Trường hợp người cho vay nặng lãi có quyền làm đơn khởi kiện đòi lại tiền khi người đi vay vi phạm nghĩa vụ trả nợ

Bạn đọc hỏi: Năm 2019, tôi cho người bạn vay 100 triệu đồng và thỏa thuận miệng lãi suất 4.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. Bạn tôi trả được 2 tháng thì dừng và suốt từ đó đến nay không trả thêm đồng nào. Tôi liên tục đòi và mới đây, bạn tôi không những không trả mà quay sang tố cáo tôi cho vay lãi nặng. Cơ quan công an làm việc, xác minh tài khoản cá nhân của tôi có thể hiện việc bạn tôi trả lãi số tiền 4.000 đồng/1 triệu đồng/ngày trong 2 tháng. Xin hỏi, hành vi của tôi sẽ bị xử lý ra sao? Tôi phải làm gì và cần chứng minh thế nào để bạn tôi trả tiền? Nguyễn Văn Phong (Hà Nội)

Luật sư Đỗ Thị Ánh Tuyết trả lời:

Luật sư Đỗ Thị Ánh Tuyết (Công ty Luật TNHH Lưu Đại Nghĩa; Địa chỉ: P801 - Tòa B11C, Nam Trung Yên, Nguyễn Chánh, Cầu Giấy, Hà Nội)

Luật sư Đỗ Thị Ánh Tuyết (Công ty Luật TNHH Lưu Đại Nghĩa; Địa chỉ: P801 - Tòa B11C, Nam Trung Yên, Nguyễn Chánh, Cầu Giấy, Hà Nội)

Trước hết, theo chúng tôi, thỏa thuận cho nhau vay tiền với lãi suất 4.000 đồng/1 triệu đồng/ngày là thỏa thuận vi phạm quy định của pháp luật về lãi suất, được quy định tại khoản 1, Điều 468 - Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể, điều luật này quy định: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”.

Đối với trường hợp của bạn, lãi suất mà hai bên thỏa thuận là 4.000 đồng/1 triệu đồng/ngày x 100 triệu đồng x 30 ngày = 12 triệu đồng/tháng. Một năm 12 tháng, lãi suất là 144 triệu đồng, tương đương 144%. Trong khi đó, theo quy định tại khoản 1, Điều 468 - Bộ luật Dân sự 2015 thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/ năm của khoản tiền vay. Thứ hai là mức lãi suất bạn cho vay đã vi phạm quy định tại Điều 201 - Bộ luật Hình sự về tội “Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự”. Theo quy định tại khoản 1, Điều 201 - Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017), người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Tuy nhiên, hành vi của bạn sẽ bị xử lý về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” phải hội tụ đủ 2 điều kiện bắt buộc. Đó là mức lãi suất cho vay phải gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ Luật Dân sự và số tiền thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.

Việc cho vay tiền với lãi suất vượt mức quy định của pháp luật sẽ bị xử lý hình sự (Ảnh minh họa)

Việc cho vay tiền với lãi suất vượt mức quy định của pháp luật sẽ bị xử lý hình sự (Ảnh minh họa)

Xét thấy mức lãi suất bạn cho vay vượt quá 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự nên đã vi phạm về mức lãi suất quy định tại Điều 201 - Bộ luật Hình sự. Nếu bạn chưa bị xử phạt vi phạm hành chính lần nào về hành vi cho vay lãi nặng thì bạn cần xem xét đến số tiền thu lợi bất chính trong giao dịch của bạn. Và đây là yếu tố quan trọng nhất, mang tính quyết định để xác định bạn có phạm tội “Cho vay lãi nặng trong giao địch dân sự”, được quy định tại Điều 201 - Bộ luật Hình sự hay không.

Thứ ba, cần phải xác định số tiền thu lợi bất chính đối với từng trường hợp cụ thể. Tại phần câu hỏi, bạn không nêu rõ việc bạn cho vay 100 triệu có lập văn bản hay không? Tại văn bản có thỏa thuận về thời hạn vay hay không? Trong trường hợp không thỏa thuận tại văn bản, phía cơ quan Công an sẽ làm rõ nội dung này bằng việc đặt câu hỏi với bạn và với người bạn của bạn. Cơ quan Công an sẽ làm rõ thời hạn vay có tương ứng với thỏa thuận về thời hạn trả lãi suất hay không để xác định số tiền thu lợi bất chính. Việc xác định số tiền thu lợi bất chính quy định tại khoản 1, Điều 201 - Bộ luật Hình sự là 30 triệu đồng trở lên và theo hướng dẫn tại Điều 6 - Nghị quyết 01/2021/NQ (Nghị quyết hướng dẫn áp dụng Điều 201 Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án Hình sự về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự) thì có 3 trường hợp chú ý.

