Trường nghề công cải tiến chất lượng đào tạo để tồn tại
Các trường nghề công đang phải chịu áp lực cải tiến chất lượng đào tạo nếu muốn tồn tại, bởi tới đây, cơ chế tài chính mới sẽ thay đổi cách thức cấp phát theo hướng dựa trên kết quả đầu ra, cùng với áp lực cạnh tranh đến từ các trường thuộc khối doanh nghiệp.
Để cạnh tranh với các trường nghề tư nhân, trường nghề công phải sớm cải tiến chất lượng.
Khó khăn tài chính
Ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, kết quả khảo sát 35 trường cao đẳng nghề tốt nhất Việt Nam cho thấy, tổng thu bình quân của các trường vào khoảng 60 tỷ đồng/năm, trong đó có tới 58% nguồn thu đến từ ngân sách nhà nước cấp, khoảng 18% nguồn thu đến từ học phí và 35 trường top này có thêm khoảng 12% đến từ nguồn vay ODA và các chương trình mục tiêu đầu tư cho trang thiết bị… Trong khi đó, lương của giáo viên các trường nghề chỉ rơi vào khoảng từ 5-10 triệu đồng/tháng, những trường top đầu đạt khoảng 15 triệu đồng.
So sánh với khối đại học, ông Quân cho biết, những trường top đầu như Đại học Bách khoa có nguồn thu khoảng 1.000 tỷ đồng/năm, Đại học Kinh tế quốc dân khoảng 800 tỷ đồng/năm, còn những trường khác rơi vào 150-200 tỷ đồng/năm. 5 trường đại học tự chủ 3 năm gần đây cho thấy, mức lương đã tăng gấp đôi, PGS-TS có mức lương từ 1.200 - 1.400 USD/tháng.
Hiện các trường nghề đang thu học phí ở mức khá thấp, chỉ từ 620.000 - 950.000 đồng/tháng, với sĩ số khá ít học viên/lớp học, do đặc thù thực hành nhiều, kéo theo khoản đầu tư trang thiết bị thực hành rất lớn. Trong khi đó, không hiếm trường khối đại học mở ồ ạt những khoa không cần đầu tư nhiều với sĩ số rất đông nhằm mục tiêu chiêu sinh.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Vũ Trung Hiếu, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Hải Dương cho biết, để trang bị kiến thức kỹ năng tiệm cận nhu cầu thị trường sản xuất, mỗi năm trường phải đầu tư hàng chục tỷ đồng cho các trang thiết bị thực hành.
“Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là bố trí các nguồn kinh phí khi chưa tiếp cận được nguồn kinh phí lớn, hiện kinh phí chủ yếu do Nhà nước đầu tư. Thông qua hợp tác lao động, doanh nghiệp đầu tư một phần vào nhà trường, nhưng tỷ lệ này khá nhỏ. Ngay cả việc đưa sinh viên vào thực tập, mặc dù doanh nghiệp tạo điều kiện trong những khoảng thời gian nhất định, nhưng rõ ràng họ cũng lo ngại vì thường các doanh nghiệp sản xuất trên dây chuyền lớn, có chế độ bảo dưỡng, vận hành định kỳ… Do đó, những ngành cơ khí có thể sinh viên dễ dàng thực hành, nhưng những ngành liên quan tới công nghệ cao vừa kén người học, vừa khó để đưa sinh viên vào thực hành tại doanh nghiệp. Trong đào tạo nghề, hiện không có nguồn lực nào đủ để đầu tư vào thực hành”, ông Hiếu nói.
Trong khi, học phí không thấm vào đâu so với chi phí đào tạo, vì mức học phí thấp, nhưng chi phí đào tạo cao. Để đào tạo 1 công nhân ngành than - khoáng sản, phải tốn khoảng 35 triệu đồng/người/năm, trong khi thu học phí không quá 12 triệu đồng/người/năm.
Nhìn nhận thực tế này, Thứ trưởng Lê Quân cho biết, một hiện trạng là doanh nghiệp muốn nhận sinh viên, nhưng lại không muốn bỏ chi phí đào tạo. Rất ít trường nhận được nguồn tài chính từ doanh nghiệp, những trường nhận được thì cũng chỉ khoảng 1-2 tỷ đồng/năm.
Ông Quân cũng thừa nhận, nếu ngân sách nhà nước cắt hết thì toàn bộ hệ thống giáo dục nghề sẽ chết. Tuy nhiên, để cân bằng cung - cầu thị trường, không quốc gia nào thực hiện việc này.
Các trường tự chủ tìm nguồn thu
Ông Phan Tiềm, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Thaco khẳng định, nếu nhiều doanh nghiệp mở trường đào tạo nghề thì đó là sức ép rất lớn đối với hệ thống trường công.
Là một trường trực thuộc doanh nghiệp, ông Tiềm đề cập tới nhiều lợi ích mà các trường nghề công không có được.
“Chúng tôi đào tạo sát thực tế với chuyên môn sâu cho từng dòng xe cụ thể, đáp ứng nhu cầu khi sản lượng tăng lên. Khi sản lượng giảm, học viên có thể học nâng cao để chuyển đổi ngành nghề theo từng lĩnh vực. Học viên học ở trường chúng tôi cũng hiểu văn hóa doanh nghiệp, do đó, tỷ lệ bỏ việc không cao so với tuyển từ các trường ngoài”, ông Tiềm nói.
Với hệ thống giáo dục nghề, hiện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp không có sự phân biệt giữa hệ thống trường công hay trường tư, các trường tư vẫn được hỗ trợ kinh phí đánh giá kỹ năng nghề và được chọn để đào tạo những nghề trọng điểm.
Liên quan đến giải quyết nút thắt tài chính cho trường nghề, nhiều chuyên gia cho rằng, các trường cần mở thêm dịch vụ để có nguồn thu. Ông Phan Tiềm lấy ví dụ trong các chuyến tham quan thực tế của mình tại Canada, điều mà ông tâm đắc nhất là bất kỳ trường nghề nào cũng gắn với từng loại hình dịch vụ khác nhau như trường y có bệnh viện, trường nông nghiệp có chuỗi kinh doanh nông sản sạch… Cùng với đó, mỗi đồng đến từ kinh doanh dịch vụ, trường lại nhận được thêm một đồng hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, còn những trường không tạo ra giá trị gì thì không nhận được hỗ trợ từ ngân sách.
“Chính sách này khiến ý thức kinh doanh, khởi nghiệp các trường nghề ở Canada rất phát triển. Khi còn là Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Đà Nẵng, tôi đã rất sốt sắng tìm mọi phương thức để mở các dịch vụ có thu cho trường như hợp tác mở dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng máy cho doanh nghiệp, nhưng thủ tục thành lập trung tâm có thu không đơn giản, nên không tiếp tục thực hiện. Nhưng đây là hướng đi tốt để các trường nâng cao được hiệu quả đào tạo, tạo giá trị trên thị trường, gắn đào tạo với thực tiễn, tránh phụ thuộc quá nhiều từ nguồn kinh phí của Nhà nước và doanh nghiệp”, ông Tiềm nhấn mạnh.