Trường Sa ngày mới
45 năm sau ngày ngọn cờ giải phóng tung bay trên quần đảo Trường Sa, quân và dân huyện đảo đang bước vào thời kỳ lịch sử mới. Thời kỳ xây dựng quần đảo Trường Sa 'mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường'…
Chung tay dựng xây đảo
Chúng tôi đặt chân đến thị trấn Trường Sa trong một ngày biển lặng. Khi vào âu tàu, con tàu KN491 với lượng choán nước 2.400 tấn đã được lai dắt vào đến tận cầu cảng. Từ trên boong tàu, có thể quan sát thấy những cư dân Trường Sa đã chỉnh tề trong bộ quần áo và nón lá mới vẫy chào, vui đón. Những em bé gái trong bộ áo dài xinh xắn. Còn những bé trai thì bận trên mình bộ quần áo hải quân còn nếp gấp. Phóng tầm mắt về cuối đảo, thị trấn Trường Sa hiện ra như một bức tranh tuyệt mỹ giữa trùng khơi. Từ sân bay, trạm rada, hệ thống năng lượng sạch, những căn nhà nhỏ của các cư dân xen lẫn những hàng cây xanh cao vút khiến tất cả phải trầm trồ.
Đặt chân lên cầu cảng, vùng biển đảo tuy xa mà gần, nhiều người cứ ngỡ như thân quen lắm dù lần đầu lên đảo. “Đảo thật đẹp và lộng lẫy. Lần đầu đặt chân lên đảo, tôi cứ ngỡ như một góc làng quê tôi ở Hưng Yên. Nơi đây có cây cối xanh rợp bóng mát, đường bê tông và cả những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi”, nhà báo Phạm Văn Quang - phóng viên Báo Điện Biên Phủ thốt lên đầy bỡ ngỡ. Anh nói thêm: “Trường Sa anh hùng lâu nay chỉ được nghe qua báo, đài nhiều nhưng vẫn chưa thể hình dung hết được. Hôm nay, được tận mắt chứng kiến quân, dân Trường Sa dựng xây đảo, mới thấy hết được những nỗ lực, vươn lên mạnh mẽ của vùng đất giữa Biển Đông”. Đứng bên cạnh, nhà báo Nguyễn Ngọc Diên - Báo Văn Hóa cũng cùng chung cảm nhận. Năm nay đã 55 tuổi, nhưng lần đầu đến Trường Sa, anh tranh thủ từng phút giây để ghi lại những khoảnh khắc dù là nhỏ nhất của đất và người nơi đây. “Tôi không nghĩ nơi này lại đẹp đến vậy!”, anh Diên tâm sự.
Ngay khi đặt chân lên đảo, đoàn công tác đã tới Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, dâng hương và dành một phút mặc niệm các anh hùng đã ngã xuống vì sự bình yên, vẹn toàn của biển đảo Trường Sa. Cùng với đó, đoàn còn tới Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh dâng hương, dâng hoa. Đi được một đoạn, chúng tôi gặp tốp trẻ vui đùa dưới tán bàng vuông xanh mướt. Cạnh đó, một đàn gà con đang được gà mẹ cần mẫn dắt đi tìm thức ăn dưới tán bàng vuông. Không khí này khiến nhiều người liên tưởng tới một vùng quê trên đất liền. Đi thêm một đoạn, chúng tôi gặp vợ chồng anh Nguyễn Minh Vinh và chị Võ Thị Sông đang chăm chỉ khâu lại những mắt lưới trước hiên nhà. “Chúng tôi quê ở phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa. Ra lập nghiệp ở đảo đã được mấy năm nay. Cuộc sống ở đảo tuy không được như đất liền nhưng ai nấy đều chung sức, nỗ lực lao động, dựng xây đảo”, anh Vinh cười nói.
