Trưởng phòng Tư pháp Lê Hồng Thanh sáng tạo, đưa pháp luật đến với người dân

Hơn 7 năm trên cương vị Trưởng phòng Tư pháp thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, anh Lê Hồng Thanh luôn tận tụy, tâm huyết và có nhiều sáng kiến trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến các tầng lớp nhân dân, góp phần không nhỏ đưa những nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Anh Lê Hồng Thanh, Trưởng phòng Tư pháp thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Anh Lê Hồng Thanh, Trưởng phòng Tư pháp thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Cầu nối đưa pháp luật đến với người dân

Sau khi tốt nghiệp ngành Luật, Trường Đại Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, anh Lê Hồng Thanh về công tác tại UBND huyện Tĩnh. Từ năm 2011 đến 2014 anh Thanh được cử đi đào tạo trình độ Thạc sĩ tại Trung Quốc theo Đề án 165 “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước”.

Đến năm 2017, anh Lê Hồng Thanh được bổ nhiệm Trưởng phòng Tư pháp huyện Tĩnh Gia, nay là thị xã Nghi Sơn. Ở cương vị này, anh Thanh được đánh giá là người cán bộ cần mẫn với hoạt động chuyên môn và có nhiều đổi mới, sáng tạo trong công việc, nhất là công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) với mong muốn các kiến thức pháp luật được mọi người dân tiếp cận đơn giản, dễ dàng và chính xác nhất.

Việc thị xã Nghi Sơn được thành lập năm 2020 với mục tiêu “Đến năm 2025, thị xã Nghi Sơn – Khu kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) trở thành trung tâm kinh tế, đô thị động lực của tỉnh và khu vực, đến năm 2030 trở thành một trung tâm kinh tế, đô thị ven biển trọng điểm của cả nước” là thách thức rất lớn đối với Đảng bộ, chính quyền, các cấp, các ngành trên toàn thị xã, đặc biệt là ngành Tư pháp.

Phát triển đô thị, thay đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư, lượng lớn người lao động, sản xuất trên địa bàn, công tác giải phóng mặt bằng và sắp xếp lại dân cư, quy hoạch, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh càng được chú trọng, làm phát sinh nhiều vấn đề xã hội như: vi phạm quy hoạch, trật tự xây dựng, đất đai; vấn đề ô nhiễm môi trường; tội phạm, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình; tranh chấp lao động, an sinh xã hội, việc làm, khiếu nại, tố cáo...

Để Nhân dân hiểu, ủng hộ sự phát triển của thị xã, thuận lợi thi hành các chính sách, chủ trương của chính quyền, anh Lê Hồng Thanh đã mạnh dạn tham mưu xây dựng và ban hành Đề án “Tăng cường công tác PBGDPL, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thị xã Nghi Sơn, giai đoạn 2021-2025”. Nội dung đề án bám sát chủ trương đường lối của Đảng, các quy định của pháp luật phù hợp với từng nhóm đối tượng và địa bàn tuyên truyền, hình thức phổ biến pháp luật đa dạng.

Trong quá trình triển khai Đề án, anh Thanh luôn trăn trở làm thế nào để tổ chức hiệu quả các hình thức PBGDPL phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn dân cư.

Các Luật, Nghị quyết mới được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và kỳ họp bất thường thứ 5, Quốc hội khóa XV được tuyên truyền, phổ biến kịp thời cho người dân phường Trúc Lâm, thị xã Nghi Sơn.

Các Luật, Nghị quyết mới được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và kỳ họp bất thường thứ 5, Quốc hội khóa XV được tuyên truyền, phổ biến kịp thời cho người dân phường Trúc Lâm, thị xã Nghi Sơn.

Ngay từ khâu đầu tiên, anh kỹ càng trong lựa chọn các nội dung thiết thực, sát sườn, liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp như Luật đất đai 2024, Luật nhà ở (sửa đổi); những vấn đề người dân, xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội như công tác hộ tịch, giải phóng mặt bằng,... Sau đó, anh cùng với cán bộ Phòng Tư pháp thị xã Nghi Sơn dùng các hình thức tuyên truyền đa dạng, từ truyền miệng hay qua hội nghị đến tuyên truyền lồng ghép vào các cuộc họp, nói chuyện chuyên đề, chương trình văn hóa nghệ thuật, văn nghệ, sinh hoạt của các đoàn thể, câu lạc bộ pháp luật và các thiết chế văn hóa khác ở cơ sở... cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân.

Anh Thanh cũng là người đề xuất xây dựng các chương trình, chuyên mục; tăng thời lượng, thời gian phát sóng trên hệ thống phát thanh, truyền hình thị xã về các thông tin, phổ biến giáo dục pháp luật; hỏi đáp pháp luật...; chú trọng số lượng, chất lượng các loại tài liệu pháp luật để hỗ trợ việc tuyên truyền PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng đảm bảo tính định hướng các vấn đề nóng trong dư luận xã hội.

