Trưởng thành nơi xứ người

Rời ghế nhà trường, không chỉ rời xa vòng tay bao bọc của cha mẹ, nhiều bạn trẻ đã 'xách ba lô' làm quen với cuộc sống nơi xứ người. Du học - không chỉ nuôi dưỡng giấc mơ chinh phục những tri thức, những chân trời mới, mà còn là cơ hội để họ trưởng thành từ chính nơi đất khách.

Thành quả cho người biết nắm lấy cơ hội

Đến giờ, Nguyễn Hải Yến, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) vẫn không tin mình có cơ hội được theo học tại Học viện Quản lý phát triển Singapore, Top 10 trường Đại học tốt nhất ở Đảo quốc Singapore. Yến là học sinh giỏi nhiều năm liền của Trường THPT Nguyễn Văn Huyên. Thi đỗ Trường Đại học Ngoại thương, em chỉ nghĩ mình sẽ chuyên tâm học tập và tốt nghiệp với số điểm cao nhất tại trường này. Nhưng cơ hội mở ra, khi cách đây 3 năm, Học viện Quản lý phát triển Singapore triển khai chương trình học bổng cho sinh viên Việt Nam, Yến may mắn khi nhận được học bổng này toàn phần và theo học tại đây, với 2 ngành chính là Quản trị du lịch và khách sạn và ngành Quản trị kinh doanh. Yến nói tiếng Anh trôi chảy từ khi còn học THPT, nên sang Singapore, em không mất nhiều thời gian để làm quen với thứ ngôn ngữ quốc tế này, mà có thể bắt tay vào học luôn.

Yến kể, tháng đầu tiên sang học, gần như đêm nào em cũng thức suốt đêm khóc vì nhớ nhà, thậm chí có bữa đang ăn sáng cũng òa lên khóc vì thèm bánh cuốn Tuyên Quang quá, nhưng nhớ đến hoàn cảnh gia đình mình, Yến lấy nỗi nhớ nhà làm động lực để vươn lên.

Sống ở đất nước đắt đỏ nhất thế giới, Yến chọn cách tự nấu ăn. Một tuần em đi chợ một lần, may mắn là ở Singapore, ẩm thực và thực phẩm có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, nên chuyện ăn uống với em cũng khá thuận lợi.

Hoàng Tuấn Anh (thứ 2 từ phải qua) cùng các sinh viên người Tuyên Quang tại Nga.

Hoàng Tuấn Anh (thứ 2 từ phải qua) cùng các sinh viên người Tuyên Quang tại Nga.

Ấn tượng của Yến với đất nước này là phong cách làm việc chuyên nghiệp, môi trường sống trong lành, nhiều cây xanh và một nền văn hóa đa dạng, phong phú. Thời gian không theo học trên lớp, Yến học thêm tiếng Trung, tiếng Malaysia, 2 thứ ngôn ngữ này giúp em rất nhiều trong cuộc sống, vì theo Yến, Singapore là đất nước đa dân tộc, đa văn hóa, những ngôn ngữ mới giúp em hòa nhập và hiểu rõ hơn về đất nước này. Yến khoe, em vừa hoàn thành xong luận văn thạc sĩ và được nhận vào thực tập tại một Công ty tại Singapore với mức lương khởi điểm 15 triệu đồng/tháng. Đến cuối năm nay, khi có bằng tốt nghiệp Đại học, Yến sẽ được nhận vào làm việc chính thức tại đây, với mức lương khoảng 2.000 đô la Singapore, tương đương 33 triệu đồng Việt Nam.

Với Yến, du học thực sự là cơ hội đổi đời, khi bố mẹ em đều là nông dân, và trong gia đình, vẫn còn có người chưa biết mặt con chữ. Chính chuyến đi này, đã mở ra cho em nhiều cơ hội, nhiều dự định hơn cho quê hương. Tháng 10 này, Yến mở các lớp dạy tiếng Anh miễn phí tại Hà Nội và thành phố Tuyên Quang. Vẫn vướng lịch học tại Singapore, em chọn kết nối với các sinh viên học ngoại ngữ tại Hà Nội và các bạn nước ngoài trực tiếp đứng lớp, để cải thiện phần giao tiếp cho các em khi làm quen với thứ ngôn ngữ quốc tế phổ biến này. Để rồi, như cách nói của Yến, khi cơ hội “ùa” đến như đã từng đến với em, thì người Tuyên Quang mình sẽ tự tin bước ra thế giới một cách tự tin, không ngại ngần.

Tự hào tinh thần Việt

Hoàng Tuấn Anh đang theo học nông nghiệp tại Trường Đại học Tổng hợp Mari, Liên bang Nga. Những ngày mới sang, đúng thời điểm nước Nga đang ở trong những ngày mùa đông khắc nghiệt, nhiệt độ luôn ở -20 độ C, bệnh cảm cúm, cảm lạnh… là chuyện xảy ra như cơm bữa. Hết thời tiết, lại đến câu chuyện dịch bệnh.

