Trường hợp nào khi gặp đèn xanh nhưng người tham gia giao thông vẫn phải dừng lại?

Theo quy định mới nhất trường hợp nào khi gặp đèn xanh nhưng người tham gia giao thông phải dừng lại.

Từ ngày 1-1-2025, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ năm 2024 chính thức có hiệu lực.

Tuy nhiên, quy định tại khoản 4 Điều 11 dưới đây khiến nhiều người hoang rằng thời điểm nào thì khi gặp đèn tín hiệu màu xanh nhưng người tham gia giao thông phải dừng lại?

 Từ 1-1, người tham gia giao thông lưu ý trường hợp khi gặp đèn xanh nhưng vẫn phải dừng lại. Ảnh: PHI HÙNG

Từ 1-1, người tham gia giao thông lưu ý trường hợp khi gặp đèn xanh nhưng vẫn phải dừng lại. Ảnh: PHI HÙNG

“Điều 11. Chấp hành báo hiệu đường bộ

4. Tín hiệu đèn giao thông có 03 màu, gồm: màu xanh, màu vàng, màu đỏ; có hiển thị thời gian hoặc không hiển thị thời gian. Người tham gia giao thông đường bộ phải chấp hành như sau:

a) Tín hiệu đèn màu xanh là được đi; trường hợp người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang đi ở lòng đường, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường;

b) Tín hiệu đèn màu vàng phải dừng lại trước vạch dừng; trường hợp đang đi trên vạch dừng hoặc đã đi qua vạch dừng mà tín hiệu đèn màu vàng thì được đi tiếp; trường hợp tín hiệu đèn màu vàng nhấp nháy, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ được đi nhưng phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường hoặc các phương tiện khác;

c) Tín hiệu đèn màu đỏ là cấm đi.

…”

Trao đổi với PLO, Luật sư Đoàn Thị Hồng Linh, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết theo quy định ở trên không phải mọi trường hợp có tín hiệu đèn màu xanh là được đi.

“Khi gặp tín hiệu đèn màu xanh nhưng có người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang đi ở lòng đường, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường. Quy định này được áp dụng tương tự trong trường hợp tín hiệu đèn màu vàng nhấp nháy”- Luật sư Hồng Linh cho hay.

Cũng theo Luật sư Hồng Linh, người điều khiển phương tiện giao thông dừng xe trong những trường hợp nêu trên không bị xem là vi phạm giao thông đối với hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.

THY NHUNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/truong-hop-nao-khi-gap-den-xanh-nhung-nguoi-tham-gia-giao-thong-van-phai-dung-lai-post828157.html