Trường sư phạm sẽ tập huấn chương trình mới cho giáo viên
Cách làm này sẽ thay thế mô hình bồi dưỡng giáo viên các cấp do vụ chuyên môn của Bộ GD&ĐT thực hiện.
Đây là lần đầu tiên trường sư phạm tham gia, chịu trách nhiệm trực tiếp về công tác này. Sự thay đổi này và cơ chế kết hợp giữa trường sư phạm với Sở GDĐT, dưới sự chỉ đạo của Bộ GDĐT, nhằm tạo ra sự thống nhất, bài bản trong đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên.
Theo đó, Kế hoạch bồi dưỡng giáo viên của từng địa phương do trường đại học sư phạm phụ trách phối hợp Sở GD&ĐT thống nhất xây dựng, báo cáo Bộ và triển khai thực hiện phù hợp. Bộ GD&ĐT sẽ thành lập ban điều hành, giám sát việc bồi dưỡng giáo viên ở các địa phương để nắm bắt, giám sát thực tế công tác tổ chức thực hiện.
“Quan điểm của Bộ GD&ĐT là giao cho các trường đại học sư phạm, Học viện Quản lý giáo dục trực tiếp tham gia bồi dưỡng dưới sự phối hợp, hỗ trợ của các Sở GD&ĐT, các nhà trường phổ thông và chỉ đạo của Bộ GD&ĐT” - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nói.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết việc bồi dưỡng giáo viên trước đây chủ yếu theo cách truyền thụ kiến thức với một số nội dung có sẵn và giáo viên cũng muốn được mang cái có sẵn đó về giảng dạy cho học sinh. Kiểu cầm tay chỉ việc như thế rất dễ dàng cho giáo viên và người đi bồi dưỡng. Nhưng ở chương trình GDPT mới, nhận thức và cách thức bồi dưỡng đã thay đổi.
“Phải biến nhận thức và cách thức được bồi dưỡng trở thành tự bồi dưỡng”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói. Theo đó, giáo viên phải chủ động, năng động tìm hiểu, nắm bắt nội dung, yêu cầu, mục tiêu cần đạt… của chương trình GDPT mới, chương trình các môn học. Chương trình mới được thiết kế theo hướng mở để giáo viên được chủ động, sáng tạo trong cách giảng dạy của mình.
Với các video trao đổi gốc, học liệu gốc về chương trình tổng thể, chương trình môn học, nguyên lý, mục tiêu, yêu cầu cần đạt… của chương trình giáo dục phổ thông mới, được đưa lên mạng, tất cả các giáo viên đều có thể tiếp cận để nghiên cứu, học tập.
Trước khi tham dự bồi dưỡng trực tiếp, các giáo viên đều phải nghiên cứu trước các tài liệu này để nắm được các vấn cơ bản của chương trình GDPT mới. Những học liệu trên sẽ tồn tại trên hệ thống online, giúp giáo viên đọc, học, nghiên cứu nhiều lần.
Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến cũng có diễn đàn để giáo viên khi thấy khúc mắc, khó khăn có thể trao đổi ngay với giảng viên chủ chốt, giáo viên cốt cán.
Công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên sẽ phải đảm bảo tiến độ về thời gian để đáp ứng lộ trình triển khai của chương trình giáo dục phổ thông mới. Năm học 2020-2021 tới sẽ áp dụng chương trình mới cho tất cả học sinh lớp 1, năm học 2021-2022 sẽ áp dụng cho lớp 2, lớp 6, năm học 2022-2023 cho lớp 3,7,10 và cuốn chiếu đến năm học 2024-2025 tất cả các cấp học, lớp học sẽ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
MK