Trường, lớp quá tải!
Số học sinh tăng dần đều qua các năm, tốc độ xây dựng trường, lớp không thể theo kịp nên TP HCM và Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn trong việc bảo đảm chỗ học cho học sinh
Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, năm học 2022-2023, thành phố dự kiến tăng hơn 21.000 học sinh (HS). Trong số này, bậc mầm non tăng 6.587 HS, bậc THCS tăng 13.661 HS, THPT tăng 12.761 HS, bậc tiểu học giảm khoảng 11.000 HS. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 575 phòng học mới dự kiến được đưa vào sử dụng trong năm học mới.
Dân số tăng, học sinh tăng
Ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết số HS tăng tập trung ở TP Thủ Đức, quận 12, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và Hóc Môn. Các địa phương trên đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh nên tình trạng dân số tăng cơ học cao.
Chỉ tính riêng năm học 2021-2022, số HS không có hộ khẩu tại TP HCM là 343.894 em. Áp lực tăng HS mỗi năm làm gia tăng sĩ số /lớp học; tỉ lệ HS học 2 buổi/ngày giảm. Ngoài ra, các điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện đều thu hẹp, ảnh hưởng đến các lớp đang học. Hiện nay, tại một số quận, huyện có nhiều trường tiểu học sĩ số trên 45 HS/lớp, giáo viên rất vất vả trong việc giảng dạy và quản lý HS.
Tại TP HCM, một trong những tồn tại nhiều năm qua là số HS tăng mạnh qua các năm nhưng số trường, lớp được xây mới rất khiêm tốn, đặc biệt ở các quận, huyện vùng ven, khu vực ngoại thành. Ông Hồ Tấn Minh cho biết thêm, cho đến tháng 9, thành phố dự kiến đưa vào sử dụng 5 dự án với 575 phòng học, trong đó khối mầm non với 210 phòng, tiểu học là 218 phòng, THCS là 147 phòng.
Quận Bình Tân là một trong những quận gặp áp lực rất lớn về nhập cư. Theo ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng Phòng GD-ĐT quận này, năm học mới, quận tăng thêm hơn 9.000 HS nên hiện chỉ có 40% HS tiểu học, 20% HS THCS trong quận được học 2 buổi/ngày. Cá biệt, tại phường Bình Hưng Hòa A với dân số khoảng 120.000 người nhưng chỉ có một trường THCS, 3 trường tiểu học, không có trường ngoài công lập. Nơi này rất đông công nhân ở các chung cư. Các chung cư dưới 2.000 căn được bố trí trường, lớp mầm non kèm theo nhưng những khu trên 2.000 căn chỉ có một trường tiểu học. "Phần lớn các em HS từ bậc tiểu học trở lên sống tại chung cư nhưng vẫn phải học ở các trường công lập trên địa bàn phường, chứ rất hiếm trường được xây ngay tại chính nơi các em ở" - ông Tuyên nói.
Tại quận 12, ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng Phòng GD-ĐT quận, cho biết năm học mới, quận 12 tăng gần 6.000 em. Dù có tăng nhẹ tỉ lệ HS học 2 buổi/ngày nhưng nhìn chung tỉ này này còn thấp. Tỉ lệ học 2 buổi/ngày đối với bậc tiểu học chỉ đạt gần 28% (tăng 3,5%), bậc THCS chỉ đạt 22,7% (tăng 4,4%) so với năm học trước.
Học nhờ, học tạm
Hà Nội hiện có 2.835 trường mầm non, phổ thông và 1 trường trung cấp chuyên nghiệp với 70.199 lớp, 72.796 phòng học, hơn 2,2 triệu HS. Theo ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, dân số thành phố tăng nhanh, đặc biệt là tốc độ tăng dân số cơ học tại các quận lõi, quận đang phát triển đã gây sức ép rất lớn cho các trường học, không bảo đảm yêu cầu quy mô trường, lớp để đạt chuẩn quốc gia. Thành phố hiện còn thiếu đất xây trường mới, để mở rộng trường bảo đảm diện tích đáp ứng quy định đạt chuẩn.
Bà Phạm Đàm Thục Hạnh, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Hoàng Mai, cho biết chỉ riêng năm học 2022-2023, quận có thêm 5.430 HS, tương đương 100 phòng học. Do dân số tăng quá nhanh nên việc xây trường mới không đủ để đáp ứng. Hiện nhiều trường trong quận đang phải tổ chức cho HS học luân phiên cả vào ngày nghỉ cuối tuần. Một số trường phải tạm sử dụng các phòng chức năng làm phòng học. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng tới tâm lý, chất lượng dạy và học mà còn gây bất tiện cho việc phụ huynh đưa đón con. Tại quận Hà Đông, trung bình mỗi năm số HS tăng 6.000-7.000 em. Sự gia tăng nhanh chóng này đã kéo theo sĩ số HS một lớp học trên địa bàn khá cao, trung bình 60 HS/lớp, nhóm trẻ. Với tốc độ di dân cơ học như hiện nay, dự báo 5 năm tới, quận sẽ thiếu trường học trầm trọng.