Hoàng Tuấn Anh chia sẻ, mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga được gìn giữ và vun đắp theo suốt chiều dài lịch sử, nhờ tinh thần chiến đấu, ý chí ham học hỏi của người Việt Nam qua bao thế hệ, nên những sinh viên Việt Nam như Tuấn Anh luôn nhận được sự giúp đỡ hết mình của người nước bạn, từ giảng viên đến sinh viên, quản sinh. Như thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại Liên bang Nga, Trường Đại học Tổng hợp Mari nơi Hoàng Tuấn Anh đang theo học đóng cửa ký túc xá 3 tháng, sinh viên gần như “cấm trại” tại trường. Cách ly, nhưng những sinh viên như cậu vẫn phải tự nấu ăn, Tuấn Anh chọn đặt mua hàng Online, hoặc viết danh sách những đồ cần mua rồi nhờ sinh viên người bản địa mua giúp đồ dùng.

Cùng sang theo học với Tuấn Anh, còn 5 sinh viên người Tuyên Quang, là Anh Nhật, là Nghĩa, là Nguyên, Quang, Phong, nhưng theo học tại Trường Đại học hữu nghị các dân tộc. Nhớ nhau, mỗi tháng các em lên kế hoạch đến thăm nhau một lần, để được thoải mái nói tiếng Việt, và được làm món nem rán đặc trưng của quê nhà.

Chuyện thời tiết, dịch bệnh là chuyện nhỏ, rào cản ngôn ngữ mới là vấn đề lớn, khi ở Việt Nam, nửa chữ Nga “bẻ đôi” em cũng không biết. Mất 1 năm học dự bị, để có thể thành thạo ngôn ngữ này, giờ Tuấn Anh đã có thể tự tin giao tiếp, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm. Theo Tuấn Anh, mặc dù nền nông nghiệp Nga đã có lúc chững lại do phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu, nhưng vài năm trở lại đây, nông nghiệp Nga đang hồi phục dần. Những kinh nghiệm về sản xuất hữu cơ, nông nghiệp 4.0, đặc biệt là những chính sách kích cầu từ chính phủ để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp từ trong nước, đảm bảo an ninh lương thực… là những vấn đề Hoàng Tuấn Anh chuyên sâu, để khi trở về Tuyên Quang, em có thể vận dụng những gì mình đã được học nơi đất khách, phát triển nền nông nghiệp tỉnh nhà.

Bùi Ngọc Hoa, cô sinh viên năm thứ 3 khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Rajabhat Sakon Sakhon (Thái Lan) cũng phải tự học cách thích nghi, làm quen với tiếng nói, văn hóa của người Thái. Mất 8 tháng để học tiếng nói và chữ viết Thái Lan, nhưng khi vào học chuyên ngành, với Ngọc Hoa thực sự là một “cuộc chiến”. Hoa chia sẻ, nói thì đơn giản hơn, vì tiếng Thái Lan có nhiều điểm tương đồng với tiếng Tày của người Tuyên Quang, nhưng chữ viết thì khó khăn hơn nhiều, khi Việt Nam sử dụng chữ quốc ngữ, còn ở Thái Lan là dạng ký tự tượng hình. Vừa học, vừa hỏi, may mắn với Ngọc Hoa là các giáo viên ở Thái Lan rất nhiệt tình và hết mình với những sinh viên nước ngoài nói chung và sinh viên Việt Nam nói riêng. Phần nào chưa hiểu, giảng viên sẵn sàng ở lại giảng đường, dùng cả tiếng Anh, cả ngôn ngữ hình thể giúp Hoa hiểu bài. Ngoài kiến thức, Bùi Ngọc Hoa phải học cách thay đổi nhiều thói quen để phù hợp với cuộc sống bên nước bạn, như câu chuyện không bao giờ mặc đồ bộ ra ngoài, vì theo quan niệm của người Thái thì đây là đồ ngủ; hay ở Thái Lan không có các quán ăn bán thịt chó, mèo, vì văn hóa bản địa, chó mèo là vật nuôi, là bạn của con người, không phải là thực phẩm.

Sẵn lợi thế là gia đình có công việc kinh doanh riêng, độc lập, dự định của Bùi Ngọc Hoa là học xong sẽ quay trở về Tuyên Quang. Với em, những tháng ngày được học tập, sinh sống tại Thái Lan, là những tháng ngày giúp em tự thích nghi, tự hoạch định, để khi về nước có thể trọn vẹn với tương lai của mình.

“Du học là một giấc mơ mà khi bắt đầu, bạn có thể sẽ hối hận vì chi phí đặt lên gia đình mình rất lớn, nhưng nếu không bắt đầu, bạn sẽ càng hối hận hơn vì cơ hội mở ra ở những chân trời mới mẻ này là vô cùng tận”, xin mượn lời của cô sinh viên Nguyễn Hải Yến để tạm kết cho bài viết này. Du học, với những người biết nắm bắt cơ hội, là điểm tựa để tri thức, sự trưởng thành và may mắn có thể đến cùng một lúc!

Phóng sự: Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/truong-thanh-noi-xu-nguoi-134380.html