Trường Lương Thế Vinh: Giữ triết lý, giáo dục học sinh thành người tử tế
Sáng 31/5, Trường THCS – THPT Lương Thế Vinh tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm ngày thành lập trường. Tại buổi lễ, các thế hệ thầy và trò đã cùng ôn lại chặng đường hoạt động trong đó gắn liền với triết lý, tư tưởng giáo dục của cố nhà giáo Văn Như Cương.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Văn Thùy Dương, Phó hiệu trưởng nhà trường ôn lại hành trình ra đời, phát triển của ngôi trường mang tên Lương Thế Vinh.
“Cách đây 36 năm, năm 1988, thầy Văn Như Cương đã viết một lá đơn "Tôi xin mở trường dân lập" gửi tới ông Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, tới UBND TP Hà Nội. Và đến ngày 1/6/1989 thầy Cương đã nhận được quyết định thành lập ngôi trường dân lập đầu tiên trong thời kỳ đổi mới. Trường Lương Thế Vinh chính thức ra đời và thầy Cương được biết đến là người đặt viên gạch đầu tiên cho hệ thống giáo dục ngoài công lập.
Trường Lương thế Vinh ra đời mang sứ mệnh của người đi tiên phong. Và sau gần 35 năm từ lúc cả nước chỉ có một trường dân lập duy nhất, đến nay đã có hàng nghìn trường học ngoài công lập, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của học sinh trên cả nước.
Đối với Trường Lương Thế Vinh, sau chặng đường dài 35 năm từ một cơ sở giáo dục đi thuê, nay đã có hai cơ sở khang trang, sạch đẹp, ấm cúng và thân thiện. Từ chỗ có 800 học sinh trên một khóa đến nay một khóa đã có hơn 4000 học sinh. Nhà trường tuyển chọn học sinh đủ tiêu chí và kiên quyết không tăng số lượng để giữ vững chất lượng.
Trong hành trình đó, thầy và trò luôn gặt hái được nhiều thành công với 100% học sinh đỗ tốt nghiệp và tỉ lệ đỗ ĐH trên 92%. Học sinh Lương thế Vinh luôn được các trường Đại học đánh giá là những học sinh đầy năng lượng tích cực, thường trở thành những sinh viên năng động giỏi giang, là lãnh đạo các câu lạc bộ các tổ chức học sinh sinh viên trong các trường ĐH.
Cũng theo bà Dương, cùng với hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, chương trình học cũng được nhà trường thiết kế công phu, dựa trên chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các hoạt động ngoại khóa vừa đủ, không lan man để học sinh có ứng dụng tốt nhất cho việc học trên lớp mà vẫn có thời gian học kiến thức bắt buộc theo chương trình quy đinh. Những năm tới, trường chỉ nhận 1 hệ duy nhất, toàn bộ học sinh học bán trú tại trường, giúp phụ huynh quản lý thời gian của các con, hướng các con dùng thời gian để học tập và làm việc có ích. Tại trường các con không chỉ được học trên lớp mà các con có thể học tập tại thư viện hoặc bất cứ chỗ nào các con thấy thoải mái (vườn cây, căng tin, phòng tập...).
Việc nhà trường quan tâm và sẽ làm trong những năm tiếp theo là làm tốt hơn nữa việc dạy và học tại trường, tạo điều kiện tốt nhất để các con học tập kiến thức, học để biết cách lao động, học sống có trách nhiệm.
Dịp kỷ niệm 35 năm ngày thành lập, Trường Lương Thế Vinh một lần nữa nhấn mạnh triết lí, quan điểm giáo dục của cố nhà giáo Văn Như Cương đó là giáo dục học sinh trở thành người tử tế, “tiên học lễ, hậu học văn”.
GS Văn Như Cương từng nói: "Trong nhà trường tôi muốn dạy kỹ năng sống cho trẻ, chống lại sự méo mó của giáo dục (trong gia đình và xã hội). Một đứa trẻ không biết nấu cơm, không biết giặt giũ, không biết sắp xếp đồ đạc của mình ngăn nắp... luôn trông chờ vào người giúp việc, thành thói quen ỉ lại...
Trường Lương Thế Vinh cam kết sẽ có nhiều đổi mới cho phù hợp, nhưng điều duy nhất mà trường không bao giờ thay đổi, đó là triết lý giáo dục mà thầy Văn Như Cương đã để lại đó là: triết lý học làm người tử tế. Suốt 35 năm qua, triết lý đó vẫn vẹn nguyên giá trị đối với xã hội. Nhà trường xác định, không chỉ trao nền tảng tri thức, phát triển tư duy cho học sinh mà còn rèn cho các con nhân cách, thói quen lao động và ý thức kỷ luật. Đó là phẩm chất không thể thiếu của những người đứng đầu, những người sẽ trở thành những người tiên phong. Tôi tin khi mỗi đứa trẻ trở thành người tử tế, chúng sẽ sẽ mang lại an yên cho các gia đình.
Cũng tại lễ kỷ niệm ngày thành lập, nhà trường đã tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Cố nhà giáo Văn Như Cương, lá Mobius và quan điểm giáo dục trường tồn” với sự tham gia của GS.TSKH Đỗ Đức Thái, Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, TS Văn học Trịnh Thu Tuyết.