Tại TP HCM, tình trạng quá tải cũng thường xuyên nên các địa phương phải xoay xở đủ cách. Ông Ngô Văn Tuyên cho biết năm học 2022-2023 số trẻ vào lớp 1 tại phường Bình Trị Đông A là 757 em nhưng trường tiểu học tại phường chỉ có thể nhận được 108 HS. Ở bậc THCS, phường Bình Trị Đông B chưa có trường THCS nên HS phải sang phường khác để học. Tại quận 12, theo ông Khưu Mạnh Hùng, năm học mới toàn quận có 3 trường được xây mới hoàn toàn, với 76 phòng học nhưng vẫn còn những phường không thể "gánh" hết số HS tại địa phương. Điển hình, phường Hiệp Thành và Tân Chánh Hiệp có gần 190.000 dân nhưng chỉ có 4 trường mầm non, 3 trường THCS và 5 trường tiểu học khối công lập.
Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức, thông tin thực tế các dự án xây trường học luôn có nhưng khi triển khai thì còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Điển hình, trường lớp mới xây trong năm học này chủ yếu ở khối mầm non. Tại TP Thủ Đức, tỉ lệ học 2 buổi/ngày ở khu vực 1, 2 (quận 2 và 9 cũ) luôn ổn, có thể đáp ứng 100% HS lớp 1, 2, 3 học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, khu vực 3 là quận Thủ Đức cũ, một số phường giáp ranh với Bình Dương, Đồng Nai nên tỉ lệ sẽ giảm, chỉ có thể đáp ứng được khoảng 65%-70% HS học 2 buổi/ngày. "Đối với các trường hợp này, phòng GD-ĐT yêu cầu các trường thực hiện mô hình tận dụng các phòng chức năng để giảng dạy tùy theo bộ môn. Nhờ vậy sẽ giảm quá tải việc thiếu phòng học" - ông Nguyên thông tin.
Dùng tiền xây trường để... làm đường
Tại Quảng Bình, hiện có hơn 1.000 HS các trường tiểu học ở các xã Sơn Thủy, Hưng Thủy, Phong Thủy, Hoa Thủy, Trường Thủy, Trường THCS Phú Thủy (huyện Lệ Thủy) ngóng chờ phòng học xây mới do phòng học cũ đã xuống cấp, bị lũ lụt làm sập. Nhiều năm qua, các em phải học ghép, cơ sở vật chất không bảo đảm, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy và học.
Năm 2020, Trường Tiểu học Đại Phong, xã Phong Thủy bị lũ nhấn chìm, một dãy phòng học bị sập, phải tháo dỡ. Sau đó, địa phương đã báo cáo cấp trên nhưng đến nay không được bố trí vốn xây dựng lại, khiến gần 400 HS phải học ghép. Tương tự, tại Trường THCS Phú Thủy - thầy Nguyễn Văn Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết năm 2020, dãy 8 phòng học cấp 4 của trường xuống cấp, sập một phần mái, địa phương đánh giá không thể sử dụng được nên buộc phải tháo dỡ. Từ đó đến nay, do không có nguồn vốn xây mới khiến trường lớp thiếu thốn. Còn tại Trường Tiểu học Trường Thủy, do thiếu phòng học nên 3 năm qua, phải cho 495 em học ghép, khiến chất lượng dạy và học bị ảnh hưởng rất lớn.
Theo tìm hiểu, năm 2021, UBND tỉnh Quảng Bình bố trí hơn 35 tỉ đồng nhằm sửa chữa các trường học ở huyện Lệ Thủy bị xuống cấp nhưng sau đó chuyển nguồn vốn này sang dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3. Ông Phan Phong Phú, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình, lý giải tại thời điểm trên, số vốn này chưa phân bổ kịp nên bố trí cho dự án trọng điểm. Từ năm 2022, tỉnh đã thống nhất, đầu tư công cấp tỉnh sẽ đầu tư bài bản, đầy đủ cho các trường cấp 3; còn trường mầm non, tiểu học, cấp 2 từ nguồn đầu tư công cấp huyện.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/truong-lop-qua-tai-2022082321481853.htm