Trường Nguyễn Siêu trở thành điểm thực hành nghiệp vụ sư phạm quốc tế

Sau các vòng thẩm định gắt gao về hồ sơ, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, Trường Nguyễn Siêu (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã trở thành điểm thực hành nghiệp vụ sư phạm quốc tế (Teacher Development Hub School) chính thức và duy nhất tại Việt Nam được ủy quyền bởi Học viện TES.

Nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Vương quốc Anh, chiều nay (15/5), Học viện TES (Times Educational Supplement Institute) của Anh ký kết thỏa thuận hợp tác với Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Siêu.

Theo đó, Trường Nguyễn Siêu trở thành điểm thực hành nghiệp vụ sư phạm quốc tế (Teacher Development Hub School) chính thức và duy nhất tại Việt Nam được ủy quyền bởi Học viện TES, sau khi vượt qua các vòng thẩm định gắt gao về hồ sơ, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên.

Học viện TES cùng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Siêu ký kết thỏa thuận hợp tác.

Học viện TES cùng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Siêu ký kết thỏa thuận hợp tác.

Đây là sự kiện hợp tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực giáo dục trong một bối cảnh thiếu hụt giáo viên toàn cầu. Thực tế cho thấy, quốc tế hóa giáo dục diễn ra mạnh mẽ với sự xuất hiện của nhiều trường quốc tế, chương trình quốc tế. Nhưng tại Việt Nam, lực lượng giảng dạy chủ yếu vẫn dựa vào đội ngũ giáo viên nước ngoài.

Với thỏa thuận hợp tác này, Trường Nguyễn Siêu sẽ cung cấp môi trường giảng dạy, thực hành, giáo viên hướng dẫn, cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng để các học viên tham gia có thể đạt được chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm quốc tế iPGCE được cấp bởi University of East London (UEL).

Với tư cách là điểm thực hành nghiệp vụ sư phạm quốc tế, đội ngũ giáo viên cốt cán của Trường Nguyễn Siêu đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của TES Institute sẽ được lựa chọn để đào tạo trở thành Mentor (người hướng dẫn, đồng hành, hỗ trợ) cho chương trình. Trường Nguyễn Siêu cung cấp cho học viên môi trường thực hành giảng dạy, Mentor và cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại để nâng cao kỹ năng giảng dạy.

Thông tin tại Lễ ký kết, bà Joanne Coles (Giám đốc chương trình quốc tế, Học viện TES, phụ trách chương trình iPGCE - Chứng chỉ Sau đại học Quốc tế về Giáo dục và giám sát chương trình thạc sĩ tại TES) cho biết: “Qua thẩm định, chúng tôi biết Trường Nguyễn Siêu có những giáo viên với tư duy quốc tế, đã tốt nghiệp từ nhiều nơi khác nhau trên thế giới, đồng thời lại có mong muốn phát triển sự nghiệp giáo dục ở Việt Nam. Là một trường song ngữ, Nguyễn Siêu có thể tạo nhiều cơ hội để tập trung vào hội nhập quốc tế song song với việc giữ vững bản sắc Việt Nam.

Tại Vương quốc Anh có các tiêu chuẩn cho Mentor. Vì vậy chúng tôi sẽ áp dụng các tiêu chuẩn đó vào đào tạo Mentor tại Trường. Các giáo viên đạt tiêu chuẩn sẽ được trao chứng nhận Mentor của chương trình. Theo đó, giáo viên sẽ học các lý thuyết thường xuyên được cập nhật liên quan đến phương pháp giảng dạy, tâm lý học sinh, não bộ, cách ứng dụng vào bài giảng…”.

Các đại biểu tham dự Lễ ký kết.

Các đại biểu tham dự Lễ ký kết.

Chia sẻ của bà Joanne Coles chính là cơ sở chân thực khẳng định chất lượng chuyên môn của giáo viên Nguyễn Siêu cũng như hiệu quả mô hình Đồng giảng (Co-Teaching) đã và đang thực hiện tại trường từ 5 năm nay.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Minh (Giám đốc Giáo dục Khối song ngữ, Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Siêu) bày tỏ: “Nguyễn Siêu rất tự hào trở thành điểm thực hành nghiệp vụ sư phạm quốc tế đầu tiên của TES tại Việt Nam. Việc hợp tác với TES đem lại một cơ hội rất lớn cho giáo viên Trường Nguyễn Siêu để có thể chuẩn hóa và chinh phục chứng chỉ giảng dạy quốc tế iPGCE. Đây là bước tiếp theo trong chiến lược chuẩn hóa và đào tạo thế hệ giáo viên Việt Nam đủ năng lực để giảng dạy các chương trình quốc tế của Trường Nguyễn Siêu”.

Bên cạnh đó, những giáo viên đạt chuẩn của Nguyễn Siêu sẽ được đào tạo bởi TES để trở thành những Mentor trong quá trình giúp các giáo viên khác trở thành giáo viên đạt chuẩn quốc tế.

Tham gia hợp tác với Học viện TES, năng lực của đội ngũ giáo viên Việt Nam tại Nguyễn Siêu sẽ được cải thiện thông qua 3 phương diện: Thứ nhất là về triết lý giảng dạy. Các chương trình đào tạo của TES sẽ cung cấp cho giáo viên cơ hội được nâng cao kiến thức chuyên ngành, đặc biệt là những kiến thức, kỹ năng liên quan đến giảng dạy các chương trình quốc tế. Thứ hai là về nghiệp vụ sư phạm. Giáo viên cũng sẽ được đào tạo để có thể thực hành trong môi trường song ngữ quốc tế; Thứ ba là nâng cao về chuẩn nghiệp vụ giảng dạy cho toàn bộ đội ngũ giáo viên của Trường Nguyễn Siêu.

“Cần nói thêm rằng một trong những khó khăn lớn nhất mà chúng tôi gặp phải khi xây dựng mô hình trường song ngữ quốc tế là việc nâng cấp đội ngũ giáo viên bởi vì nếu không có một lực lượng đạt chuẩn quốc tế thì sẽ rất khó để xây dựng một ngôi trường quốc tế.

Việc dựa trên đội ngũ giáo viên nước ngoài trong quá trình triển khai sẽ gặp rất nhiều khó khăn và việc có một đội ngũ giáo viên Việt Nam đạt chuẩn quốc tế để giảng dạy sẽ giúp đem lại sự bền vững và sự phát triển lâu dài của chương trình quốc tế tại một ngôi trường song ngữ. Đấy là trọng tâm của việc nâng cấp đội ngũ giảng dạy, xây dựng đội ngũ giáo viên chất lượng cao để có thể tiệm cận với thế giới. Đó cũng là một trong số những mục tiêu quan trọng nhất của các chương trình song ngữ quốc tế”, Tiến sĩ Nguyễn Quang Minh chia sẻ.

T.P

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/truong-nguyen-sieu-tro-thanh-diem-thuc-hanh-nghiep-vu-su-pham-quoc-te-155874.html