Trường Sa thật gần

Những người lính Trường Sa trở về đất liền không quên mang theo cây bàng vuông trên vai được chăm chút cẩn thận. Ảnh: XUÂN HIẾU

Trong hệ sinh thái cây xanh trên các đảo ở Trường Sa, cùng với phong ba, bão táp, bàng vuông là loại cây biểu trưng cho sức sống mãnh liệt ở nơi đầu sóng ngọn gió, quanh năm thời tiết khắc nghiệt.

Loài cây này là biểu trưng cho hình tượng của người lính biển cùng tình yêu sắt son với nơi tuyến đầu Tổ quốc này đã và đang đâm chồi, nảy lộc ở đất liền xứ Nẫu hoa vàng cỏ xanh.

Món quà ý nghĩa

Bàng vuông có tên khoa học Barringtonia asiatica, một loài cây gỗ loại nhỏ đến vừa. Lá đơn, mọc cách, rụng vào mùa đông; phiến lá hình trứng ngược, dài khoảng 30cm, rộng khoảng 15cm, thường được bộ đội Trường Sa dùng để gói bánh chưng vào dịp tết Nguyên đán thay cho lá chuối và lá dong. Hoa bàng vuông lưỡng tính, có màu trắng, nhụy tím, mọc thành chùm ở đầu cành, nở vào ban đêm. Gốc hoa có một lá bắc nhỏ, cuống hoa dài 3,5- 4cm. Trái hình đèn lồng, thường có 4 cánh vuông. Chính đặc điểm này mà cây được gọi là bàng vuông.

Vượt nắng gió khốc liệt, bão táp mưa sa, những cây bàng vuông vẫn hiên ngang bén rễ, cắm sâu vào nền đá san hô, tạo nên dáng đứng hiên ngang như chính những người lính đảo Trường Sa giữa mây trời, sóng nước mênh mông.

Không chỉ là một loài cây quý hiếm, bàng vuông còn có giá trị tinh thần lớn lao đối với người dân Việt Nam vì đó là loài cây đặc hữu của Trường Sa - một trong hai huyện đảo tiền tiêu nằm giữa biển Đông của nước ta. Nhiều người lính đảo cho biết có những cây bàng vuông chỉ nở vào đúng độ tết đến, xuân về. Hình ảnh những chùm hoa trắng, nhụy hoa tím ngắt, bung nở tuyệt đẹp trong đêm luôn hằn sâu trong tâm thức của họ sau khi hoàn thành nghĩa vụ trở về đất liền.

Đẹp và có ý nghĩa thiêng liêng như vậy, nên hầu như người nào ra thăm đảo cũng đều mong muốn được mang hạt giống bàng vuông về trồng ở đất liền. Còn với những người lính đảo, trái và cành chiết từ những cây bàng vuông khỏe mạnh luôn được cất để dành làm quà tặng gửi về đất liền mỗi khi có người ra thăm đảo hoặc mang theo khi có dịp nghỉ phép về quê. Món quà tuy giản dị nhưng chứa đựng tình cảm, tình yêu son sắt của người lính đảo đối với quê hương, Tổ quốc.

Nhịp cầu nối đất liền với đảo xa

Anh hùng LLVT Nhân dân Hồ Đắc Thạnh cho biết, hằng năm và mỗi khi có dịp đến Phú Yên, lãnh đạo Vùng 4 Hải quân đều ghé thăm gia đình ông. Một món quà vô cùng ý nghĩa và thiêng liêng được cán bộ chiến sĩ Hải quân Vùng 4 tặng ông cách đây mấy năm là một cây bàng vuông được mang về từ Trường Sa. Đó chính là hình ảnh biểu trưng cho tinh thần, sức sống mãnh liệt cùng tình yêu vẹn toàn với Tổ quốc và biển đảo quê hương của những người lính đảo. Cây bàng vuông được ông trồng trong chậu kiểng to đặt trong sân nhà và hàng ngày chăm sóc cẩn thận. Để nhiều người được nhìn thấy loài cây là biểu tượng của Trường Sa này, ông đã mang tặng nó cho Khu di tích lịch sử Bến - Tàu Không số Vũng Rô. “Cây bàng vuông được trồng ở khu di tích lịch sử này gắn liền với huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển như nối đất liền và Trường Sa lại với nhau; đồng thời khẳng định Phú Yên luôn bên Trường Sa, Hoàng Sa và những người lính Hải quân Nhân dân Việt Nam anh hùng”, Anh hùng Hồ Đắc Thạnh bày tỏ.

