Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Bá Thước nâng cao nhận thức pháp luật cho học sinh
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (DTNT) THCS Bá Thước có 8 lớp, với 228 học sinh từ lớp 6 - 9, trong đó 98,3% học sinh người dân tộc Thái, Mường. Nhiều năm qua, nhà trường thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đoàn thể trong huyện tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; trọng tâm là giáo dục đạo đức, giữ gìn văn hóa truyền thống, các phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, đồng thời nhà trường cũng tích cực lồng ghép tuyên truyền nâng cao nhận thức cho học sinh về giới tính, tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống thông qua các môn học, như: Giáo dục công dân, Sinh học, Ngữ văn, sinh hoạt dưới cờ, các buổi học ngoại khóa...
Buổi sinh hoạt ngoại khóa, lồng ghép tuyên truyền pháp luật, tư vấn tâm lý, giáo dục giới tính cho học sinh Trường Phổ thông DTNT THCS huyện Bá Thước.
Em Nguyễn Khương Duy, học sinh lớp 9B, chia sẻ: “Vào các buổi sinh hoạt dưới cờ chúng em được các thầy, cô tuyên truyền về giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản vị thành niên, qua đó chúng em có thêm kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ mình; có cách ứng xử phù hợp với bạn bè, đặc biệt là bạn khác giới. Ngoài ra, tại các buổi sinh hoạt ngoại khóa, chúng em còn được tham gia các trò chơi với bộ câu hỏi tìm hiểu kiến thức pháp luật, như: Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Vấn đề về tình bạn, tình yêu trong lứa tuổi học sinh, cách phòng tránh mang thai ngoài ý muốn...”.
Cô giáo Nguyễn Thị Đào, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT THCS huyện Bá Thước, cho biết: Các em học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường gần như là người dân tộc thiểu số, sinh sống tại vùng cao, phong tục tập quán còn nhiều lạc hậu, điều kiện tiếp cận thông tin còn nhiều hạn chế. Vì vậy, trong khuôn khổ nội dung chương trình học hằng năm, nhà trường lồng ghép đưa các nội dung tuyên truyền về giáo dục giới tính; những hệ lụy từ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho học sinh trong trường. Từ đó, các em hiểu biết để không bỡ ngỡ trong quá trình phát triển thể chất cũng như có thêm kiến thức, kỹ năng trong cuộc sống và xây dựng tình bạn trong sáng ở tuổi học trò. Việc cung cấp các kiến thức này hết sức bổ ích, giúp các em có thái độ sống tích cực và có hành vi đúng đắn trong chăm sóc sức khỏe bản thân, sức khỏe sinh sản; lựa chọn và quyết định đúng trong tình bạn, tình yêu, tình dục, tránh mắc phải những sai lầm đáng tiếc, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống và hạnh phúc tương lai.
Ngoài ra, nhà trường cũng đã thành lập tổ tư vấn giáo dục giới tính, sức khỏe vị thành niên để tuyên truyền theo chủ đề, chủ điểm; cấp phát tờ rơi tuyên truyền phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn, thương tích cho học sinh nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em. Bổ sung vào thư viện nhà trường các tài liệu truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống xâm hại trẻ em; phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... cho học sinh đọc, hiểu. Nhà trường phối hợp với phòng dân tộc, trung tâm y tế dự phòng, công an huyện tổ chức các buổi ngoại khóa tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tư vấn tâm lý; chia sẻ những nội dung, kiến thức cơ bản về giới, bình đẳng giới, vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội; sự phát triển về tâm sinh lý tuổi vị thành niên, tình dục an toàn. Ngoài việc được cung cấp, trao đổi thông tin, học sinh còn được giao lưu, nắm bắt kiến thức thông qua các câu hỏi, đáp liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hằng năm ngay từ đầu năm học mới, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bá Thước đều triển khai văn bản đến các trường THCS trong huyện về việc dạy, lồng ghép các nội dung giáo dục giới tính, kiến thức về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào trong các tiết dạy của giáo viên ở các môn Giáo dục công dân, Ngữ văn, Sinh học... Ông Hà Tự Nhiên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bá Thước, cho biết: 100% các nhà trường thành lập các tổ tư vấn tâm lý; thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt truyền thông, mời các chuyên gia tâm lý, các cá nhân trong huyện có ảnh hưởng tham gia các chương trình truyền thông về giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên, kiến thức về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... Từ đó, giúp các em học sinh nhận thức được tầm quan trọng của các nội dung về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình; nâng cao hiểu biết về giới tính, hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.