Cũng như các cư dân trên đảo, ngoài thời gian lao động, anh còn tham gia lực lượng dân quân tự vệ của thị trấn. “Những lúc đêm xuống là chúng tôi phối hợp cùng các lực lượng khác đi tuần quanh đảo. Còn ban ngày, những lúc rảnh rỗi, gia đình chúng tôi còn tham gia dọn dẹp vệ sinh những khu tâm linh như Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ”, anh Vinh cho biết.
Những âu tàu nhộn nhịp
Khi mặt trời vừa xuống biển cũng là lúc tàu đánh cá KH96679TS do ông Trương Gia Tân (trú ở Hòn Rớ, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) làm thuyền trưởng vào đến âu tàu đảo Trường Sa. “Tàu chúng tôi hành nghề câu cá ngừ đại dương. Nghe đài báo có gió mạnh ở Trường Sa kèm sóng lớn, chúng tôi đã nhanh chóng cho tàu vào đảo để tránh những rủi ro có thể xảy đến”, ông Tân cho biết. Chỉ vào con tàu đánh cá có số hiệu KH95879TS đang chạy thẳng vào âu tàu, ông Tân tâm sự: “Đó là tàu của ông Võ Văn Điệp, cũng ở Hòn Rớ, cùng ra ngư trường Trường Sa đánh bắt cá ngừ. Đã 20 năm nay, chúng tôi chọn ngư trường này để mưu sinh”. Họ là những ngư dân can trường với nước da đen sạm, quanh năm sống trên biển và luôn phải đối mặt với hiểm nguy trực chờ, nhất là với thời tiết thường thay đổi ở quần đảo này. Vì thế, những âu tàu ở Trường Sa đã giúp những ngư dân được an toàn hơn mỗi khi mùa mưa bão ập đến.
Không chỉ thị trấn Trường Sa có âu tàu kiên cố, có thể cùng một lúc chứa hàng trăm con tàu đánh cá, ở huyện đảo này còn có 3 âu tàu khác. Ấn tượng với chúng tôi nhất vẫn là âu tàu ở đảo Đá Tây. 10 năm trước, Đá Tây vỏn vẹn chỉ có vài ngôi nhà, thì nay đã có cả một âu tàu giữa biển khơi. Cùng với đó là cây cối xanh mát, hệ thống hậu cần nghề cá được hoàn thiện. Âu tàu này lúc cao điểm có thể chứa được gần 300 tàu cá tránh trú bão an toàn.
Trong tiếng động cơ ồn ã, thợ máy Trần Hào Quang - nhân viên điện lạnh Trung tâm Dịch vụ hậu cần đảo Đá Tây cho chúng tôi biết: “Nếu như trước kia, ngư dân phải mang theo đá ngay từ trên bờ thì hiện nay họ có thể tới và mua đá bảo quản trên đảo Đá Tây. Việc cung cấp đá cho ngư dân như thế này đã rút ngắn nhiều thời gian và công sức, cũng như chi phí của những con tàu đánh cá mỗi khi ra Trường Sa hành nghề”. Ở Đá Tây, ngư dân còn được cung cấp dầu, gạo, nước ngọt và các nhu yếu phẩm khác. “Tới đây, tôi ngỡ như ở trên đất liền vì có thể nghỉ ngơi và giao lưu với các ngư dân từ nơi khác đến mua nhu yếu phẩm. Cách đây 10 năm, chúng tôi có mơ cũng không thể hình dung Đá Tây lại phát triển được như bây giờ”, ngư dân Trần Văn Phi, trú xã Phước Đồng, TP. Nha Trang phấn khởi cho chúng tôi biết.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Đình Hải - Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa cho biết, những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, sự chung tay giúp sức của các bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương, nhân dân cả nước và kiều bào ở nước ngoài, cùng với ý chí, nghị lực, sức sáng tạo, tinh thần lao động hăng say của quân dân huyện đảo, diện mạo của Trường Sa được đổi mới từng ngày, khang trang hơn, kiên cố hơn.
Thành Long
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202005/truong-sa-ngay-moi-8163702/