Trường học vi mô - lựa chọn mới của học sinh Mỹ

Mô hình trường học vi mô phản ánh sự quan tâm của phụ huynh Mỹ dành cho các phương pháp giáo dục phi truyền thống.

Học sinh trường vi mô được đào tạo theo hướng cá nhân hóa. Ảnh: INT

Học sinh trường vi mô được đào tạo theo hướng cá nhân hóa. Ảnh: INT

Tại trường học vi mô, học sinh được phát triển năng lực theo hướng cá nhân hóa.

Trường có 6 học sinh

Khi Nathanael, sống tại thành phố Atlanta, bang Georgia, học mẫu giáo, cậu bé đã nói với mẹ mình, Diana Lopez, rằng em không muốn quay lại trường vì bị cô giáo quát mắng. Mỗi khi chị Lopez đón con ở trường về, Nathanael đều khóc òa lên.

Hiện nay, các trường vi mô tích hợp công nghệ, phương pháp sư phạm hiện đại và cá nhân hóa. Vì số lượng học sinh ít nên trường xây dựng một nhóm học tập gắn kết chặt chẽ. Giáo viên có thể điều chỉnh phương pháp giảng dạy, tốc độ giảng dạy theo nhu cầu và tốc độ học tập riêng của từng học sinh. Điều này khó có thể thực hiện trong môi trường lớp học lớn hơn, truyền thống hơn.

Chị Lopez kể Nathanael mắc chứng tự kỷ nên trong một lớp 25 học sinh, giáo viên khó có thể chăm lo cho cậu bé. Mùa Hè này, Nathanael, 7 tuổi, chuyển đến một ngôi trường mới chỉ có 6 học sinh. Cậu bé đã trở nên vui vẻ, hoạt bát hơn.

Ngôi trường Nathanael theo học có tên Kingdom Seed Christian, là loại hình trường tư thục vi mô (microschool) với số lượng học sinh toàn trường ít hơn số học sinh một lớp của trường công lập.

Số học sinh trung bình là 16 người. Mô hình giáo dục siêu nhỏ như vậy ngày càng trở nên phổ biến và phần lớn không thuộc sự quản lý của chính quyền địa phương. Mức học phí dao động từ 5 – 10 nghìn USD mỗi năm.

Trường học siêu nhỏ từng xuất hiện trong lịch sử Mỹ. Những trường này thường nằm ở vùng nông thôn, nơi điều kiện xây dựng trường học gặp nhiều khó khăn. Học sinh đến từ nhiều độ tuổi khác nhau sẽ ngồi học cùng một lớp trong khi bố mẹ bận rộn làm đồng.

Mô hình này hiện phát triển trở lại nhờ 2 xu hướng. Từ khi đại dịch Covid-19 làm gián đoạn việc học, nhiều phụ huynh đã suy nghĩ lại về việc giáo dục con cái và cởi mở với các lựa chọn phi truyền thống. Cùng với đó, các nhà lập pháp, chính trị gia đảng Cộng hòa cũng ủng hộ quyền lựa chọn trường tư thục. Họ quyên góp, đầu tư tiền cho các trường học vi mô trên khắp cả nước.

Hầu hết học sinh trường vi mô được đăng ký với chính quyền bang là học sinh học tại nhà. Một số hệ thống trường siêu nhỏ mới, như Trường Kingdom Seed Christian, hoạt động giống như một ngôi trường tư thục có nhiều trang thiết bị vật chất.

Trường vi mô mở cửa 4 – 5 ngày mỗi tuần, có giáo viên toàn thời gian, chương trình giảng dạy cố định và đôi khi có bài kiểm tra chuẩn hóa. Trung tâm Microschooling quốc gia Mỹ ước tính có 95 nghìn trường học vi mô và nhóm học tại nhà trên toàn quốc, phục vụ hơn một triệu học sinh Mỹ.

Trong năm học 2023 – 2024, khoảng 1/3 số trường được nhận tài trợ công của chính phủ như một chính sách phát triển giáo dục.

Giáo dục phi truyền thống

Sự gia tăng các trường vi mô nhấn mạnh mối quan tâm ngày càng tăng trong phụ huynh về các phương pháp giáo dục phi truyền thống. Đối với nhiều người, sức hấp dẫn của trường vi mô không chỉ nằm ở quy mô, mà còn ở tiềm năng cung cấp giáo dục một cách toàn diện hơn. Trong đó, các trường lấy học sinh làm trung tâm, coi trọng sự sáng tạo, tư duy phản biện và sức khỏe cảm xúc bên cạnh thành tích học tập.

