Trường Kinh tế Quốc dân trở thành đại học thứ 9 của Việt Nam

Ngày 15/11, Chính phủ chính thức phê duyệt trường ĐH Kinh tế Quốc dân (NEU) trở thành đại học thứ 9 trên cả nước. Quyết định này đánh dấu bước phát triển quan trọng, đưa NEU vào nhóm các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu, đồng thời mở ra giai đoạn mới với cơ hội và thách thức trong quản trị, tổ chức và hoạt động.

Theo yêu cầu của Chính phủ, ĐH Kinh tế Quốc dân sẽ tái cơ cấu theo quy định của Luật Giáo dục Đại học, đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan, duy trì hoạt động ổn định, không để xảy ra tiêu cực hoặc thất thoát tài chính, tài sản. Hội đồng trường và hiệu trưởng hiện tại sẽ tiếp tục đảm nhiệm vai trò cho đến khi h9ội đồng đại học và giám đốc mới được công nhận.

Trường Kinh tế Quốc dân trở thành đại học thứ 9 của Việt Nam. Ảnh: DƯƠNG TRIỀU

Trường Kinh tế Quốc dân trở thành đại học thứ 9 của Việt Nam. Ảnh: DƯƠNG TRIỀU

Việc chuyển đổi từ trường đại học thành đại học không chỉ là sự thay đổi về tên gọi mà thể hiện định hướng phát triển mạnh mẽ. Theo Luật Giáo dục Đại học năm 2018, một đại học là hệ thống lớn, gồm nhiều trường đại học thành viên hoặc khoa trực thuộc, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực. Nghị định 99/2019 quy định các tiêu chí để một trường trở thành đại học, bao gồm: Đạt chuẩn kiểm định chất lượng, có ít nhất ba trường trực thuộc, 10 ngành đào tạo tiến sĩ và quy mô sinh viên chính quy trên 15.000.

Với khoảng 25.000 sinh viên chính quy, 66 ngành đào tạo bậc đại học, 28 ngành Tiến sĩ và đội ngũ hơn 1.200 cán bộ, giảng viên, NEU đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện. Đầu năm 2024, trường thành lập ba trường trực thuộc: Trường Kinh tế và Quản lý công, trường Kinh doanh và trường Công nghệ. Đây là tiền đề cho NEU tổ chức lại theo mô hình đại học với cơ chế quản trị tự chủ hơn, nâng cao năng lực sáng tạo, đồng thời giữ vững sự điều hành thống nhất trong hệ thống.

Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, mô hình đại học là giải pháp tối ưu cho những cơ sở giáo dục lớn, tạo sự linh hoạt trong quản lý và tổ chức đào tạo, đồng thời phát huy tính tự chủ cho các đơn vị thành viên.

Theo chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2030, ĐH Kinh tế Quốc dân đặt mục tiêu trở thành một trong năm đại học hàng đầu Việt Nam, tiếp tục khẳng định vị thế trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học, góp phần thúc đẩy sự phát triển giáo dục đại học của đất nước.

Hiện nay, Việt Nam có 9 đại học, bao gồm: ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP. HCM, ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế TP. HCM, ĐH Duy Tân và ĐH Kinh tế Quốc dân. Trong số đó, ĐH Duy Tân là cơ sở tư thục, còn lại đều là các đơn vị công lập nhận ngân sách nhà nước.

Dương Triều

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/truong-kinh-te-quoc-dan-tro-thanh-dai-hoc-thu-9-cua-viet-nam-post1691840.tpo