Trường hợp nào phải làm thủ tục bãi nhiệm đại biểu HĐND?

Ông Lê Thanh (Quảng Nam) hỏi, Phó Chủ tịch HĐND xã bị kết án tù thì có phải tổ chức họp HĐND xã để bãi nhiệm đại biểu HĐND và có ra quyết định buộc thôi việc không hay đương nhiên cán bộ đó bị mất quyền đại biểu và thôi giữ chức danh bầu cử?

Về vấn đề này, Bộ Nội vụ trả lời như sau:

Khoản 3, Khoản 4 Điều 101 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định: “Đại biểu HĐND bị kết tội bằng bản án, quyết định của Tòa án thì đương nhiên mất quyền đại biểu HĐND kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật; Đại biểu HĐND đã thôi làm nhiệm vụ đại biểu hoặc bị mất quyền đại biểu thì đương nhiên thôi đảm nhiệm các chức vụ trong Thường trực HĐND, Ban của HĐND”.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức năm 2019 cũng đã quy định: “Cán bộ phạm tội bị tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm; trường hợp bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị kết án về tội tham nhũng thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật”.

Trên cơ sở đó, đơn vị có liên quan vẫn phải làm các thủ tục để bãi nhiệm và buộc thôi việc đối với trường hợp nêu trên theo quy định.

Chinhphu.vn

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/tra-loi-cong-dan/truong-hop-nao-phai-lam-thu-tuc-bai-nhiem-dai-bieu-hdnd/412645.vgp