Trường mầm non Bắc Sơn tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số

Nằm trên địa bàn xóm Hồi Trám, xã Hùng Sơn (Kim Bôi), với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng sự nỗ lực của cô và trò, Trường mầm non Bắc Sơn không ngừng phát triển. Chất lượng dạy và học được nâng lên rõ rệt. Vừa qua, mô hình

Nằm trên địa bàn xóm Hồi Trám, xã Hùng Sơn (Kim Bôi), với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng sự nỗ lực của cô và trò, Trường mầm non Bắc Sơn không ngừng phát triển. Chất lượng dạy và học được nâng lên rõ rệt. Vừa qua, mô hình "Tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc” của trường được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận là điển hình tiên tiến cấp tỉnh.

Cô và trò Trường Mầm non Bắc Sơn, xã Hùng Sơn (Kim Bôi) triển khai hiệu quả mô hình "Tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc".

Cô và trò Trường Mầm non Bắc Sơn, xã Hùng Sơn (Kim Bôi) triển khai hiệu quả mô hình "Tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc".

Chia sẻ lý do xây dựng mô hình, cô Bùi Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường mầm non Bắc Sơn cho biết: Trường có 96,4% trẻ là người DTTS (dân tộc Mường, Dao) tại 4 xóm thuộc địa bàn tuyển sinh. Khi ở nhà, người thân và gia đình chủ yếu giao tiếp với trẻ bằng tiếng mẹ đẻ, vì vậy khả năng nói và phát âm tiếng Việt của nhiều trẻ chưa được chuẩn. Từ đó, để chuẩn bị tốt tiếng Việt cho trẻ em DTTS vào lớp 1 và giúp trẻ mầm non phát triển tư duy ngôn ngữ tiếng Việt, mô hình đã ra đời. Mô hình được triển khai giúp trẻ mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông vùng DTTS, thu hẹp khoảng cách chất lượng giáo dục giữa các vùng miền.

Mô hình cũng giúp giáo viên nhận thức rõ về vai trò của tiếng Việt trong dạy học cho trẻ. Từ đó có ý thức rèn luyện để cải thiện khả năng nói tiếng Việt lưu loát hơn, biết cách phối hợp với phụ huynh trong việc dạy trẻ ở nhà, xây dựng môi trường dạy tiếng Việt cho trẻ đi đôi với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Các giáo viên đã tạo môi trường trong và ngoài lớp học phù hợp với từng độ tuổi. Đơn cử như việc lồng ghép, tích hợp các hoạt động để dạy trẻ với nhiều hình thức nhằm lôi cuốn các cháu đến trường thông qua các hoạt động trải nghiệm. Nhà trường cũng lồng ghép các nội dung giáo dục về bản sắc văn hóa như khuyến khích phụ huynh, học sinh, giáo viên mặc trang phục dân tộc dịp lễ, Tết, khi tham gia các hoạt động (hội thi gói bánh chưng, thi trình diễn trang phục dân tộc...) Tuyên truyền phụ huynh giữ gìn bản sắc văn hóa như đánh chiêng, chơi các trò chơi dân gian...

Để xây dựng mô hình, nhà trường quan tâm thực hiện xã hội hóa và nhận được sự ủng hộ của các cấp, ngành, đặc biệt là phụ huynh, Nhân dân hỗ trợ ngày công lao động, hiện vật trị giá 50 triệu đồng xây dựng khu vui chơi cát với nước, góc địa phương, múa sạp, ném còn...

Theo đánh giá của Phòng GD&ĐT huyện Kim Bôi, mô hình "Tăng cường Tiếng Việt cho trẻ vùng DTTS gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc” mang lại giá trị cao về mặt xã hội. Tận dụng được không gian môi trường trong và ngoài lớp học một cách hài hòa, hợp lý. Nhà trường đã tạo được cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp giúp các hoạt động của trẻ (đọc thơ, kể truyện, hát đồng giao, ca dao, làm quen với chữ cái...) hiệu quả hơn. Qua đó, khơi dậy, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường như sư tầm dụng cụ sản xuất nông nghiệp để trưng bày "góc địa phương”; tạo tiền đề cho trẻ được học tập, lĩnh hội kiến thức ở các cấp học tiếp theo, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường. Năm học 2023 - 2024, 100% trẻ mẫu giáo 5 tuổi của trường đủ điều kiện vào lớp 1.

H.L

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/218/192528/truong-mam-n111n-bac-son-tang-cuong-tieng-viet-cho-tre-em-dan-toc-thieu-so.htm