Đi sâu vào xu hướng giáo dục vi mô, các chuyên gia nhận định đây không chỉ là phản ứng tạm thời sau dịch Covid-19, mà còn là sự thay đổi đáng kể, có khả năng kéo dài trong bối cảnh giáo dục Mỹ. Sự gia tăng trường vi mô là cách hình dung lại về hình ảnh của trường học trong thế kỷ 21 gồm lựa chọn học tập linh hoạt, cá nhân hóa.

Bất kỳ ai cũng có thể mở một trường học vi mô nhưng 2/3 số người sáng lập các trường là giáo viên có chứng chỉ hành nghề. Chương trình giảng dạy của từng trường là khác nhau, phụ thuộc vào triết lí giáo dục của họ.

Có trường dạy theo Kinh Thánh cũng có trường chuyên dạy về khoa học. Hầu hết các trường có một phòng, có thể thuê địa điểm ở hội trường nhà thờ, mặt tiền cửa hàng hoặc tổ chức tại nhà giáo viên.

Lấy ví dụ Trường Kingdom Seed Christian do cô giáo Desiree McGee-Greene thành lập vào tháng 8/2023 tại ngôi nhà ở ngoại ô thành phố Alanta, nơi cô sống cùng bố mẹ, chồng và con trai. Phòng khách của gia đình đã chuyển thành một lớp học vui tươi với những bức tường được trang trí bằng chữ cái, số và tranh vẽ.

Vào một buổi sáng đầy nắng, Nathanael cùng 3 bạn học, từ 5 – 7 tuổi, ngồi trên thảm và học về lịch sử Kinh Thánh. Theo Trung tâm Microschooling quốc gia, khoảng 1/4 trường học vi mô dựa trên đức tin.

Sau khi học sinh học Kinh Thánh và học đếm bằng tiếng Pháp, chồng của cô Desiree, một cựu giáo viên, sẽ dạy toán và khoa học. Ngoài giờ học, các em ra ngoài sân vui chơi, vẽ tranh và học về tự nhiên.

Học phí một tháng của trường là 500 USD. Ngoài ra, cô Desiree còn mở lớp đào tạo cho giáo viên muốn mở trường học vi mô và xây dựng kênh podcast chia sẻ kinh nghiệm. Cô cũng bán chương trình giảng dạy của mình.

 Một trường học vi mô tại bang Utah, Mỹ. Ảnh: ITN

Một trường học vi mô tại bang Utah, Mỹ. Ảnh: ITN

Sự quan tâm cần thiết

Những người sáng lập trường vi mô có nhiều nguồn thu nhập bên ngoài vì mức lương không đủ cạnh tranh. Mức lương trung bình của giáo viên bang Georgia năm 2023 là 68 nghìn USD.

Còn một trường vi mô trung bình thu phí 7 nghìn USD mỗi năm cho một học sinh và thường có 7 học sinh. Tính thêm việc thuê địa điểm, vật tư và các chi phí khác, mức lương của giáo viên trường vi mô thấp hơn so với mức trung bình.

Dù vậy, nhiều người cho biết họ sẵn sàng đánh đổi thu nhập để lấy quyền tự chủ và thể hiện đam mê. Cô Marisa Chambers, người điều hành Trường Cơ đốc Tri-Cities, một trường học vi mô nằm ở phía Nam Atlanta, đã thôi quản lý trường công từ năm 2019.

Một phần vì cô thất vọng với tình trạng giáo dục dành cho học sinh khuyết tật trong hệ thống giáo dục công lập. Nhiều em chậm tiến bộ về mặt học tập trong nhiều năm và nếu không được quan tâm, chú ý hơn trong lớp học, cô nghĩ rằng các em không thể theo kịp chương trình. Do đó, Marisa thành lập một ngôi trường nhỏ, tập trung cho giáo dục đặc biệt.

Alan, 12 tuổi, lần đầu gặp cô Chambers khi còn học mẫu giáo tại ngôi trường công lập mà cô từng làm việc. Cậu bé sống khép kín, được chẩn đoán mắc hội chứng câm có chọn lọc. Khi bố mẹ đến đón, họ thường thấy con trai ngồi tách biệt với bạn bè.

