Trường khó xếp lớp khi 70% phụ huynh chưa muốn trẻ lớp 1 đi học

Ngay cả vùng ngoại thành TP.HCM, số phụ huynh lớp 1 đồng ý cho con đi học vẫn rất thấp. Điều này gây khó khăn cho việc xếp lớp, phân công giáo viên của các trường.

Tính đến ngày 6/12, chỉ 29% phụ huynh học sinh lớp 1 đồng ý cho con đến trường từ ngày 13/12. Nhiều trường chỉ 10-20 phụ huynh muốn cho con đi học trực tiếp. Điều này đặt ra không ít khó khăn cho các trường tiểu học, đặc biệt là các trường tư thục.

 Tỷ lệ phụ huynh đồng thuận việc dạy học trực tiếp đối với lớp 1 ở TP.HCM rất thấp. Ảnh minh họa: Chí Hùng.

Tỷ lệ phụ huynh đồng thuận việc dạy học trực tiếp đối với lớp 1 ở TP.HCM rất thấp. Ảnh minh họa: Chí Hùng.

Học sinh đi học ít, nhà trường vẫn phải chuẩn bị đầy đủ

Để chuẩn bị đón học sinh trở lại học trực tiếp, trường Tiểu học Kỳ Đồng (quận 3) đã tiến hành lấy ý kiến khảo sát phụ huynh học sinh. Theo đó, số lượng ý kiến đồng ý gần 30%, các ý kiến còn lại không đồng ý hoặc không liên lạc được.

“Tôi nghĩ, phần lớn phụ huynh không muốn con đi học trở lại vì lo sợ con còn nhỏ, chưa được tiêm vaccine ngừa Covid-19 thì đi học sẽ không an toàn”, một cán bộ quản lý trường Tiểu học Kỳ Đồng nói.

Trước những ý kiến của phụ huynh, trường Tiểu học Kỳ Đồng vẫn chuẩn bị các công tác để đón học sinh trở lại. Trong đó, nhà trường tập trung chú ý công tác tự đánh giá dựa trên 10 thành phần trong bộ tiêu chí an toàn trong phòng, chống dịch tại các trường phổ thông do TP.HCM quy định. Nhà trường cũng tiến hành các công tác tập huấn kịch bản để thầy cô giáo vừa tham gia đón học sinh, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh phòng, chống dịch Covid-19.

“Từ đây tới ngày 13/12, có thể ý kiến của phụ huynh sẽ thay đổi nên nhà trường vẫn chuẩn bị trước các công tác, cơ sở vật chất để đón trẻ đến trường trở lại sau thời gian nghỉ phòng, chống dịch. Đây là cơ hội cho nhà trường nhưng cũng là thách thức lớn”, cán bộ quản lý trường Tiểu học Kỳ Đồng nói.

Theo cô Đỗ Ngọc Chi, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, dù số lượng học sinh đến trường ít hay nhiều, 2 tuần thí điểm là 2 tuần "vàng" để nhà trường có cơ hội thực hành, lường trước được các tình huống, thấy được những điểm làm tốt và chưa tốt, từ đó rút kinh nghiệm để triển khai đón tất cả học sinh trở lại trường an toàn.

Theo quan điểm này, trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm đã chuẩn bị các cơ sở vật chất, đảm bảo giãn cách phòng học với tối đa dưới 25 học sinh/lớp. Bên cạnh mỗi phòng là một nhà vệ sinh riêng. Khu vực sân chơi cũng được bố trí đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh, hạn chế tiếp xúc. Ngoài ra, nhà trường cũng trang bị hệ thống máy rửa tay sát khuẩn, máy đo thân nhiệt tự động để học sinh sử dụng.

Cô Chi cho biết nhà trường đã vận động, tuyên truyền phụ huynh cho con đi học trở lại. Tuy nhiên, số lượng phụ huynh không đồng tình vẫn còn cao. Vì vậy nhà trường sẽ kết hợp giữa hình thức học online và trực tiếp trong thời gian thí điểm này.

“Tôi hy vọng sau một tuần đầu thực hiện thí điểm cho học sinh lớp 1 đi học trở lại phụ huynh sẽ an tâm hơn và số lượng học sinh đi học sẽ nhiều dần”, cô Chi nói.

 Các trường đang bắt tay vào công tác vệ sinh, chuẩn bị đón học sinh trở lại. Ảnh: Việt Linh.

