm chút cho học sinh. Ảnh: NVCC.

Vẫn cần những chính sách hỗ trợ cụ thể

Tại xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, những ngày cuối năm, sương mù dày đặc bao phủ, mang theo những cơn gió rét cắt da, cắt thịt, len lỏi qua ô cửa, lùa vào đến từng đôi chân tím tái của những học trò nhỏ nơi vùng khó.

Cô Lê Thị Ngọc Ánh, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Cán Cấu (huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai) chia sẻ: “Hiện tại, nhà trường đang đối mặt với tình trạng thiếu thảm trải sàn các phòng học, điều này ảnh hưởng lớn đến việc giữ ấm cho học sinh, đặc biệt là trong những ngày đông giá rét.

Trường có tổng cộng 14 lớp học, nhưng số lượng thảm trải sàn hiện nay chỉ đủ phục vụ cho 4 lớp, khiến nhiều học sinh phải ngồi học trên nền sàn lạnh. Việc thiếu thốn này không chỉ gây bất tiện mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của các em, nhất là khi nhiệt độ xuống thấp.

Nếu có đủ thảm trải sàn cho tất cả các lớp, điều kiện học tập sẽ được cải thiện đáng kể, giúp các em học sinh ngồi ấm hơn và tập trung hơn vào bài học. Đây là nhu cầu thiết yếu mà nhà trường đang mong mỏi được hỗ trợ để đảm bảo môi trường học đường an toàn và thoải mái hơn cho các em".

Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Cán Cấu cũng cho biết, ngoài sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, đóng góp từ các tổ chức xã hội và doanh nghiệp cũng là giải pháp cần thiết để cải thiện điều kiện học tập cho học sinh vùng khó. Cô Ánh chia sẻ: "Chúng tôi rất mong các chương trình thiện nguyện được tổ chức thường xuyên hơn, không chỉ để cung cấp áo ấm, thảm trải sàn, mà còn hỗ trợ các thiết bị dạy học hiện đại, giúp các em học sinh có cơ hội tiếp cận với những phương pháp giáo dục tiên tiến".

Chia sẻ những khó khăn về cơ sở vật chất tại địa phương, thầy Phan Quốc Thanh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh cũng cho biết: “Hiện tại, huyện vẫn đang đối mặt với một số thách thức. Địa bàn rộng lớn, địa hình phức tạp khiến việc đi lại và vận chuyển hàng hóa hỗ trợ gặp nhiều trở ngại, đặc biệt trong mùa mưa lũ. Thiên tai như lũ lụt, sạt lở đất, hạn hán thường xuyên xảy ra, làm hư hại cơ sở vật chất của các trường học trên địa bàn.

Nhiều trường học trên địa bàn đã xuống cấp trầm trọng. Trang thiết bị dạy học và đồ dùng giáo dục còn thiếu hụt, gây khó khăn trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018”.

Theo thầy Thanh, ngân sách địa phương hạn hẹp, không thể phân bổ hết cho các trường vùng sâu, vùng xa. Trong khi đó, việc xã hội hóa giáo dục cũng gặp trở ngại lớn do mức sống của người dân còn thấp.

 Thầy Phan Quốc Thanh, Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Ảnh: NVCC.

Thầy Phan Quốc Thanh, Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Ảnh: NVCC.

Trước những khó khăn mà các trường học vùng sâu, vùng xa đang phải đối mặt, nhiều giáo viên bày tỏ mong muốn có được sự xã hội hóa giáo dục hiệu quả cùng những chính sách hỗ trợ cụ thể hơn từ các cấp chính quyền.

Tuy nhiên, để việc xã hội hóa giáo dục thực sự hiệu quả, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hương Khê cho rằng, cần phải có một cơ chế rõ ràng hơn trong việc kêu gọi và sử dụng nguồn lực xã hội. Vị Trưởng phòng đề xuất: "Hiện tại, việc huy động tài trợ cho các trường vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn do mức sống của người dân thấp. Nếu có thể tạo ra một khoản đóng góp chung hoặc có cơ chế minh bạch để kết nối các nhà tài trợ, tôi tin rằng chúng ta sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ hơn từ cộng đồng".

Anh Tú

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-hoc-thieu-nuoc-sach-tham-giu-am-giao-vien-phai-dot-cui-suoi-am-cho-tre-post248074.gd