Trường mầm non xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn: Trường đã xây xong, vì sao chưa sử dụng?
Một công trình trường học được đầu tư hàng chục tỷ đồng, là niềm mong ước của bao thế hệ giáo viên, học sinh, nhân dân xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn đã khánh thành suốt từ tháng 6 năm 2022 nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa vào sử dụng.
>> Mang "đông ấm” đến với trẻ vùng cao Sùng Đô
Đã lâu chúng tôi mới có dịp lên xã Sùng Đô - xã vùng cao, vùng đồng bào Mông của huyện Văn Chấn. Thật bất ngờ vì vùng quê núi đã có nhiều đổi thay, đời sống của người Mông nơi đây đã khấm khá lên; đặc biệt, nhiều công trình đã được Nhà nước đầu tư xây dựng như đường giao thông, trụ sở xã, trạm y tế...
Các công trình đều phát huy công năng, tạo điều kiện cho địa phương và nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới; trong đó, phấn khởi nhất là tuyến đường từ quốc lộ 37 lên trung tâm xã đã được bê tông hóa, có rãnh thoát nước, giúp việc đi lại thuận lợi hơn rất nhiều.
Tôi nhớ mãi lời một cô giáo của xã đã nói: "Có lẽ, không một cô giáo nào ở trường chúng em còn cái đầu gối lành lặn. Như em đây, sau 15 năm dạy học ở Sùng Đô, số lần ngã xe máy lên tới mấy chục. Đúng hơn là, nhiều quá không nhớ hết. Giờ đường tốt quá, nhiều cô giáo sẵn sàng gắn bó lâu dài với học trò nơi đây!”.
Tiếc là, không phải công trình nào cũng phát huy hiệu quả ngay sau khi đầu tư. Ở Sùng Đô có những công trình hoàn thành việc đầu tư xây dựng được gần 2 năm, nhưng chưa thể đưa vào sử dụng. Công trình Trường Mầm non Sùng Đô là thí dụ.
Đứng từ xa ngắm nhìn ngôi trường mới khang trang giữa núi rừng mờ sương, chúng tôi rất mừng. Lại gần hơn thì lại ngạc nhiên vì ngôi trường vắng vẻ, cỏ dại bắt đầu mọc và khoảng sân khá rộng phía trước - nơi mà lẽ ra được thiết kế sân khấu có mái che để nhà trường tổ chức các sự kiện cho cô và các con vui múa, thể dục buổi sáng và là nơi để các cô giáo mầm non mặc sức sáng tạo, trang trí, trồng hoa, cây cảnh... như bao ngôi trường khác thì nay bỏ hoang cho cỏ dại mọc và gia súc, gia cầm chạy nhảy.
Thấy vẻ ngơ ngác của người lạ đến thôn, một anh người Mông cười và bảo: "Trường xây xong từ lâu rồi nhưng chưa đón trẻ. Ở đây không có ai đâu. Muốn gặp cô giáo thì anh đi thẳng khoảng hơn một cây số nữa”.
Tôi nói lời cảm ơn rồi đội mưa phùn đi theo hướng anh bạn người Mông vui tính và thật thà đã chỉ. Từ đường bê tông, rẽ khoảng 300 mét, mặt đường gồ ghề, trơn trượt, Trường Mầm non Sùng Đô đã hiện ra trước mắt. Có lẽ, đây là ngôi trường cuối cùng của tỉnh còn tồi tàn và tạm bợ đến vậy! Mấy phòng học, cái thì cột gỗ, vách gỗ, lợp phibro xi măng cũ kỹ, cái thì nhà mái tôn, vách tôn làm theo kiểu chắp vá như cái nhà kho công trường và có phòng học vẫn là nền đất, khiến lũ trẻ nhem nhuốc. Lớp học 3 - 4 tuổi có tới 35 học sinh, nhưng chỉ có 1 cô giáo đứng lớp. Đã hơn 8 giờ sáng, cô giáo vừa đón trẻ vừa ổn định trật tự.
Thấy có khách, cô nhắc cả lớp: "Các con chào bác đi nào!”. Cả lớp đồng thanh: "Chúng cháu chào bác ạ...!”. Trẻ vùng cao đứa nào cũng khỏe mạnh. Nhiều đứa rất tinh nghịch nhưng trong lớp ngồi ngoan và vâng lời cô.