Các trường đang bắt tay vào công tác vệ sinh, chuẩn bị đón học sinh trở lại. Ảnh: Việt Linh.

Khó tổ chức lớp, giáo viên căng mình dạy 2 lần

Trong cuộc khảo sát lấy ý kiến phụ huynh về việc cho học sinh lớp 1 đi học trở lại, trường TH-THCS-THPT Tuệ Đức nhận được kết quả không đồng ý là khoảng 39%. Kết quả này khả quan hơn nhiều trường khác, nhưng trường Tuệ Đức vẫn gặp khó khăn khi tổ chức lớp học.

“Nhiều phụ huynh không đồng ý cũng vì lo sợ trẻ lớp 1 chưa có ý thức phòng, chống dịch bệnh cao. Giáo viên không thể ngăn cản việc trẻ gặp lại bạn bè sau khoảng thời gian nghỉ dài và bắt trẻ đứng cách xa nhau 2 m, nên lớp học gặp nhiều khó khăn trong vận hành. Nhà trường vẫn sẽ tổ chức các lớp học trực tuyến cho đối tượng học sinh này”, cô Nguyễn Thị Anh Thư, Phó hiệu trưởng TH-THCS-THPT Tuệ Đức (TP.HCM) nói.

Chia sẻ với Zing, cô Thư cho biết thêm số lượng học sinh trong một lớp của trường chỉ dao động khoảng dưới 25 trẻ nên hoàn toàn có thể đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, không phải tách lớp hoặc học nhiều buổi. Cơ sở vật chất và không gian ăn uống cũng được nhà trường quan tâm để giữ an toàn cho học sinh lớp 1 khi trở lại trường học.

Cô Anh Thư nói thêm việc tổ chức các lớp học trực tuyến sẽ gây khó khăn cho giáo viên của trường khi buổi sáng phải dạy trực tiếp, buổi chiều phải dạy online, về lâu dài sẽ không đảm bảo sức khỏe người dạy.

Ngoài ra, với số lượng phụ huynh không đồng tình phương án đi học trở lại là gần 39% nhà trường cũng gặp khó khăn tổ chức chương trình dạy học. Cụ thể, học sinh khi đi học trực tiếp cũng chỉ học chương trình của một số môn văn hóa. Những môn còn lại phải tổ chức học online để đảm bảo tất cả học sinh cùng nắm được kiến thức.

Ở trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận 1), chỉ 1/6 số phụ huynh lớp 1 muốn cho con đi học lại tương đương với 47 học sinh ở 7 lớp. Cá biệt, có lớp chỉ một phụ huynh đồng ý cho con đến trường. Dù vậy, nhà trường vẫn phải tổ chức, phân đủ 7 lớp mà không thể gộp.

"Mỗi phòng học, trường trang bị camera và đường truyền để giáo viên vừa dạy trực tiếp mà các em ở nhà vẫn có thể theo dõi, cùng học online. Dù lớp có một học sinh trường vẫn phải phân giáo viên, lực lượng hỗ trợ", cô Trần Thị Thu Hương, Hiệu trưởng nhà trường nói.

Dù nằm ở huyện ngoại thành, vùng xanh ổn định, nhưng tỷ lệ phụ huynh lớp 1 đồng ý cho con đi học của trường Tiểu học An Phú 2 (huyện Củ Chi) vẫn thấp, chỉ 1/3 số phụ huynh đồng ý. Thầy Trần Văn Tám, Phó hiệu trưởng nhà trường, không lạc quan rằng 1/3 học sinh sẽ đến trường đủ vào những ngày đầu.

"1/3 phụ huynh đồng ý cho con đi học nhưng chưa chắc họ đã cho con đi ngay trong những ngày đầu. Phụ huynh vẫn còn e ngại nên có thể chờ 1, 2 ngày sau mới cho con đi học. Dù vậy, nhà trường vẫn phải chuẩn bị đầy đủ", thầy Tám nói.

Với những học sinh chưa thể đi học trực tiếp, nhà trường phải động viên giáo viên sắp xếp buổi chiều hoặc tối dạy online cho các em. Giáo viên phải vất vả hơn nhưng ít nhất trong thời gian thí điểm, trường phải duy trì cả hai hình thức dạy học. Tất cả giáo viên của trường phải cố gắng khắc phục khó khăn chung của ngành.

Nguyễn Hằng - Minh Nhật

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/truong-kho-xep-lop-khi-70-phu-huynh-chua-muon-tre-lop-1-di-hoc-post1281828.html