Khi cô Chambers mở trường vi mô, Alan chuyển sang học cùng với 5 bạn khác. Đến nay, cậu bé có thể trò chuyện dễ dàng với những người lạ. “Cháu thực sự thích ngôi trường này. Cháu có thể học hỏi thêm ở đây”, Alan nói.

Khi mô hình trường vi mô phát triển, chính quyền một số bang đã có những chính sách hỗ trợ. Các trường có thể nhận nguồn tài trợ công của chính phủ nếu tham gia các bài kiểm tra chất lượng hàng năm về Toán và Tiếng Anh; tuyển dụng ít nhất một giáo viên được cấp chứng chỉ.

Những người ủng hộ cho rằng mô hình này đem lại cho học sinh và phụ huynh lịch trình linh hoạt, thời gian và sự quan tâm của giáo viên, những điều họ không nhận được trong môi trường học tập truyền thống. Đơn cử, những học sinh đặc biệt như học sinh có năng khiếu, học sinh khuyết tật học tập có cơ hội phát triển về mặt học thuật và xã hội tốt hơn tại các trường học quy mô nhỏ.

Tại Học viện Sphinx, trường vi mô tại thành phố Lexington, bang Kentucky, hầu hết 24 học sinh đều có năng khiếu ở một lĩnh vực nhưng mắc một hoặc nhiều khuyết tật học tập như rối loạn tăng động, giảm chú ý (ADHD), chứng khó đọc...

Đặc biệt, các trường học nhỏ có thể cung cấp cho một số trẻ em gặp vấn đề về sức khỏe thể chất hoặc tinh thần phương pháp học tập dễ dàng hơn so với các trường học truyền thống.

 Trường học vi mô phát triển trong dịch Covid-19. Ảnh: INT

Trường học vi mô phát triển trong dịch Covid-19. Ảnh: INT

Đảm bảo chất lượng giáo dục

Học viện Sphinx là trường vi mô được công nhận trên toàn quốc và có chứng nhận của bang Kentucky. Nhưng trường là một ngoại lệ trong số các trường vi mô. Nhiều trường hoạt động không chính thức, có thể do một nhóm phụ huynh tập hợp lại để giáo dục con cái của họ. Do hầu hết các trường học vi mô không có cơ quan quản lý nên nhiều chuyên gia lo ngại là không có biện pháp đảm bảo chất lượng giáo dục cho trẻ em.

Ngoài ra, không có khuôn khổ thống nhất về chương trình giảng dạy và đánh giá cho các trường vi mô. Do đó, rất khó để đo lường và so sánh hiệu quả giáo dục của trường học nhỏ với các mô hình giáo dục truyền thống hơn.

Một trong những vấn đề cấp bách nhất là thiếu cơ quan quản lý tập trung chuyên giám sát các trường học vi mô. Sự thiếu hụt này khiến việc duy trì các tiêu chuẩn giáo dục thống nhất trên diện rộng trở nên khó khăn. Hơn nữa, nhiều trường vi mô không được công nhận nên học sinh sẽ gặp khó khăn khi chuyển sang trường khác hoặc học lên cao hơn.

Nhìn chung, mô hình trường học vi mô đại diện cho một khía cạnh quan trọng và đang phát triển của bối cảnh giáo dục Mỹ. Khi phát triển và cải tiến, các trường học nhỏ có tiềm năng không chỉ lấp đầy khoảng trống trong hệ thống hiện tại, mà còn truyền cảm hứng cho những cách suy nghĩ mới về giáo dục trong thế kỷ 21.

Hiệu trưởng Jennifer Lincoln cho biết: “Có giáo dục dành cho người có năng khiếu và giáo dục đặc biệt nhưng không có nhiều nguồn lực dành cho học sinh có sự chồng chéo giữa hai loại hình này. Nhưng quy mô lớp học nhỏ và giảng dạy cá nhân tại Học viện Sphinx cho phép học sinh có trình độ khác nhau ở các môn học khác nhau nhận được sự quan tâm cần thiết”.

Phạm Khánh (TH)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truong-hoc-vi-mo-lua-chon-moi-cua-hoc-sinh-my-post693224.html