Trường nội trú - ngôi nhà an toàn mùa dịch
Để chương trình năm học được triển khai đúng kế hoạch, thầy cô giáo các nhà trường nội trú tại Thái Nguyên đang nỗ lực hết khả năng, đảm bảo môi trường sinh hoạt, học tập an toàn mùa dịch cho học trò.
GD&TĐ - Để chương trình năm học được triển khai đúng kế hoạch, thầy cô giáo các nhà trường nội trú tại Thái Nguyên đang nỗ lực hết khả năng, đảm bảo môi trường sinh hoạt, học tập an toàn mùa dịch cho học trò.
Xây dựng vùng an toàn “tại chỗ”
Với các trường nội trú, việc được học tập, sinh hoạt tập trung trong trường là một thuận lợi lớn cho học sinh, đồng thời nó cũng đòi hỏi các nhà trường phải làm rất tốt công tác an toàn trường học. Trong đó, việc thường xuyên quan tâm theo dõi, kiểm tra, chăm sóc sức khỏe cho học sinh là hết sức quan trọng.
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Phú Lương (Thái Nguyên) có hơn 350 học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Nhiều gia đình điều kiện khó khăn, cho nên giáo viên phải hằng ngày sát sao với học trò để hướng dẫn, hỗ trợ cả việc học cũng như sinh hoạt.
Thời điểm đầu năm học, Nhà trường được địa phương trưng dụng làm khu cách ly tập trung. Ban Giám hiệu đã phân công các nhóm giáo viên bộ môn đến các xã có học sinh nội trú của trường cư trú, bao gồm cả địa bàn T.P Thái Nguyên, huyện Phú Bình, T.X Phổ Yên, để phối hợp với các trường THCS tại địa phương đó tổ chức dạy học cho học sinh.
Toàn bộ học sinh được gửi học ghép ngay tại các trường nơi cư trú và có giáo viên nội trú đến hỗ trợ hàng tuần. Điều này đã giúp các em không bị gián đoạn mà vẫn được học trực tiếp theo đúng chương trình, không phải tổ chức học trực tuyến.
“Trước khi trở lại trường, tất cả giáo viên và học sinh đều được test nhanh Covid-19. Hằng tuần, chúng tôi cũng test ngẫu nhiên để theo dõi, phát hiện, xử lí kịp thời. Bộ phận y tế phối hợp với đội ngũ giáo viên thường xuyên tư vấn tâm lí và sức khỏe cho học trò. Hiện tất cả học sinh toàn trường đều ổn định học tập, sinh hoạt nội trú” - cô giáo Đỗ Thị Thu Hường, Hiệu trưởng nhà trường trao đổi.
Có thời điểm, toàn trường thực hiện “nội bất xuất, ngoại bất nhập” để phòng, chống dịch. Mọi nguy cơ liên quan đến dịch tễ từ ngoài vào đều được kiểm soát chặt theo quy định. Nhờ đó, suốt từ năm 2021 đến nay, học sinh nhà trường đều được học tập trực tiếp, không bị gián đoạn chương trình.
Để đảm bảo vùng an toàn “tại chỗ”, nhà trường đã xây dựng chi tiết việc ra, vào theo nguyên tắc an toàn mới đến Trường và kiểm soát phòng dịch từ vệ sinh cá nhân, vệ sinh thực phẩm...
Đặc biệt, nhiều phụ huynh vùng sâu, vùng xa nhớ con, cuối tuần đến thăm, nhưng nhà trường vẫn thực hiện đúng các nguyên tắc khai báo y tế đầy đủ và bố trí riêng 1 phòng gặp mặt.
Để tạo môi trường học tập và sinh hoạt tốt, giáo viên và học sinh hàng ngày tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tăng thêm mối quan hệ thân thiện, gần gũi như sinh hoạt tại chính gia đình mình.
“Chúng em về đây học như ở chính nhà mình, sau mỗi giờ học lại cùng nhau tham gia trồng rau, tập thể thao rất vui. Việc học tập nhờ vậy cũng không căng thẳng, mệt mỏi. Chúng em yên tâm và coi đây như ngôi nhà thứ 2 của mình” - em Vương Hà My (học sinh lớp 9B) tâm sự.
Giữ tâm thế học tập
Tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Đồng Hỷ, gần 350 học sinh đang học tập sinh hoạt theo mô hình “khép kín” tại trường, nhằm tránh các nguy cơ lây lan dịch.
Trong những ngày dịch cao điểm, bên cạnh việc phải lo toan nhiều hơn đến việc ăn ở sinh hoạt cho các em sao cho an toàn, nhà tường vẫn phải phải đảm bảo tiến độ dạy học, đặc biệt là vấn đề giữ vững cho trò tâm thế học tập.
Vì có hơn 10 học sinh khối lớp 6 không thể đến trường học trực tiếp, nhà trường đã kịp thời bố trí 3 camera, cùng hệ thống 12 máy chiếu cho 12 phòng học, đảm bảo tất cả các tiết dạy đều được kết nối trực tuyến cho những em nghỉ ở nhà.
Xác định phải nỗ lực hết mình để vượt qua giai đoạn dịch một cách an toàn, cán bộ giáo viên nhà trường tự nguyện nhận thêm nhiều “nhiệm vụ”, từ việc nhận và chuyển đồ mà gia đình gửi cho các con, đến việc giám sát hỗ trợ trong các bữa ăn, kiểm tra sức khỏe thường ngày.
“Giáo viên phải dành thêm thời gian ngoài giờ lên lớp để hỗ trợ học trò, kể cả giờ nghỉ hay buổi tối, để các em có được tâm thế thật tập trung cho việc học. Bên cạnh đó, việc tạo ra các hoạt động như trồng rau, chăm sóc khuôn viên trường lớp, thể dục thể thao cũng rất được coi trọng. Nó giúp học trò được vận động, khám phá, vừa tạo hứng thú vừa rèn luyện sức khỏe” - cô Nguyễn Thanh Huệ, giáo viên nhà trường chia sẻ.
"Giáo viên nhà trường vừa là thầy cô, vừa là người nhà, vừa là y tá bác sĩ nắm bắt tình hình sức khỏe học trò, nhiều khi kiêm nhà tư vấn tâm lí luôn. Trong bối cảnh này, không chỉ dạy học, mà việc giúp các em có được tâm thế học cũng hết sức quan trọng".