Trường học Trung Quốc khuyến khích học sinh vừa nhảy vừa... đọc sách

Nhiều trường trung học ở Trung Quốc đã triển khai hoạt động 'đọc sách buổi sáng đầy hứng khởi', trong đó học sinh vừa lắc lư, vung tay vừa đọc sách để cải thiện trí nhớ và tinh thần, giữa áp lực thi đại học ngày càng khốc liệt.

Học sinh tại Trung Quốc thực hiện chương trình học có tên “đọc sách buổi sáng đầy đam mê”. Ảnh: QQ.com

Học sinh tại Trung Quốc thực hiện chương trình học có tên “đọc sách buổi sáng đầy đam mê”. Ảnh: QQ.com

Học sinh nhảy múa khi đọc sách

Trong những đoạn video lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc gần đây, hàng trăm học sinh trung học lắc lư, vung tay mạnh mẽ, miệng đọc vang sách giáo khoa giữa sân trường.

Đó không phải là một hoạt động thể dục buổi sáng hay biểu diễn văn nghệ, mà là một phần của chương trình học có tên “đọc sách buổi sáng đầy đam mê”, một phương pháp được nhiều trường học ở Trung Quốc áp dụng để giảm căng thẳng học đường và tăng hiệu quả ghi nhớ.

Một số trường còn yêu cầu học sinh phải đọc to khi học, kể cả khi đứng yên tại chỗ. Buổi đọc sách này thường kéo dài khoảng 30 phút, diễn ra vào đầu ngày. Với một số trường, hoạt động bắt đầu từ lúc 6 giờ sáng.

Theo các trường áp dụng phương pháp này, việc kết hợp vận động cơ thể khi đọc giúp “kích hoạt não bộ”, nâng cao tinh thần, cải thiện khả năng ghi nhớ và sự tự tin.

Một trường trung học ở tỉnh Quý Châu cho biết họ tổ chức hoạt động này mỗi ngày, như một phần không thể thiếu trong đời sống học sinh. Một trường khác ở tỉnh Sơn Đông còn yêu cầu học sinh đọc cả sách tiếng Trung và tiếng Anh bằng tất cả đam mê.

Một số học sinh thừa nhận hoạt động này giúp họ tỉnh táo và nhớ bài tốt hơn. “Việc di chuyển cơ thể khi đọc thực sự hữu ích với các văn bản khó”, một bình luận trên mạng xã hội viết.

Tuy nhiên, cũng có những phản hồi tiêu cực. Một cựu học sinh kể lại cô từng bị ép đọc to tới mức khản giọng: “Giáo viên bắt chúng tôi hét lên, làm hỏng giọng nói của tôi”.

Không ít người bày tỏ nghi ngờ về hiệu quả thực sự: “Làm sao có thể đọc được khi cứ nhảy điên cuồng như thế này?”, một người dùng Weibo đặt câu hỏi.

Phương pháp đọc này đã dẫn đến những cảnh tượng ồn ào trong các lớp học trên khắp Trung Quốc. Ảnh: QQ.com

Phương pháp đọc này đã dẫn đến những cảnh tượng ồn ào trong các lớp học trên khắp Trung Quốc. Ảnh: QQ.com

Gánh nặng mang tên "Cao khảo"

Bối cảnh thúc đẩy các trường đưa ra những biện pháp “kỳ lạ” như vậy là kỳ thi đại học quốc gia Trung Quốc, còn gọi là cao khảo, một trong những kỳ thi khốc liệt nhất thế giới.

Năm 2025, Trung Quốc có 13,35 triệu học sinh tham dự kỳ thi này, con số chỉ giảm nhẹ so với kỷ lục 13,42 triệu năm trước. Từ năm 2019, số lượng thí sinh dự thi đã liên tục vượt ngưỡng 10 triệu người mỗi năm.

Nhiều gia đình và học sinh ở Trung Quốc tin rằng cao khảo là con đường gần như duy nhất để đổi đời, khiến cho áp lực đè nặng lên vai học sinh cấp ba ngày càng khủng khiếp.

Để “sống sót”, nhiều trường trung học đã áp dụng phong cách đào tạo khắc nghiệt, tiêu biểu là “chế độ Hành Thủy” do Trường trung học Hengshui, tỉnh Hà Bắc khởi xướng. Tại đây, học sinh học tới 16 tiếng mỗi ngày, ăn trưa trong 15 phút, chỉ được tắm hai lần mỗi tuần, tất cả nhằm tiết kiệm thời gian để học.

Tuy không rõ xu hướng “đọc sách nhảy múa” bắt đầu từ đâu, một số báo cáo sớm nhất của hoạt động xuất hiện từ năm 2021, khi một trường học ở Thiểm Tây cho biết học sinh tự phát triển phương pháp này rồi lan rộng.

Nhưng khi phương pháp “đầy đam mê” ấy trở thành quy chuẩn, nỗi lo lại nằm ở ranh giới giữa việc khuyến khích sáng tạo và áp đặt kỷ luật.

KHÁNH MY

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/doi-song/truong-hoc-trung-quoc-khuyen-khich-hoc-sinh-vua-nhay-vua-doc-sach-148867.html