Trong khuôn viên doanh trại Hải đội 2 BĐBP tỉnh cũng trồng hai cây bàng vuông do Hải đoàn 48 mang về từ Trường Sa tặng. Cả hai đều đang phát triển tốt, cành lá sum sê và một cây đã trổ hoa, ra trái. Đại úy Đặng Long Định, Chính trị viên Hải đội 2 chia sẻ: Bàng vuông là biểu tượng của Trường Sa thân yêu nên đơn vị ra sức bảo vệ và chăm sóc cây một cách tốt nhất. Ngoài những giờ tuần tra, canh gác, huấn luyện, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị thường quây quần dưới bóng mát của hai gốc cây này chuyện trò, sinh hoạt văn hóa văn nghệ và cảm nhận Trường Sa thật gần. Qua đó chia sẻ những khó khăn vất vả của đồng đội đang ngày đêm chắc tay súng bảo vệ quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc ở xa đất liền hàng trăm hải lý.

Trường THPT Nguyễn Văn Linh đứng chân ở làng cát Hòa Hiệp Trung (TX Đông Hòa) bên bờ biển Đông. Ban Giám hiệu nhà trường đã có ý tưởng xây dựng cột mốc chủ quyền Trường Sa và trồng nhiều cây bàng vuông trong khuôn viên sân trường. Theo thầy Nguyễn Đình Diêm, nguyên Hiệu trưởng nhà trường, nhiều người, nhất là các em học sinh mơ ước nhưng chưa một lần được đặt chân đến Trường Sa để nếm trải nắng gió nơi biển đảo xa xôi, chỉ được biết đến Trường Sa qua sách vở và truyền thông. Vì vậy, việc trường trồng những cây bàng vuông và xây dựng mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa là nhằm cụ thể hóa ước mơ đó. Qua đó cũng góp phần định hướng, khơi dậy lòng yêu nước, yêu biển đảo quê hương, giáo dục ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc cho những chủ nhân tương lai của đất nước từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Trong vườn nhà của ông Đoàn Ngọc Thành ở xã Xuân Lộc (TX Sông Cầu) cũng có một cây bàng vuông đã nhiều lần ra hoa, kết trái. Theo gia chủ, cây bàng vuông này được chiết từ cây bàng vuông mẹ ở Trường Sa và được ông trồng ở nhà riêng tại quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh một thời gian. Sau khi hồi cố hương, ông không quên đưa cây bàng này cùng về quê để mỗi ngày được nhìn thấy nó luôn hiện hữu, khắc sâu hình ảnh kiên cường, bất khuất của những chiến sĩ hải quân nơi đảo xa đang ngày đêm chắc tay súng để bảo vệ bờ cõi, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Những cây bàng vuông đang lên xanh và ra hoa kết trái trên mảnh đất hoa vàng cỏ xanh như nhịp cầu nối tình cảm giữa đất liền với biển đảo quê hương; tiếp thêm sức mạnh, động lực giúp quân dân huyện đảo Trường Sa giữ vững niềm tin nơi đầu sóng ngọn gió, kiên cường bảo vệ quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngoài bàng vuông, những vỏ ốc biển, viên đá, nhánh san hô của quần đảo Trường Sa cũng thường được bộ đội Trường Sa dùng làm quà, đưa về đất liền là minh chứng vô giá khẳng định chân lý về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Những hiện vật có ý nghĩa sâu sắc này cũng góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng cho thế hệ trẻ.

LẠC HỒNG

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/367/290390/truong-sa-that-gan.html