Trường nghiệp vụ triển khai Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ngày 28/6, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại TP HCM (Trường nghiệp vụ) tổ chức Hội nghị triển khai Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở và sinh hoạt chuyên đề 'Trách nhiệm của Hiệu trưởng trong thực hiện dân chủ ở cơ sở của Trường nghiệp vụ'.
Tham dự hội nghị về phía VKSND tối cao có đồng chí Mai Thị Nam - Chánh Thanh tra VKSND tối cao - Phó Trưởng ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ trong hoạt động của VKSND; đồng chí Phạm Thị Nhuần - Phó Chủ nhiệm thường trực UBKT Đảng ủy VKSND tối cao.
Về phía nhà trường có đồng chí Nguyễn Quốc Hân - Hiệu trưởng Trường nghiệp vụ; đồng chí Mai Văn Sinh - Phó Hiệu trưởng Trường nghiệp vụ cùng các đồng chí Phó hiệu trưởng và toàn thể giảng viên, công chức, viên chức, người lao động của nhà trường.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Quốc Hân nêu rõ, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (Luật số 10/2022/QH15) quy định việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức sử dụng lao động, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan được quy định tại Điều 46.
Trong đó quy định rõ những nội dung người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải công khai (Trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác hoặc thông tin chưa được công khai theo quy định của pháp luật, người đứng đầu cơ quan, đơn vị) trong nội bộ cơ quan, đơn vị 12 nội dung.
Qua tổ chức thực hiện Hiệu trưởng đã chỉ đạo các phòng, khoa chức năng thực hiện công khai theo quy định tại bảng tin điện tử, mục thông báo trên hệ thống văn bản quản lý điều hành và trang thông tin điện tử của Nhà trường, thông báo tại hội nghị công chức, viên chức, người lao động của nhà trường.
Đồng thời, thông báo bằng văn bản đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động; Thông qua lãnh đạo phòng, khoa để thông báo đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động…
Đồng chí Nguyễn Quốc Hân nhận định, với vai trò là người đứng đầu trong tổ chức thực hiện Luật dân chủ ở cơ sở tôi luôn nghiêm túc nhận thức rõ trách nhiệm của cá nhân trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở và đã có những giải pháp thực hiện tốt các nhiệm vụ.
Một là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quán triệt, thực hiện các quy định của đảng, nhà nước của ngành Kiểm sát về thực hiện Luật Dân chủ cơ sở; tuyên truyền đẩy mạnh thực hiện dân chủ ở đơn vị.
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ủy, vai trò quản lý của Ban Giám hiệu, lãnh đạo các phòng, khoa trong đẩy mạnh thực hiện dân chủ ở cơ sở trong đó nâng cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu.
Ba là, phát huy hiệu quả vai trò giám sát, phản biện xã hội của các đoàn thể, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Mai Thị Nam - Chánh Thanh tra VKSND tối cao - Phó Trưởng ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ trong hoạt động của VKSND, kết luận thực hiện dân chủ ở cơ sở là phương thức phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, để công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được thông tin, thể hiện ý chí, nguyện vọng của mình thông qua việc thảo luận, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát các vấn đề ở cơ sở theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Đặc biệt, ngày 10/11/2022, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Với 6 chương, 91 điều, quy định về: nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền, nghĩa vụ của công dân, công chức, người lao động, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong việc đảm bảo thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Luật đã thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 vào cuộc sống, khẳng định trên thực tế quyền con người, quyền công dân, chủ quyền của Nhân dân theo nguyên tắc hiến định: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, thời gian qua, tập thể Ban cán sự Đảng, lãnh đạo VKSND tối cao, Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ngành KSND luôn quan tâm quán triệt, triển khai kịp thời, đầy đủ các quy định, hướng dẫn về dân chủ cơ sở nhằm đảm bảo các hoạt động của VKSND các cấp được công khai, dân chủ, phát quy quyền kiểm tra, giám sát của công chức, viên chức, người lao động trong hoạt động của cơ quan, đơn vị.
“Qua theo dõi, trong thời gian gần đây, Ban Chỉ đạo thấy việc thực hiện dân chủ ở cơ sở của Nhà Trường đã đạt được hiệu quả tích cực. Hằng năm, Hiệu trưởng Nhà trường phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức để đánh giá, kiểm điểm kết quả công tác, công khai tài chính, thảo luận, tham gia ý kiến vào các Quy chế;; lắng nghe, giải đáp ý kiến, nguyện vọng của công chức, viên chức, người lao động, phát động và ký giao ước thi đua…”, đồng chí Mai Thị Nam ghi nhận.
Để công tác thực hiện dân chủ ở cơ sở của nhà trường trong thời gian tới tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, đảm bảo theo các quy định của Đảng, Nhà nước và của Ngành, đồng chí Mai Thị Nam yêu cầu Ban Giám hiệu nhà trường và đồng chí Hiệu trưởng tiếp tục quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện tốt các quy định của Đảng, Nhà nước, địa phương và của ngành KSND về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
“Công khai thông tin ở cơ quan, đơn vị theo đúng nội dung, hình thức, thời gian theo quy định của pháp luật và của Ngành; tạo điều kiện để công chức, viên chức, người lao động tham gia ý kiến, bàn, quyết định, kiểm tra, giám sát; xây dựng các tổ chức đoàn thể của cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh, nhất là nội dung thực hiện các chế độ chính sách, nội quy, quy chế của cơ quan về quản lý chi tiêu nội bộ, chế độ tiền lương, tiền thưởng, mua sắm, quản lý tài sản công, thi đua, khen thưởng, tổ chức cán bộ,... có liên quan trực tiếp tới quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của công chức, viên chức và người lao động theo đúng quy định tại Điều 46, 47, 48, 51, 52, 55, 59 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022”, đồng chí Mai Thị Nam nhấn mạnh.
Đồng chí Mai Thị Nam cũng yêu cầu giảng viên, công chức, viên chức, người lao động nhà trường tiếp tục nghiên cứu, học tập, vận dụng và thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước và của Ngành về thực hiện dân chủ ở cơ sở; chấp hành nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ theo quy định tại Điều 49, 50, 53, 54, 56, 57, 58 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022.
Nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, tích cực trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.Kịp thời phản ánh, kiến nghị, đề xuất, trình bày tâm tư, nguyện vọng chính đáng đến Ban giám hiệu, Hiệu trưởng Nhà trường để được xem xét, giải quyết, tháo gỡ; không để xảy ra tình trạng đơn thư, khiếu nại, tố cáo trong nội bộ, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của nhà trường./.