Trường hợp thứ nhất, cho vay lãi nặng đã hết thời hạn vay theo thỏa thuận thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay phải trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự trong cả kỳ hạn vay. Trên cơ sở số tiền lãi suất bạn thu: 12.000.000 đồng/tháng - số tiền tối đa theo quy định của Bộ luật Dân sự là 8.350.000 đồng (5x20% của 100 triệu đồng/12 tháng) = 3.650.000 đồng là tiền thu lợi bất chính của 1 tháng. Đối với trường hợp này, nếu bạn thỏa thuận thời hạn vay và thời hạn trả lãi suất tiền vay từ 9 tháng trở lên thì số tiền thu lợi bất chính của bạn sẽ trên 30 triệu đồng và bạn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội quy định tại Điều 201 - Bộ luật Hình sự.

Trường hợp thứ hai, cho vay lãi nặng chưa hết thời hạn vay theo thỏa thuận mà bị phát hiện thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay phải trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự tính đến thời điểm cơ quan có thẩm quyền phát hiện và ngăn chặn. Đối với trường hợp này bạn xác định lại thời điểm Cơ quan công an gọi bạn lên có nằm trong tháng thứ 8 trở về trước, kể từ thời điểm bạn cho vay hay không. Nếu nằm trong tháng thứ 8 trở về trước thì xác định tiền thu lợi bất chính của bạn không vượt quá 30 triệu đồng.

Trường hợp thứ ba, bên vay đã trả tiền lãi trước hạn và các khoản thu trái pháp luật khác thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm: tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay thực tế đã trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Trường hợp người bạn của bạn đã trả tiền lãi trước thời hạn thỏa thuận 2 tháng tiền lãi, vì vậy số tiền thu lợi bất chính của bạn là 7.300.000 đồng. Trường hợp này bạn không bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Điều 201 - Bộ luật Hình sự.

Thứ tư, bạn sẽ không bị xử lý hình sự nếu cơ quan Công an xác định số tiền thu lợi bất chính không đủ 30 triệu đồng. Khi đó bạn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 10 đến 20 triệu đồng, theo quy định tại điểm đ, khoản 4, Điều 12 - Nghị định 144/2021/ NĐ- CP (Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Phòng, chống tệ nạn xã hội; Phòng cháy, chữa cháy; Cứu nạn, cứu hộ; Phòng, chống bạo lực gia đình).

Sau cùng là để đòi lại tiền cho vay, bạn có quyền khởi kiện tới tòa án nhân dân (nơi người kia đang cư trú) yêu cầu trả lại số tiền 100 triệu đồng và lãi suất theo quy định của pháp luật. Khi gửi đơn khởi kiện tới tòa án, bạn cần chuẩn bị các tài liệu, chứng cứ chứng minh yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ và hợp pháp như: Bản sao công chứng căn cước công dân của bạn, bản sao công chứng sổ hộ khẩu, bản sao căn cước của người bạn kia… Hợp đồng cho vay 100 triệu đồng. Trường hợp không xác lập bằng văn bản, bạn có thể in các tài liệu chứng minh có việc cho vay này như tin nhắn Zalo, tin nhắn điện thoại, cuộc ghi âm hay tài liệu sao kê tài khoản của ngân hàng mà chính Cơ quan Công an đang dùng làm tài liệu làm việc với bạn... Đối với số tiền 100 triệu đồng hoàn toàn có cơ sở để tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bạn. Nhưng đối với phần lãi suất, tòa án sẽ chỉ chấp nhận để người bạn kia trả bạn phần lãi suất tối đa 20%/ năm của khoản tiền vay theo quy định tại khoản 1, Điều 468 - Bộ luật Dân sự 2015 về lãi suất.

Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật xin mời gửi thư đến tòa soạn, địa chỉ số 82 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc gọi điện đến Đường dây nóng: (024)39426618; 0903289922; hoặc hòm thư điện tử: bandoc@anninhthudo.vn.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/truong-hop-nguoi-cho-vay-nang-lai-co-quyen-lam-don-khoi-kien-doi-lai-tien-khi-nguoi-di-vay-vi-pham-nghia-vu-tra-no-post540496.antd