Trường hợp cần khám tim mạch hậu Covid-19
Ngay cả khi hồi phục sau Covid-19 với diễn biến nhẹ, người bệnh vẫn có thể đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn. Vậy tôi nên theo dõi những triệu chứng nào của cơ thể?
Ngay cả khi hồi phục sau Covid-19 với diễn biến nhẹ, người bệnh vẫn có thể đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn. Vậy tôi nên theo dõi những triệu chứng nào của cơ thể và khi nào cần đi khám?
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Dũng, khoa Nội Tim mạch (A2A), Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
Mệt mỏi là triệu chứng thường gặp nhất. Ngoài ra, người hồi phục sau mắc Covid-19 có thể biểu hiện khó thở, đau ngực, hồi hộp trống ngực. Tuy nhiên, các triệu chứng này không đặc hiệu, có thể liên quan rối loạn tim mạch hoặc do yếu tố khác như hạn chế vận động trong thời gian mắc Covid-19.
Sau khi mắc Covid-19, bạn có thể thấy tim đập nhanh hoặc đánh trống ngực. Triệu chứng của nhịp tim nhanh hoặc không đều bao gồm:
- Cảm thấy tim đập nhanh, đánh trống ngực, khó chịu ở ngực.
- Cảm thấy lâng lâng hoặc chóng mặt, đặc biệt là khi đứng.
Những người đang hồi phục sau khi mắc Covid-19 đôi khi xuất hiện các triệu chứng của một tình trạng được gọi là POTS (hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng). Cụ thể, người bệnh có thể xuất hiện tình trạng nhịp tim nhanh khi đứng lên, dẫn đến sương mù não, mệt mỏi, đánh trống ngực, choáng váng và các triệu chứng khác.
Trường hợp cần khám tim mạch hậu Covid-19:
Nếu thấy khó thở kèm nồng độ Sp02 thấp (dưới 92%), người bệnh cần chú ý. Tuy nhiên, có trường hợp người bệnh bị hụt hơi khi gắng sức vì đã một thời gian dài không hoạt động thể lực do nhiễm nCoV.
Ngoài ra, bạn bị đau ngực dữ dội, đặc biệt đau dai dẳng kèm cảm giác buồn nôn, khó thở hoặc choáng váng. Đây có thể là các triệu chứng của cơn đau tim. Nếu đau ngực khi hít vào, có thể do viêm phổi. Trường hợp đau ngực dữ dội, đột ngột có thể do thuyên tắc phổi.
Trường hợp cuối cùng là suy tim, khá hiếm gặp. Nếu bị khó thở hoặc phù chân, người bệnh cần đi khám xem có suy tim không. Các triệu chứng của suy tim bao gồm khó thở, đặc biệt khi gắng sức; khó thở khi nằm, mệt mỏi; phù chân, tiểu đêm nhiều,…
Tác động của coronavirus đối với bệnh tim mạch chưa được biết đến một cách đầy đủ. Vì vậy, chúng ta vẫn còn rất nhiều điều để tìm hiểu, nghiên cứu về những ảnh hưởng lâu dài đến tim ở những người đã từng bị Covid-19.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/truong-hop-can-kham-tim-mach-hau-covid-19-post1308157.html