Trương Khánh Linh – Người viết tuổi trẻ bằng những lần cho đi

'Nếu một ngày mình không còn nữa, mình vẫn muốn những gì thuộc về cơ thể mình có thể tiếp tục sống trong ai đó khác' – đó là quan điểm sống mà Trương Khánh Linh, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, luôn giữ trong tim. Ở tuổi 20, Linh đã 5 lần hiến máu, đăng ký hiến tạng và tham gia hoạt động thiện nguyện tới các em nhỏ vùng cao. Một tuổi trẻ sống đầy lý tưởng và yêu thương.

Khi tuổi 18 không chỉ là mốc trưởng thành

Sinh năm 2005 tại Hà Nội, Trương Khánh Linh hiện là sinh viên năm 2 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ở tuổi mà nhiều bạn trẻ vẫn đang mải mê khám phá thế giới, Linh lại chọn cho mình một cột mốc trưởng thành khác biệt: đăng ký hiến tặng mô/tạng sau khi qua đời. “Mình không biết mình sẽ sống bao lâu, nhưng mình biết chắc mình muốn sống có ích. Nếu sau này không còn nữa, những gì còn lại vẫn có thể tiếp tục hành trình của sự sống.”

Phiếu đăng ký hiến tặng mô/tạng mà Linh rất trân trọng.

Phiếu đăng ký hiến tặng mô/tạng mà Linh rất trân trọng.

Quyết định ấy đến sau nhiều đêm Linh đọc tin tức về những bệnh nhân cần ghép tạng nhưng không kịp nhận được nguồn hiến phù hợp. Suy nghĩ ban đầu chỉ là trăn trở. Rồi cô gái ấy tìm hiểu, đọc thêm tài liệu, trò chuyện với người từng đăng ký hiến tạng trước đó. Và cuối cùng, Linh chọn ký tên vào đơn đăng ký, như một lời cam kết thầm lặng với cuộc đời.

5 lần hiến máu và những chuyến đi sẻ chia yêu thương

Không dừng lại ở quyết định hiến tạng, Linh còn đều đặn tham gia các đợt hiến máu tình nguyện. Tính đến hiện tại, 5 lần cho máu là 5 lần cô gái trẻ âm thầm góp phần cứu sống những bệnh nhân xa lạ. “Hiến máu không đau như nhiều người nghĩ. Cảm giác khi rời khỏi điểm hiến máu là sự nhẹ nhõm, hạnh phúc, và đầy biết ơn vì mình còn khỏe mạnh để làm điều ấy.”

Cứ đều đặn 3 tháng một lần trong hơn một năm nay, Linh đều tham gia hiến máu cứu người.

Cứ đều đặn 3 tháng một lần trong hơn một năm nay, Linh đều tham gia hiến máu cứu người.

Ngoài những lần hiến máu, Linh còn chăm chỉ tham gia các hoạt động thiện nguyện khác như quyên góp quần áo, sách vở, vật dụng cá nhân cho các em nhỏ vùng cao. Linh tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện do các phong trào tổ chức. Mỗi lần tham gia là mỗi lần Linh được đặt chân đến những vùng đất mới, tiếp xúc với những con người mới khiến cô gái trẻ đất Hà Thành luôn nhớ nhung kí ức đó.

Linh chia sẻ: “Thiện nguyện không phải để chứng tỏ mình giàu hơn người khác mà là để tìm thấy mình sau mỗi chuyến đi.”

Linh chia sẻ: “Thiện nguyện không phải để chứng tỏ mình giàu hơn người khác mà là để tìm thấy mình sau mỗi chuyến đi.”

Sống đẹp và ước mơ làm báo tử tế

Không chỉ nổi bật bởi những nghĩa cử đẹp, Trương Khánh Linh còn là sinh viên có thành tích học tập tốt. Ngay trong học kỳ đầu tiên tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Linh đã giành được học bổng khuyến khích học tập – phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng.

Cô gái nhỏ chia sẻ: “Làm báo là nghề giúp mình kể lại những điều đẹp đẽ, và mình muốn trở thành một người viết tử tế, viết những câu chuyện có sức sống, có lòng tin.”

Cô gái nhỏ chia sẻ: “Làm báo là nghề giúp mình kể lại những điều đẹp đẽ, và mình muốn trở thành một người viết tử tế, viết những câu chuyện có sức sống, có lòng tin.”

Đó cũng là lý do vì sao Linh luôn chủ động tham gia các hoạt động ngoại khóa, chiến dịch truyền thông sinh viên, các lớp học kỹ năng. Linh hiểu rằng, để trở thành một nhà báo nhân văn, cần phải sống thật, cảm thật – và bắt đầu từ những điều giản dị nhất.

Sống là để cho đi, không chỉ để nhận về

Ở Trương Khánh Linh, người ta không chỉ thấy một cô sinh viên năng động, mà còn là một tâm hồn chín chắn hơn tuổi. Linh luôn nhắc đi nhắc lại một điều tưởng như giản đơn: “Mình sống không chỉ để tích lũy cho riêng mình, mà còn để trao đi những gì tốt đẹp nhất có thể.”

 Linh và em nhỏ tại điểm trường Tiểu học Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Linh và em nhỏ tại điểm trường Tiểu học Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Với Linh, sống là một hành trình ngắn ngủi và không thể đoán trước. Chính vì vậy, cô không ngừng tự hỏi: nếu hôm nay là ngày cuối cùng, mình có đang sống đúng với những giá trị mình tin không? Câu hỏi đó là kim chỉ nam cho mọi hành động của cô – từ những lần hiến máu, từ việc ký vào tờ giấy đăng ký hiến tạng, cho đến những ngày lặng lẽ gom đồ cũ gửi lên vùng cao.

“Mình không mơ trở thành người đặc biệt, chỉ mong mình không sống hoài, sống phí. Mỗi người đều có thể tạo ra ảnh hưởng tích cực, dù là nhỏ nhất – nếu họ chịu sống bằng cả trái tim.”

“Mình không mơ trở thành người đặc biệt, chỉ mong mình không sống hoài, sống phí. Mỗi người đều có thể tạo ra ảnh hưởng tích cực, dù là nhỏ nhất – nếu họ chịu sống bằng cả trái tim.”

Linh không tin vào việc phải làm những điều thật to tát để được coi là sống đẹp. Đối với cô, sống tử tế mỗi ngày, sẵn sàng chia sẻ khi có thể, và không quay lưng trước nỗi đau của người khác – đã là một cách sống có giá trị. Dù chỉ là một ánh mắt biết lắng nghe, một lời hỏi thăm đúng lúc, hay một hành động nhường chỗ cho người già – Linh tin, sự tử tế ấy sẽ như hạt mầm, nảy nở âm thầm trong lòng cuộc sống.

Cô gái trẻ cũng tâm niệm một điều: “Khi mình cho đi, mình không mất mát. Ngược lại, mình đang gửi lại dấu vết yêu thương cho đời.” Chính vì thế, mỗi việc Linh làm – dù thầm lặng – đều là một nốt nhạc đẹp trong bản giao hưởng tuổi trẻ mà cô đang viết từng ngày.

Thiện Nhân

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/truong-khanh-linh-nguoi-viet-tuoi-tre-bang-nhung-lan-cho-di-post1731157.tpo