Trưởng Phòng cảnh sát giao thông Hà Nội: Xử lý nghiêm các lỗi vi phạm giao thông
Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024 của Chính phủ sẽ chính thức có hiệu lực, với mức xử phạt tăng mạnh đối với các hành vi vi phạm giao thông. Theo Đại tá Trần Đình Nghĩa - Trưởng Phòng cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội, đây là biện pháp quyết liệt nhằm nâng cao ý thức chấp hành luật và bảo đảm an toàn cho người dân khi tham gia giao thông.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định về quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe. Nghị định này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025
Đáng chú ý, Nghị định quy định việc tăng mạnh mức xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm. Đặc biệt, các hành vi tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông sẽ bị xử lý nghiêm khắc hơn. Có thể kể đến như: Sử dụng biển số giả hoặc che biển số; hành vi vượt đèn đỏ, đi ngược chiều...
Phạt tiền từ 18 - 20 triệu đồng đối với ô tô không chấp hành đèn tín hiệu giao thông (tăng từ 4 - 6 triệu đồng), 4 - 6 triệu đồng đối với xe máy (tăng từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng). Các hành vi lạng lách, đánh võng sẽ bị phạt từ 8 - 10 triệu đồng và có thể bị tịch thu phương tiện nếu vi phạm nghiêm trọng.
Hành vi "Mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn gây tai nạn giao thông" sẽ bị phạt từ 400 nghìn - 600 nghìn đồng (mức cũ) lên tới 20 - 22 triệu đồng (mức mới). Đây là mức tăng đáng kể, gấp 36 - 50 lần so với quy định trước đây, nhằm nâng cao ý thức và đảm bảo an toàn giao thông cho tất cả người tham gia.
Theo Nghị định số 168/2024/NĐ-CP, ngoài các mức phạt tăng mạnh đối với những hành vi vi phạm có nguy cơ gây tai nạn giao thông, nhiều hành vi khác cũng sẽ bị xử lý nghiêm khắc, đặc biệt là với các lỗi phổ biến trước đây ít bị xử phạt.
Dùng điện thoại khi đang đi xe, với mức phạt lên tới 4-6 triệu đồng. Hành vi sử dụng biển số giả cũng sẽ bị phạt rất nặng, từ 20-26 triệu đồng nhằm nâng cao tính nghiêm minh trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Đối với xe che dán hoặc không gắn biển số, mức phạt cũng được điều chỉnh để ngăn chặn hành vi trốn tránh trách nhiệm pháp luật.
Với xe máy, một trong những hành vi có mức phạt tăng mạnh là không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông. Mức phạt đối với lỗi này sẽ tăng từ 800 nghìn - 1 triệu đồng lên 4-6 triệu đồng, gấp 5-6 lần so với trước. Đây là hành vi phổ biến, đặc biệt trong các tình huống ùn tắc giao thông tại các điểm giao cắt, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người tham gia giao thông.
Ngoài ra, cơ chế trừ điểm giấy phép lái xe chính thức được áp dụng. Mỗi bằng lái có 12 điểm, nếu bị trừ hết, người vi phạm sẽ phải thi lại lý thuyết sau 6 tháng để được phục hồi... Những thay đổi này nhấn mạnh sự quyết tâm của Chính phủ trong việc kiểm soát tình trạng vi phạm giao thông và giảm thiểu tai nạn trên các tuyến đường.
Thông tin với phóng viên báo Lao động Thủ đô, Đại tá Trần Đình Nghĩa, cho biết, việc tăng mức xử phạt không chỉ nhằm tăng tính răn đe, mà còn để xử lý nghiêm các hành vi cố ý vi phạm, góp phần lập lại trật tự giao thông. Các hành vi như vượt đèn đỏ, lạng lách hay đi ngược chiều, không chỉ là vi phạm pháp luật, mà còn gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng của những người tham gia giao thông.
Thời gian tới, cùng với việc tăng cường xử lý vi phạm, lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát và triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân. Những biện pháp đồng bộ này không chỉ nhằm giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông, mà còn hướng tới xây dựng một môi trường giao thông an toàn, văn minh, góp phần khẳng định hình ảnh một Thủ đô hiện đại, kỷ cương và đáng sống.