Đến nay, sau 4 năm Đề án được phê duyệt và đưa vào thực thi, ngành Tư pháp thị xã Nghi Sơn đã có những bước tiến đáng ghi nhận, bắt kịp với đà phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phòng Tư pháp thị xã luôn hoàn thành nhiệm vụ, phổ biến kịp thời, đầy đủ những nội dung pháp luật liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của cán bộ, Nhân dân trên địa bàn.

Kiên trì trong công tác tuyên truyền giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm

Đồng hành với sự phát triển trong lĩnh vực đầu tư- kinh tế là sự nở rộ của các dự án, khu công nghiệp – cụm công nghiệp, vấn đề GPMB ở Nghi Sơn cũng trở thành điểm nóng. Từ năm 2018, UBND thị xã Nghi Sơn đã được UBND tỉnh Thanh Hóa giao cho thẩm định và lên kế hoạch cưỡng chế thu hồi đất GPMB.

Với cương vị Trưởng Phòng Tư pháp, anh Lê Hồng Thanh đã thẩm định hàng trăm hồ sơ cưỡng chế thu hồi đất thuộc các dự án; phương án đảm bảo an ninh trật tự cho thi công các dự án trên địa bàn; hồ sơ xử lý VPHC, bao gồm lĩnh vực giao thông, lĩnh vực xây dựng, lĩnh vực đất đai, khoáng sản, lĩnh vực thủy sản, an toàn đường điện; phương án cưỡng chế quyết định xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, anh cũng tham mưu cho UBND thị xã xây dựng nhiều phương án cưỡng chế thu hồi đất, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm; nhiều phương án đảm bảo ANTT thi công...

Chia sẻ với chúng tôi, anh Thanh cho biết, để người dân đồng thuận trong công tác GPMB, thị xã Nghi Sơn luôn thực hiện thông báo, đối thoại công khai, minh bạch kịp thời về các dự án; các chính sách, quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để người dân trong vùng dự án nắm rõ. Trong quá trình thực hiện các bước, trước khi tổ chức phương án cưỡng chế, chúng tôi luôn ưu tiên tuyên truyền, vận động, kiên trì giải thích, thuyết phục người dân chấp hành các quy định pháp luật về GPMB, từ đó giảm thiểu đến mức thấp nhất việc phải tổ chức các phương án cưỡng chế thu hồi đất.

“Làm tốt các bước trong công tác bồi thường GPMB không chỉ bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp và ổn định cuộc sống cho người dân bị thu hồi đất, mà còn hạn chế tình trạng tranh chấp, bất đồng, khiếu kiện trong Nhân dân”, anh Thanh khẳng định.

Đối với những hộ dân không đồng ý kê khai, kiểm đếm đất và tài sản trên đất, không tự nguyện chấp hành quyết định thu hồi đất, anh luôn dẫn đầu đoàn công tác, với phương châm mưa dầm thấm lâu, đến lắng nghe nguyện vọng, giải quyết vướng mắc, đồng thời giải thích rõ chính sách cho người dân hiểu để người dân đồng thuận, ủng hộ. Tuy nhiên, với những hộ cố tình chây ỳ, đưa ra yêu sách không có cơ sở, anh cũng cương quyết thực hiện công tác tham mưu Chủ tịch UBND thị xã ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật.

Anh Lê HồngThanh phát biểu tại Hội nghị tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về Xây dựng xã, phường đạt chuẩn tiếp cận Pháp luật năm 2024 của thị xã Nghi Sơn

Anh Lê HồngThanh phát biểu tại Hội nghị tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về Xây dựng xã, phường đạt chuẩn tiếp cận Pháp luật năm 2024 của thị xã Nghi Sơn

Anh Lê Văn Chiến, một người dân ở xã Tân Trường bày tỏ: “Trước đây gia đình tôi sinh sống trên mảnh đất gần 1000 m2, khi nhà nước thông báo gia đình tôi là một trong những hộ thuộc diện di dời, nhường đất ở sinh hoạt và làm nông nghiệp cho mặt bằng Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam nên gia đình tôi rất lo lắng, bởi sẽ gặp nhiều khó khăn, bất tiện khi rời nơi ở cũ để đến nơi khác sống. Nhưng khi được anh Lê Hồng Thanh cùng đoàn công tác tuyên truyền, vận động và giải thích vì chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nên sau khi bàn bạc, gia đình đã hoàn toàn đồng tình, ủng hộ bàn giao mặt bằng và được bồi thường, hỗ trợ mua đất tại khu tái định cư”.

Tính đến ngày 10/9/2024, UBND thị xã Nghi Sơn đã tổ chức được 75 hội nghị giao ban, kiểm điểm tiến độ và giải quyết các khó khăn, vướng mắc tại các dự án; Các Hội đồng bồi thường đã tổ chức khoảng 135 hội nghị triển khai, đối thoại, vận động, thuyết phục các hộ dân nhận tiền, bàn giao mặt bằng dự án.