Hiệu trưởng Trường Mầm non Sùng Đô - cô giáo Nguyễn Thị Huyền Trang ra đón khách. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu câu chuyện về cơ sở vật chất, chị liền chia sẻ: "Chúng em mong được ra trường mới lắm anh ạ! Điểm trường này đã quá xuống cấp rồi, cái gì cũng tạm bợ. Hôm nay còn mất nước, nhân viên nhà bếp đang phải đội mưa đi sửa đường ống dẫn nước, chưa biết bao giờ mới xong. Có lẽ, lát nữa chị em lại phải xuống hỗ trợ chế biến kẻo không kịp cơm cho trẻ ăn đúng giờ. Không chỉ thiếu thốn và tạm bợ, điểm trường này còn sạt lở ta luy âm đến tận chân móng ngôi nhà chúng ta đang ngồi”.
Nói rồi, cô Hiệu trưởng đưa tôi ra xem vị trí sạt lở và cho biết thêm: "Mỗi năm lại sạt thêm, lún thêm một ít, chưa biết khi nào nó lôi cái nhà này xuống vực. Chúng em rất lo!”. Chúng tôi đặt câu hỏi: "Vì sao trường mới xây xong đã lâu mà không đưa vào sử dụng?".
Cô giáo Nguyễn Thị Huyền Trang giải thích: "Lẽ ra đã chuyển về trường mới từ năm học 2022 - 2023. Chúng em cũng đã nhận bàn giao, đã tổ chức trang trí, trồng cây xanh và hoa rồi. Chấp nhận trường mới không có sân, đúng hơn là chỉ có sân đất, nhưng tháng 8 năm đó mưa bão một trận, ta luy dương phía sau nhà sạt xuống, đất đã lấp đến gần cửa sổ rồi. Học ở đó thì nguy hiểm quá nên cấp trên đã chỉ đạo tạm thời cứ học trường cũ, khi nào Nhà nước đầu tư tiếp thì chuyển”.
Đúng như những gì chúng tôi quan sát trước đó. Ta luy phía sau nhà lớp học đã sạt lở. Phía trước là khoảng sân rộng nhưng không được bê tông hóa dù bậc lên được ốp lát đá hoa đẹp mắt. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao quá trình khảo sát, tư vấn, thiết kế lại sơ sài đến vậy? Một ngôi trường mầm non được đầu tư cả chục tỷ đồng mà không có sân? Việc khảo sát địa chất công trình thế nào mà vừa xây dựng xong đã sạt lở và có tính đến chuyện kè chống sạt lở ngay từ đầu hay không? Địa phương còn nghèo, nhiều khoản cần đầu tư nhưng chắc chắn là không thiếu thốn đến mức không có vài chục, vài trăm triệu đồng để lát cái sân cho đồng bộ. Sạt lở có một phần nguyên nhân bởi thiên tai và đã là thiên tai thì phải cấp bách.
Hơn nữa, chúng ta có nguồn lực cho phòng chống thiên tai, mà tại sao lại để sạt lở đến gần 2 năm nay mà vẫn chưa khắc phục, xử lý, mà để mặc cho hàng trăm, hàng nghìn mét khối đất sạt xuống ảnh hưởng đến chất lượng và độ bền của công trình? Những câu hỏi này, cần được UBND huyện Văn Chấn trả lời và xử lý.
Một số lãnh đạo ngành giáo dục và địa phương thông tin cho chúng tôi, đã có kinh phí, sắp đầu tư giai đoạn 2 Trường Mầm non Sùng Đô. Thôi thế, cũng là tín hiệu đáng mừng, dù không biết "sắp đầu tư” là bao giờ? Thời gian thi công là bao lâu? Nếu nhanh nhất cũng diễn ra trong mùa mưa bão năm 2024 này. Được biết, theo lộ trình, Trường Mầm non Sùng Đô sẽ đạt chuẩn vào năm 2025, rất nhiều các tiêu chí phải đạt mà muốn đạt, không chỉ phải có lòng nhiệt tình, trách nhiệm, mà còn phải có nguồn lực đầu tư và cần có cả thời gian để thực hiện.