Phòng Tư pháp thị xã đóng vai trò tham mưu trong việc ban hành 44 Thông báo kết luận, 125 văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác GPMB; 149 văn bản báo cáo, tờ trình đề nghị UBND tỉnh và các sở, ban, ngành cấp tỉnh xin ý kiến về cơ chế chính sách giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB trên địa bàn.

Cũng trong 9 tháng đầu năm 2024, UBND Nghi Sơn ban hành 13 Quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với 13 hộ tại 9 dự án và thực hiện cưỡng chế thu hồi đất 02 dự án Khu đô thị du lịch sinh thái biển Tân Dân và Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông cốt thép công nghệ cao Đại Dương tại xã Tùng Lâm. Tuy nhiên, sau khi tổ chức đối thoại, vận động, thuyết phục đối với các hộ đã có Quyết định cưỡng chế thu hồi đất, 05/05 hộ phường Tân Dân; 01/01 hộ xã Tùng Lâm; Đến nay các hộ đã chấp hành Quyết định thu hồi và nhận đầy đủ kinh phí bồi thường và bàn giao 100% mặt bằng thực hiện dự án đáp ứng theo chỉ đạo của UBND tỉnh giao.

Chính quyền thị xã Nghi Sơn đã hoàn thành bàn giao GPMB 290,78 ha tại 36 dự án (Đạt khoảng 75,2% so với kế hoạch), hoàn thành GPMB các dự án trọng điểm như nhà máy cơ khí công nghệ cao của Công ty Đại Dũng, Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông cốt thép công nghệ cao Đại Dương tại xã Tùng Lâm, dự án chống ngập úng đường 513 KKT Nghi Sơn; Dự án Đường điện 500kV Quỳnh Lưu - Thanh hóa…

Anh Lê Hồng Thanh chia sẻ: “Thị xã Nghi Sơn là địa bàn trọng điểm để phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng an ninh của tỉnh và cả nước nên có rất nhiều dự án đầu tư trên địa bàn. Vì vậy, công tác GPMB tái định cư được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Những năm qua, với nhiệm vụ của mình phòng Tư pháp đã tích cực làm công tác tham mưu, thẩm định các văn bản có liên quan để đảm bảo chính sách pháp luật. Đồng thời, làm tốt công tác phối hợp với các ban chuyên môn, các xã, phường trong việc tuyên truyền PBGDPL, tăng cường đối thoại với người dân bị ảnh hưởng dự án sớm bàn giao mặt bằng để kịp thời triển khai dự án”

Cấp ủy, chính quyền thị xã Nghi Sơn tổ chức đối thoại trực tiếp để triển khai các giải pháp tuyên truyền, vận động nhân dân trong công tác GPMB.

Cấp ủy, chính quyền thị xã Nghi Sơn tổ chức đối thoại trực tiếp để triển khai các giải pháp tuyên truyền, vận động nhân dân trong công tác GPMB.

Những kết quả tích cực trên có phần đóng góp không nhỏ của Phòng Tư pháp thị xã Nghi Sơn và của vị thuyền trưởng Lê Hồng Thanh. Chính sự kiên trì, nhiệt huyết trong công tác tuyên truyền, vận động của đơn vị đã tạo sự tin tưởng, đồng thuận của Nhân dân, bảo đảm thống nhất trong nhận thức và hành động của các cơ quan liên quan đối với công tác GPMB, từ đó góp phần thực hiện hiệu quả các dự án, xây dựng thị xã Nghi Sơn – KKTNS trở thành trung tâm kinh tế, đô thị động lực của tỉnh và khu vực.

Đánh giá về anh Lê Hồng Thanh, ông Mai Sỹ Lân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn cho biết: “Đồng chí Lê Hồng Thanh là người có năng lực nghiên cứu, tích cực chủ động tham mưu cho Chủ tịch UBND trong lĩnh vực Tư pháp. Đồng chí đã tham mưu cho Chủ tịch UBND thị xã ban hành Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thị xã Nghi Sơn, giai đoạn 2021-2025”. Đồng thời, tích cực tham mưu xây dựng xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Quá trình công tác, đồng chí luôn được đánh giá hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần giúp Chủ tịch UBND thị xã thực hiện hiệu quả quá trình xây dựng kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn thị xã”.

Với những đóng góp và cống hiến không ngừng nghỉ, anh Lê Hồng Thanh vinh dự nhận nhiều khen thưởng của Sở tư pháp Thanh Hóa, UBND thị xã. Đặc biệt, sau 5 năm liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, anh được Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen năm 2021. Cũng trong năm này, anh nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vì đã có nhiều thành tích trong thực hiện Đề án “Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021”, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

Phạm Dương – Lê Loan

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/truong-phong-tu-phap-le-hong-thanh-sang-tao-dua-phap-luat-den-voi-nguoi-dan-post531612.html